.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel

Thứ Sáu, 07/07/2017, 08:25 [GMT+7]

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức làm việc tại Đức, tối 6-7 theo giờ địa phương, tức rạng sáng 7-7, theo giờ Hà Nội, ngay sau khi tới thành phố Hamburg, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

>> Thủ tướng bắt đầu thăm CH Liên bang Đức và tham dự hội nghị G20

Thủ tướng Đức Angela Merkel đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc . (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Đức Angela Merkel đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc . (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Thủ tướng Angela Merkel đã mời Việt Nam thăm và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức và dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam sự đón tiếp chu đáo, trọng thị.

Thủ tướng Angela Merkel nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Cộng hòa Liên bang Đức; khẳng định việc Đức mời Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 thể hiện sự coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Đức phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng phát triển quan hệ với Đức, đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu trong nhiều năm qua trên các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác hiệu quả đang có, như Nhóm điều hành chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao, Đối thoại Nhà nước pháp quyền và Tổ công tác trong các lĩnh vực kinh tế-đầu tư, khoa học-công nghệ, nhằm triển khai thực chất Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam-Đức, tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Hai bên nhất trí duy trì thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức và diễn đàn đa phương.

Phía Đức cam kết tiếp tục ủng hộ Việt Nam phát triển quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), cũng như thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU.

Hai bên đánh giá cao việc hai nước có quan hệ hữu nghị gắn bó lâu đời, hài lòng nhận thấy trong nhiều năm qua Đức luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong EU, với kim ngạch hai chiều trong một vài năm trở lại đây ổn định ở mức xấp xỉ 9 tỷ USD; Đức hiện là nhà đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam trong EU với tổng số vốn đăng ký đạt 1,4 tỷ USD.

Hai Thủ tướng nhất trí cho rằng hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác và cần phối hợp thúc đẩy, tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp xúc với nhau nhiều hơn tại các diễn đàn doanh nghiệp song phương nhân dịp các chuyến thăm cấp cao hoặc tại các diễn đàn kinh tế toàn cầu.

Hai Thủ tướng hài lòng về kết quả tích cực của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Đức được tổ chức nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 28 thỏa thuận được ký kết với tổng trị giá trên 1,5 tỷ euro.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thủ tướng Angela Merkel khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Đức có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như công nghiệp phụ trợ, đường sắt, hạ tầng du lịch, vận tải – cảng biển, năng lượng tái tạo, công nghiệp thực phẩm, sản xuất và lắp ráp xe buýt Hybrid…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sẽ tạo môi trường thông thoáng và thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Đức hoạt động lâu dài tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dự án Ngôi nhà Đức tại thành phố Hồ Chí Minh đi vào hoạt động trong quý III năm 2017; đồng thời sẵn sàng đối thoại với phía Đức giải quyết các vướng mắc còn tồn đọng của các nhà đầu tư Đức tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Hai nhà lãnh đạo vui mừng trước sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, lao động và khoa học-công nghệ; nhất trí tiếp tục nỗ lực đưa trường Đai học Việt-Đức, dự án hải đăng trong hợp tác giáo dục sớm thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của Đức tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0. Hai bên sẽ xem xét khả năng ký Hiệp định cấp Chính phủ hoặc Hiệp định ba bên nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng và lâu dài cho trường Đại học Việt-Đức.

Hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục ủng hộ các dự án giảng dạy tiếng Đức và tiếng Việt ở bậc phổ thông tại Việt Nam và Đức; xem xét mở rộng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động Việt Nam để sang làm việc tại Đức, trước mắt là mở rộng chương trình đào tạo và sử dụng điều dưỡng viên Việt Nam tại Đức và triển khai Ý định thư giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế bang Mecklenburg-Vorpommern về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực y tế được ký nhân chuyến thăm Đức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Về hợp tác khoa học-công nghệ , hai bên nhất trí đẩy mạnh chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực Đức có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như điện gió, công nghiệp thực phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin và sinh học phục vụ phát triển bền vững v.v, điển hình là triển khai Bản ghi nhớ về hợp tác sản xuất tua-bin điện gió quy mô nhỏ hiệu năng cao giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Rostock của Đức vừa được ký nhân chuyến thăm này.

Về hợp tác an ninh-quốc phòng , hai Thủ tướng nhất trí hai bên sẽ hỗ trợ nhau trong lĩnh vực tư pháp hình sự và xem xét khả năng đàm phán Hiệp định về dẫn độ và Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cơ bản cho hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.

Nhân dịp này, Thủ tướng Angela Merkel đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam tại Đức đầy tiềm năng, sáng tạo, có những đóng góp tích cực vào sự đa dạng văn hóa và thịnh vượng chung của sở tại; nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng trong vai trò cầu nối hữu nghị giữa hai dân tộc.

Về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai nhà lãnh đạo nhất trí cần phải giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Với tư cách là nước đầu tàu trong EU, có kinh nghiệm xử lý các tranh chấp trên biển, Đức khẳng định ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông, ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam giải quyết các tranh chấp tại biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Theo TTXVN/Vietnam+