.

Ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị bên lề kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVII

Thứ Năm, 13/07/2017, 14:12 [GMT+7]

Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn

* Thiếu tướng Từ Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh

>> Nhiều ý kiến thảo luận tâm huyết, sát với tình hình thực tiễn

Thời gian gần đây, nhất là 6 tháng đầu năm 2017, tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn tỉnh ta có những diễn biến khá phức tạp. Hậu quả của sự cố môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra từ tháng 4-2016 tiếp tục có tác động, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, lao động sản xuất của nhân dân ở khu vực nông thôn, ven biển, cửa sông; tranh chấp, khiếu kiện của nhân dân liên quan đến quá trình đền bù sự cố môi trường biển có xu hướng gia tăng, kéo theo những phức tạp về an ninh, trật tự; các thế lực thù địch, chống đối chính trị lợi dụng kích động nhân dân, đặc biệt là giáo dân có những hành vi quá khích, gây rối trật tự công cộng, cản trở giao thông, chống đối lực lượng chức năng; tình hình trật tự an toàn xã hội, nhất là tội phạm hình sự, tệ nạn ma túy, tai nạn giao thông ở địa bàn nông thôn vẫn còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp.

Người dân ở khu vực nông thôn tụ tập đông gây mất an ninh trật tự, rất dễ vi phạm pháp luật.
Người dân ở khu vực nông thôn một số nơi tụ tập đông gây mất an ninh trật tự, rất dễ vi phạm pháp luật.

Trước tình hình trên, lực lượng Công an tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; trực tiếp đấu tranh với các đối tượng thù địch và bọn tội phạm, góp phần giữ gìn và xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân ở vùng nông thôn.

Thời gian tới, để an ninh nông thôn được giữ vững, trước hết, phải phát huy mối liên hệ giữa chính quyền, sức mạnh đoàn kết của toàn dân, phát huy ý thức bảo vệ an ninh, trật tự của mỗi người dân. Đặc biệt là chú ý đến các vấn đề có liên quan đến an ninh nông thôn, đời sống hàng ngày của người dân như: vấn đề môi trường, chính sách giải quyết hỗ trợ đền bù, tái định cư...

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp đồng bộ, giải quyết kịp thời các bức xúc của nhân dân, không để xảy ra các sơ hở, thiếu sót để các phần tử xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá; tham gia cùng lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Ngọc Hải (thực hiện)

Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư về du lịch

* Đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch

Từ đầu năm 2017 đến nay, du lịch Quảng Bình đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ sau sự số môi trường biển với việc đón hơn 1,5 triệu lượt khách trong 6 tháng đầu năm, tăng 17% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã tin tưởng và chủ động đầu tư đưa vào phục vụ khách du lịch hơn 500 phòng ngủ tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, 3 nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch với gần 2.000 chỗ ngồi, hơn 20 xe điện phục vụ khách tham quan và City tour, nhiều quán cà phê, karaoke sang trọng, hiện đại...

Dự án khách sạn 5 sao Gold Coast vừa được đưa vào phục vụ khách du lịch.
Dự án khách sạn 5 sao Gold Coast vừa được đưa vào phục vụ khách du lịch.

Các điểm đến du lịch nhiều và chất lượng hơn các năm trước, tạo cho khách du lịch có nhiều sự lự chọn. Từ đầu năm 2017 đến nay cũng là thời gian ghi nhận có rất nhiều dự án về du lịch xin chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể thì các sản phẩm du lịch còn ít so với tiềm năng, nhiều sản phẩm chưa hoàn thiện. Cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, thiếu các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, chợ đêm, trạm dừng chân, bãi đỗ xe du lịch, các dịch vụ hỗ trợ phục vụ du khách; thiếu các khách sạn từ 3 sao trở lên, nhà hàng đạt chuẩn, các đầu xe từ 29-45 chỗ ngồi phục vụ khách du lịch và các sản phẩm du lịch nhằm khắc phục tính mùa vụ trong thời kỳ thấp điểm.

Để phát triển du lịch cũng như thu hút, kêu gọi đầu tư, ngành du lịch Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai có hiệu quả Chương trình hành động số 13/CTr-TU ngày 12-5-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển du lịch, giai đoạn 2016-2020 (bổ sung, sửa đổi); Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND ngày 30-4-2014 của UBND tỉnh Quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND ngày 31-12-2014 của UBND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư đối với cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án đầu tư về du lịch, dịch vụ; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ tại các trung tâm du lịch của tỉnh; phát triển các khu, tuyến, điểm du lịch mới mang tính độc đáo và có giá trị kinh tế lớn; kêu gọi đầu tư để hình thành các sản phẩm du lịch mùa đông.

Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực du lịch, như hỗ trợ đầu tư nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, hỗ trợ đầu tư cơ sở lưu trú du lịch, hỗ trợ phát triển đường bay mới trong nước và quốc tế. Dự báo trong thời gian tới, du lịch Quảng Bình tiếp tục trên đà tăng trưởng nhanh và nhiều nhà đầu tư lớn sẽ đầu tư vào du lịch Quảng Bình.

