.

Tỏa sáng phẩm chất người lính Cụ Hồ

Thứ Hai, 28/08/2017, 11:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Trở về đời thường sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt, ông Trần Trung Hoa (thôn Thanh Trúc, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa), thương binh hạng 4/4, là nạn nhân chất độc da cam, vẫn luôn phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục cống hiến cho quê hương, xã hội.

Thương binh Trần Trung Hoa, nay đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng vẫn nhanh nhẹn và gần gũi. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức một thời bom đạn vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người lính già. Chỉ cần một câu hỏi khơi gợi, những câu chuyện của quá khứ lại ùa về như thể vừa mới diễn ra ngày hôm qua.

Ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của một thời khói lửa hào hùng và là một phần ký ức không thể nào quên. Theo lời của ông, trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông đã tham gia chiến đấu 43 trận đánh lớn, nhỏ tại chiến trường miền Nam, chiến trường Lào và từng đối diện với những giây phút sinh tử, mang trên mình bao vết thương của chiến tranh. Để đến bây giờ, ông vẫn luôn tự hào rằng “Ngày xưa làm lính chiến trường/ Ngày nay làm lính hậu phương quê nhà”.

Chính vì lẽ đó, khi trở về quê hương, mất đi 37% sức khỏe, ông vẫn không cho phép bản thân mình nghỉ ngơi mà vẫn nỗ lực lao động, phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương.

32 năm rời quân ngũ, cũng chừng ấy thời gian ông dành trọn tâm huyết của mình cho việc làng, việc xã. Được tín nhiệm, ông lần lượt đảm nhận các cương vị: Bí thư Đảng ủy xã (1985-1991); UVBCH Hội Cựu chiến binh huyện Tuyên Hóa (cuối năm 1991-2000); Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã (2001-2012) và nay là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Tiến Hóa. Trên cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ. Đến bây giờ, người dân xã Tiến Hóa vẫn luôn biết ơn vì những việc ông đã làm cho vùng quê này.

Những năm 80 của thế kỷ trước, quê ông chồng chất khó khăn, không trạm xá, không trụ sở UBND xã, hệ thống giao thông xuống cấp, đường sá nhỏ hẹp... Trước thực trạng trên, nhiều đêm ông thức trắng, suy nghĩ để cố gắng tìm cách tháo gỡ.

Vợ chồng ông Trần Trung Hoa thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam.
Vợ chồng ông Trần Trung Hoa thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam.

Năm 1989, khi đang làm Bí thư Đảng ủy xã, ông đã bán đàn bò của gia đình để sang Lào, Thái Lan vận động bà con Việt kiều đóng góp kinh phí về xây dựng trụ sở ủy ban, trạm xá xã rộng rãi, khang trang. Đến năm 2014, sau khi UBND xã chuyển lên trụ sở mới, trụ sở cũ được sử dụng làm Trung tâm học tập cộng đồng xã Tiến Hóa.

Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn đến từng nhà vận động người dân hiến đất, hiến nhà, quy hoạch lại hệ thống đường giao thông trong xã. Sau một thời gian ngắn, những trục đường dọc rộng 7m, đường ngang 6m được hình thành, mạng lưới giao thông rộng rãi, thông thoáng.

Bên cạnh đó, nhờ sự tin tưởng của người dân, ông được bầu làm Trưởng ban nâng cấp đập thủy lợi cho 2 xã Mai Hóa, Tiến Hóa, từ chỗ trữ lượng nước với dung tích 3 triệu m³ lên 7 triệu m³, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho bà con nơi đây. Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng của xã có nhiều thay đổi, việc sản xuất, đi lại của người dân thuận lợi hơn.

Được tiếp xúc với ông, được nghe bà con kể về người thương binh này, chúng tôi càng hiểu hơn lý do vì sao người dân lại quý trọng ông đến thế. Thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm”, năm 2005, với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tiến Hóa, ông đã cùng ăn, cùng ở để vận động bà con vùng công giáo tham gia vào Đảng và thành lập hai chi bộ Chợ Cuồi, Thanh Tiến, xóa điểm trắng hai thôn không có tổ chức đảng.

Điều đáng quý hơn nữa là ông đã hỗ trợ vốn, tìm hiểu những mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với địa phương để người dân áp dụng, giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo. Ông là người đầu tiên đã lặn lội đưa giống cỏ voi từ tỉnh Bình Định, cây vải thiều của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) về trồng ở xã Tiến Hóa. Ông đã hợp tác với Trường đại học nông lâm Huế để học hỏi kinh nghiệm, giúp bà con có kiến thức trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Cho đến nay, giống cỏ này đã được nhân rộng trong toàn huyện Tuyên Hóa, góp phần phát triển kinh tế chăn nuôi trên địa bàn.

Là một người lính trở về sau trận mạc, không chỉ mang trên mình vết thương của chiến tranh, thương binh Trần Trung Hoa còn bị nhiễm chất độc hóa học. Bởi vậy, vào những ngày trái gió trở trời vết thương lại đau buốt, hành hạ ông. Mỗi lần chứng kiến những mảnh đời bất hạnh quằn quại trong cơn đau do hậu quả dai dẳng của chiến tranh lại thôi thúc ông tận tâm, tận lực với nhiệm vụ được giao, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam/dioxin.

Ông chia sẻ: “Là một nạn nhân, lại là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin xã nên tôi hiểu được nỗi đau đớn, xót xa của đồng chí, đồng đội khi bị nhiễm chất độc hóa học, nay còn truyền sang thế hệ con, cháu. Chính vì vậy, tôi sẽ dành phần đời còn lại của mình làm vơi đi những khó khăn của các nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc hóa học”.

Hiện, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Tiến Hóa có 34 nạn nhân, trong đó có 20 nạn nhân trực tiếp và 14 nạn nhân gián tiếp. Với vai trò là chủ tịch hội, ông đã tích cực vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tặng 2 xe lăn và hỗ trợ trên 35 triệu đồng để thăm hỏi, tặng quà cho các nạn nhân khi đau ốm hay dịp lễ, Tết. Ngoài ra, nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam năm 2017, ông đã vận động được 16 suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong hội.

Chị Trần Thị Thanh Hoa, cán bộ Văn hóa-Xã hội, UBND xã Tiến Hóa cho biết, là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã, ông Hoa rất nhiệt tình với công việc, luôn cảm thông với những người cùng cảnh ngộ. Ngoài ra, ông còn tích cực trong các phong trào làm việc thiện, ủng hộ các tổ chức xã hội.

Bên cạnh việc tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thương binh Trần Trung Hoa cùng với gia đình phát triển kinh tế, vượt khó vươn lên làm giàu. Cách đây chừng 20 năm, ông đã mạnh dạn nhận 18 ha đất hoang hóa để cải tạo trồng rừng. Khó có thể kể hết những năm tháng vất vả ban đầu, nhưng giờ đây, đất đã không phụ công người. Một màu xanh bao phủ trên các vạt đồi. Những cánh rừng keo bạt ngàn vài năm lại cho thu hoạch, trừ hết chi phí, gia đình ông thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Dẫu trong thời chiến cũng như thời bình, thương binh Trần Trung Hoa vẫn không ngừng cống hiến, làm việc cho các tổ chức, đoàn thể. Người thương binh ấy luôn tỏa sáng ý chí kiên cường, đạo đức của người lính Cụ Hồ, xứng đáng để thế hệ trẻ học tập và noi theo.

An Nhiên