.

Đồng hành cùng nhân dân

Thứ Ba, 01/08/2017, 08:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Giữa “tâm bão” Formosa, tháng 7-2016, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, đã có bài phát biểu kiến nghị 5 vấn đề liên quan đến sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Bình. Những đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tại diễn đàn Quốc hội và xuyên suốt quá trình hơn 1 năm qua đã góp phần quan trọng trong việc khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển tại Quảng Bình cũng như 4 tỉnh miền Trung.

Nội dung bài phát biểu, cùng với những kiến nghị là các câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của Formosa, vai trò của người dân, của cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương, các địa bàn bị ảnh hưởng nặng và giải pháp hỗ trợ, khắc phục hậu quả.

Ở thời điểm đó, Chính phủ đã khẩn trương có phương án để đền bù cho 7 nhóm đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Quyết định 1880/QĐ-TTg ngày 29-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ được tích cực triển khai.

Tuy nhiên, với những ảnh hưởng nghiêm trọng của sự cố, việc đánh giá, xem xét, mở rộng các đối tượng đền bù là điều quan trọng nhằm bảo đảm công bằng cho người dân và ổn định tình hình. Tháng 12-2016, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ban hành kế hoạch khảo sát tình hình thực hiện việc bồi thường sự cố môi trường biển theo Quyết định 1880.

Tại Quảng Bình, thời điểm cuối năm 2016, tại nhiều địa bàn, tình hình diễn biến khá phức tạp. Nhiều đơn thư, phản ánh được gửi đến cơ quan chức năng liên quan đến việc đền bù thiệt hại sự cố môi trường biển.

Cá biệt có nhiều nơi người dân tụ tập đông người tại trụ sở UBND xã, phường, thậm chí đến trụ sở Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan, chặn các tuyến giao thông để gây áp lực, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Những địa bàn “nóng” có thể kể đến là phường Phú Hải (thành phố Đồng Hới); các xã Thanh Trạch, Bắc Trạch (huyện Bố Trạch); các xã Quảng Văn, Quảng Lộc, Quảng Tiên, Quảng Phong (thị xã Ba Đồn); các xã Cảnh Dương, Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch)...

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Công Thuật phát biểu tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Công Thuật phát biểu tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV.

Trước tình hình này, để góp phần tháo gỡ sự căng thẳng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thành lập đoàn khảo sát về các điểm “nóng”  ở các địa bàn gồm: thị xã Ba Đồn, các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thành phố Đồng Hới và cả địa bàn bị ảnh hưởng của tỉnh Hà Tĩnh.

Các đoàn khảo sát đã có mặt trực tiếp, nắm tâm tư, ý kiến và nguyện vọng của người dân. Việc khảo sát đã được thực hiện đúng nội dung, đối tượng, khách quan, chính xác. Kết thúc đợt khảo sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp tình hình, tham mưu văn bản báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết.

Có thể nói, giữa thời điểm căng thẳng đó, Đoàn ĐBQH đã góp phần quan trọng để tháo gỡ tình hình bằng sự sâu sát, đồng hành với người dân ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi sự cố. Văn bản số 18/ĐĐBQH ngày 8-2-2017 gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ được thực hiện sau cuộc khảo sát đã tổng hợp về nguyên nhân cơ bản và những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển theo Quyết định 1880.

Văn bản cũng có các những kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ tồn tại, khó khăn, đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, bảo đảm công bằng, ngăn ngừa khiếu kiện, khiếu nại, tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự xã hội.

Sau khi nhận được những kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh, ngày 7-3-2017, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản số 90/UBTVQH14-BDN gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị sớm chỉ đạo nghiên cứu, giải quyết kịp thời những kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thiệt hại do sự cố môi trường biển cho tỉnh Quảng Bình; đồng thời chỉ đạo các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế thực hiện bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển theo Quyết định 1880.

Tiếp đó, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 1436/VPCP-NN gửi Đoàn ĐBQH và UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Bình tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường biển để người dân hiểu rõ. Văn bản cũng đồng thời chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu giải quyết các kiến nghị của Đoàn ĐBQH và UBND tỉnh Quảng Bình.

Gần một năm qua, công tác đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển được tích cực triển khai tại 4 tỉnh, trong đó có Quảng Bình. Trong quá trình thực hiện, qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến công tác đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Văn bản số 80-BC/ĐĐBQH ngày 11-5-2017 tiếp tục kiến nghị 9 vấn đề liên quan đến công tác đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển, trong đó, tập trung vào việc bổ sung đối tượng, định mức bồi thường, chính sách bồi thường đối với hải sản không bảo đảm an toàn thực phẩm bị tiêu hủy, hải sản tồn kho đã qua sơ chế. Văn bản cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng có văn bản hướng dẫn và trả lời cho cử tri rõ về một số đối tượng liên quan quyết định số 309/QĐ-TTg ngày 9-3-2017.

Với những thiệt hại mà sự cố môi trường biển đã gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo khảo sát thực tế tại các xã: Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy) và Phú Trạch (huyện Bố Trạch) để đưa các xã này vào danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020.

Bằng sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có những đóng góp tích cực của Đoàn ĐBQH tỉnh, tính đến ngày 7-6-2017, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã phê duyệt giá trị bồi thường với tổng số tiền 2.174.722 triệu đồng/2.328.702 triệu đồng kê khai ban đầu, đạt 93,4% số tiền kê khai thiệt hại. Số tiền đã giải ngân là 2.341.504 triệu đồng/2.360.000 triệu đồng Trung ương đã cấp cho địa phương. Đời sống và sản xuất của người dân nói chung, ngư dân các địa bàn bị ảnh hưởng nặng bởi sự cố môi trường biển nói riêng, bước đầu ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Sự cố môi trường biển đã gây ra thiệt hại nặng nề, việc khắc phục hậu quả sự cố cần thời gian, sự nỗ lực và chung sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Và trong suốt quá trình, Đoàn ĐBQH tỉnh và cá nhân các đại biểu đã có nhiều đóng góp quan trọng, xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đồng hành cùng nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách.

Ngọc Mai