Lê Mai (thực hiện)

Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông

* Đồng chí Phạm Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Nhật Lệ 2 tại Quyết định số 517/QĐ-UBND ngày 14-3-2011 với tổng mức đầu tư là 936,6 tỷ đồng và khởi công xây dựng công trình vào tháng 8-2012; nguồn vốn thực hiện dự án bao gồm ngân sách trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh. Dự kiến công trình sẽ thông xe kỹ thuật vào dịp Quốc khánh 2-9-2017 và hoàn thành vào cuối năm 2017 theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Ngoài dự án cầu Nhật Lệ 2, nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò quan trọng của việc phát triển kết cấu hạ tầng GTVT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở GTVT đã chú trọng lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn ODA, các nhà đầu tư; tham mưu đề xuất với UBND tỉnh biện pháp phát huy nguồn lực của tỉnh, địa phương, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu và các nội dung đề ra có tính trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế.

Lãnh đạo Sở GTVT kiểm tra tiến độ thi công cầu Nhật Lệ 2.
Lãnh đạo Sở GTVT kiểm tra tiến độ thi công cầu Nhật Lệ 2.

Hiện tại, Sở GTVT đang triển khai thực hiện đầu tư dự án hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông. Đây là công trình quan trọng của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020, khi hoàn thành sẽ tạo thành hệ thống giao thông vận tải liên hoàn kết nối khu vực ven biển phía Đông với khu vực miền núi phía Tây của tỉnh; khai thác các tiềm năng, thế mạnh về du lịch biển; là cửa ngõ của thành phố Đồng Hới về phía Tây, tạo điều kiện mở rộng thành phố Đồng Hới về phía Nam, sử dụng có hiệu quả vùng cát trống ven biển.

Bên cạnh đó, để hạn chế ảnh hưởng của mực nước sông dâng, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn trong mùa mưa lũ, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và công tác di dân, cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai xảy ra, hiện Sở GTVT cũng đang triển khai các bước để thực hiện dự án đường phía Đông dọc bờ sông Lệ Kỳ kết hợp đê chống lũ cho phường Phú Hải.

Đối với hệ thống đường GTNT, hiện tại Sở GTVT đang phối hợp với các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương triển khai dự án LRAMP sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới; dự kiến trên địa bàn tỉnh sẽ được đầu tư cải tạo nâng cấp 11 tuyến đường GTNT và đầu tư xây dựng 22 cầu dân sinh. Việc thực hiện dự án này cũng sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều thôn bản chưa có cầu, đường; nhiều tuyến GTNT còn ở mức kỹ thuật thấp, đặc biệt sau hai trận lũ năm 2016, nhiều tuyến bị hư hỏng chưa khắc phục được... Ngành GTVT tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới.

Phan Hòa (thực hiện)

Tập trung thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường

* Đồng chí Trần Phong, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường

Với chức năng quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường (BVMT), thời gian qua, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh được Sở Tài nguyên - Môi trường (TN- MT) cùng các sở, ban, ngành và địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt. Các điểm nóng về ô nhiễm môi trường cơ bản được khống chế, xử lý; tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài tại một số cơ sở sản xuất đã chấm dứt; ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ngày càng tốt hơn.

Cán bộ Sở TN-MT kiểm tra hoạt động của một cơ sở sản xuất mủ cao su ở huyện Bố Trạch.
Cán bộ Sở TN-MT kiểm tra hoạt động của một cơ sở sản xuất mủ cao su ở huyện Bố Trạch.

Sở TN - MT luôn tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường. Trong 6 tháng đầu năm 2017, có 140 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoàn thành thực hiện chương trình quan trắc giám sát môi trường. Về giám sát sự cố môi trường biển, Sở TN-MT duy trì hiệu quả các trạm quan trắc, giám sát chất lượng nước biển gần bờ tại 5 vị trí: Quang Phú, Quảng Thọ, Đá Nhảy, Nhật Lệ và Hải Ninh.

Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác BVMT 215 lượt, trong đó Sở TN-MT thực hiện thanh tra, kiểm tra 75 lượt. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT 43 cơ sở, tổng số tiền xử phạt 1.088 triệu đồng.

Các hoạt động khác như thẩm định, đánh giá tác động môi trường; xây dựng kế hoạch BVMT; đề án cải tạo, phục hồi môi trường; kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; giám sát cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; quản lý chất thải và nhập khẩu phế liệu; quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học... cũng đã được Sở TN-MT thực hiện hiệu quả.

Vấn đề BVMT hiện nay đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trên phạm vi toàn cầu, trong đó công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng chung tay BVMT có vai trò then chốt, vì thế Sở TN-MT luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền.

Trong thời gian tới, với chức năng quản lý nhà nước về công tác BVMT, Sở TN-MT tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường; thực hiện điều tra tổng thể các nguồn thải để tham mưu cho UBND tỉnh hướng xử lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu công tác BVMT của tỉnh.

T.Long (thực hiện)

Tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án

* Đồng chí Nguyễn Xuân Sanh, Viện trưởng VKSND tỉnh

Trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình chính trị trên địa bàn tỉnh ổn định, an ninh được giữ vững, tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Cơ quan chức năng đã khởi tố mới 233 vụ/347 bị can, giảm 24 vụ/73 bị can so với cùng kỳ.

 Một phiên tòa xét xử có sự tham gia giám sát của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh và các cơ quan tố tụng.
Một phiên tòa xét xử có sự tham gia giám sát của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh và các cơ quan tố tụng.

Ngay từ đầu năm, toàn ngành Kiểm sát tỉnh đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp với nhiều nội dung mang tính đột phá, như: hướng dẫn chỉ đạo cấp huyện, phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tăng tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm lên đến 90% (tăng 11,1% so với cùng kỳ); chất lượng thực hành quyền công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra được nâng cao; tỷ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung thấp dưới mức quy định của ngành; các chỉ tiêu nghiệp vụ như: ban hành kháng nghị, kiến nghị đối với các cơ quan hữu quan yêu cầu khắc phục vi phạm, được quan tâm, chú trọng; không có án Viện Kiểm sát đình chỉ vì lý do không cấu thành tội phạm hoặc Tòa tuyên bị cáo không phạm tội; công tác tổ chức cán bộ được kiện toàn; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và tuyên truyền bước đầu phát huy có hiệu quả...

Tuy nhiên, việc phát hiện vi phạm trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động để ban hành kháng nghị hoặc kiến nghị còn ít; còn có án bị cấp phúc thẩm xử hủy; tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trong lĩnh vực dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại chưa nhiều. Một số tin báo, tố giác tội phạm có liên quan đến công tác giám định pháp y phải kéo dài thời hạn vì cơ quan giám định pháp y chậm trả kết luận giám định, gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng, vì vậy, ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm và giải quyết án ở giai đoạn điều tra.

Trước tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, các vụ án hình sự xảy ra với tính chất ngày càng nghiêm trọng, nguy hiểm, đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát chính quyền cơ sở, các ngành thực thi pháp luật trong việc thực hiện các nghị quyết của HĐND về quản lý kinh tế, quản lý đất đai; chỉ đạo chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trên các lĩnh vực nhằm hạn chế vi phạm và tội phạm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.

Dương Công Hợp (thực hiện)

“Cơ bản hoàn thành chi trả bồi thường sự cố môi trường biển”

* Đồng chí Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền Trung, tỉnh ta là địa phương có phạm vi thiệt hại rộng, nhiều đối tượng với khối lượng và giá trị thiệt hại lớn nhất trong 4 tỉnh. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự tích cực, chủ động của các sở, ngành, đơn vị, địa phương đến nay tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành việc chi trả bồi thường sự cố môi trường biển.

Thực hiện chi trả tiền bồi thường cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại huyện Bố Trạch.
Thực hiện chi trả tiền bồi thường cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại huyện Bố Trạch.

Theo thống kê ban đầu, tổng thiệt hại do sự cố môi trường biển trên địa bàn tỉnh là 3.124 tỷ đồng. Các huyện, thành phố, thị xã đã phê duyệt chi trả 2.629,4 tỷ đồng (96,2% số thiệt hại thực tế). Hiện các huyện, thành phố, thị xã đã chi trả 2.452,3 tỷ đồng (bằng 93,3% số tiền đã phê duyệt, bằng 88% số tiền Trung ương cấp tạm ứng cho tỉnh và bằng 89,8% số tiền thiệt hại thực tế). Nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành việc chi trả bồi thường sự cố môi trường biển như các huyện Bố Trạch, Lệ Thuỷ, thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn...

Trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, tỉnh ta gặp không ít khó khăn, vướng mắc, đó là: một số đối tượng không thuộc trường hợp được bồi thường theo quy định, các cấp chính quyền đã thực hiện tuyên truyền, giải thích nhưng vẫn cố tình gây áp lực; một số trường hợp bà con cho rằng chính quyền huyện, xã chưa quan tâm đến quyền lợi, đời sống của người dân bị thiệt hại, giải quyết vụ việc không khách quan, thiếu kịp thời.

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng bị thiệt hại lớn nhưng chưa được đưa vào đối tượng được bồi thường, hỗ trợ; công tác bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển phức tạp, kéo dài nhưng đội ngũ cán bộ thôn, xã chưa được hỗ trợ kinh phí cho hoạt động trực tiếp tham gia, phục vụ cho công tác...

Để thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, ổn định tình hình, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tỉnh ta tiếp tục khẩn trương thẩm định, phê duyệt và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, bảo đảm đúng theo quy định tại quyết định số 1880 và 309 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác tiếp công dân để giải quyết khiếu nại, khiếu kiện ngay từ cơ sở, tuyệt đối không để người dân bức xúc, tụ tập đông người; kiểm tra, rà soát hồ sơ kê khai, thẩm định, phê duyệt và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại bảo đảm đúng quy định; chú trọng đến các giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống cho người dân...

Ngọc Hải (thực hiện)