.
Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVII:

Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trả lời kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh

Thứ Bảy, 15/07/2017, 10:52 [GMT+7]

- Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời các kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực nông nghiệp như sau:

- Về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng: Tại khoản 1, điều 2 và điều 4 Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9-9-2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 quy định: hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí của Chính phủ quy định có thực hiện các hoạt động bảo vệ rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên trên diện tích được Nhà nước giao (có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền) được Nhà nước hỗ trợ kinh phí bảo vệ 400.000 đồng/ ha/năm.

Tuy nhiên, hiện tại, ngân sách Nhà nước phục vụ cho việc bảo vệ và phát triển rừng rất khó khăn. Để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các hộ gia đình nghèo được Nhà nước giao rừng tự nhiên , khuyến khích các hộ tăng cường công tác bảo vệ rừng, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn tham mưu UBND tỉnh lập danh sách cụ thể các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người kinh nghèo được Nhà nước giao rừng tự nhiên đang sinh sống ổn định trên địa bàn các xã khó khăn báo cáo và đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng.

- Vấn đề quy mô trang trại và vốn đầu tư: Về tiêu chí trang trại, tại điều 5, Thông tư số 27/2011/TT- BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tiêu chí, thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại quy định: cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn kinh tế trang trại phải thỏa mãn điều kiện: đối với cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tổng hợp phải có diện tích tối thiểu 2,1 ha và giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/ năm.

Đối với cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1.000 triệu đồng/năm trở lên; đối với cơ sở sản xuất lâm nghiệp phải có diện tích tối thiểu 31 ha và giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 500 triệu đồng /năm trở lên. Như vậy, vốn đầu tư không phải là tiêu chí để cấp giấy chứng nhận trang trại, nên mô hình kinh tế trang trại theo phản ánh trên của cử tri không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Về vấn đề vay vốn, hộ gia đình không đạt tiêu chí trang trại vẫn được vay vốn theo quy định tại điều 9, Nghị định số 55/2015/NĐ- CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với điều kiện cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Về đề nghị mở rộng đối tượng tại Thông tư số 27/2011/TTBNNPTNT, Thông tư này không thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh nên không thể thay đổi tiêu chí. Trong quá trình triển khai, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp với tình hình.

- Vấn đề đầu tư xây kè chống sạt lở dọc bờ sông Gianh: Phản ánh của cử tri là chính đáng và việc đầu tư xây dựng các tuyến kè bảo vệ bờ sông tại các vị trí sạt lở tại xã Quảng Trung là hết sức cần thiết, cấp bách. Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND tỉnh xem xét, ưu tiên hỗ trợ kinh phí đầu tư gia cố bờ sông các vị trí xung yếu nhằm bảo đảm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân trong vùng. Trong lúc chưa có kinh phí, đề nghị chính quyền và nhân dân địa phương chủ động sử dụng các biện pháp tạm thời, như: thả đá hộc, gia cố bằng cọc tre... nhằm hạn chế sạt lở bờ sông, đồng thời chuẩn bị phương án chủ động di dời các hộ dân tại các vị trí nguy hiểm, xung yếu bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản nhân dân trong mùa mưa bão.

- Một số vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển: Cử tri có hỏi ngoài các đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự cố môi trường biển đã được giải quyết đền bù, đối tượng như người bán thức ăn chăn nuôi có được nằm trong diện đền bù không? Hiện nay, Chính phủ không có quy định bồi thường, hỗ trợ đối với người bán thức ăn chăn nuôi. Sở Nông nghiệp và PTNT thông báo cho cử tri biết.

Hàng cập bến ở Cảng Hòn La. Ảnh: Thanh Hải
Hàng cập bến ở Cảng Hòn La. Ảnh: Thanh Hải

Cử tri đề nghị bồi thường, hỗ trợ về tài sản cho đối tượng nhà hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vì sự cố môi trường biển. Đối với chủ các cửa hàng ăn uống phục vụ khách du lịch có địa điểm kinh doanh tại các xã, phường, thị trấn ven biển bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển và người lao động làm việc tại các cơ sở này đã được quy định bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại khoản 2, điều I, Quyết định số 309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay các địa phương đang khẩn trương thực hiện kê khai, thẩm định, phê duyệt và chi trả theo quy định. Đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, hiện nay Chính phủ chưa có quy định bồi thường, chi trả.

>> Ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị bên lề kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVII

>> Cử tri đánh giá cao về kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVII

- Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời kiến nghị của cử tri về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020:

Ngày 16-8-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định số 1600/ QĐ-TTg, trong đó về cơ chế chính sách: “Tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thực sự làm chủ trong xây dựng nông thôn mới theo cơ chế đầu tư đặc thù rút gọn; bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong suốt quá trình thực hiện chương trình”; về cơ chế đầu tư:

“Đối với các dự án nhóm C quy mô nhỏ thực hiện theo cơ chế đặc thù rút gọn theo quy định của Chính phủ. Đối với các Dự án khác thực hiện theo các quy định hiện hành”. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 161/NĐ-CP về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020, trong đó đối với các dự án nhóm C, quy mô nhỏ (TMĐT dưới 5 tỷ đồng) sử dụng một phần ngân sách Nhà nước, phần kinh phí còn lại do nhân dân đóng góp và các nguồn khác, có sự tham gia thực hiện, giám sát của người dân.

Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các xã, tích cực nghiên cứu, áp dụng cơ chế đầu tư rút gọn tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP, hướng dẫn tại Thông tư số 349/2016/TT-BTC và các quy định hiện hành để thực hiện cơ chế đặc thù.

Hiện nay, UBND tỉnh đã giao các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn thực hiện cơ chế phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương theo đúng quy định hiện hành của pháp luật. Vì vậy, đề nghị các địa phương tập hợp cụ thể các vướng mắc và đề xuất trong quá trình thực hiện báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để UBND tỉnh có hướng dẫn cụ thể hoặc báo cáo cấp trên xem xét. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn NSTW không áp dụng cơ chế đặc thù, đề nghị các xã thực hiện các thủ tục đầu tư theo đúng quy định của Luật đầu tư công, Luật Xây dựng.

- Ông Phạm Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực xây dựng như sau:

- Về vấn đề hỗ trợ cải thiện nhà ở cho các đối tượng người có công theo Quyết định số 22/2013/ QĐ-TTg của Chính phủ nhưng đến nay chưa nhận được tiền hỗ trợ. Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Chính phủ, ngày 10-10-2013, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, trong đó số lượng hộ gia đình có công cần được hỗ trợ về nhà ở là 8.651 hộ.

Nguồn vốn để thực hiện chương trình chủ yếu dựa vào ngân sách trung ương. Vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 5%. Trong năm 2014, với nguồn vốn ngân sách trung ương cấp là 106.001 triệu, ngân sách tỉnh đối ứng là 5.584 triệu đã hỗ trợ cho 3.691 hộ xây nhà ở.

Từ tháng 1 năm 2015 đến nay, tỉnh ta chưa được trung ương cấp thêm nguồn vốn để thực hiện đề án nói trên. Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2016 trở đi, nguồn vốn để thực hiện Quyết định số 22 sẽ được trung ương cân đối cấp cho các địa phương trong kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 của các tỉnh. UBND tỉnh đã có Quyết định số 1743/QĐ-UBND về việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020, trong đó có bố trí vốn hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng là 115.200 triệu đồng, thực hiện trong giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, đến nay cũng chưa có nguồn vốn cấp từ trung ương nên cũng chưa thực hiện hỗ trợ tiếp. Thời gian tới, khi có nguồn vốn bố trí, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu nguồn vốn cho các huyện để tiếp tục thực hiện hỗ trợ.

- Về vấn đề chính sách làm nhà ở cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc Vân Kiều, thuộc xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Sở Xây dựng trả lời: Hiện nay, tỉnh ta đang thực hiện các chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, gồm chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh lụt bão theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Chính phủ với mức hỗ trợ từ 12-16 triệu đồng/hộ, mức vay là 15 triệu đồng/hộ với lãi suất ưu đãi. Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 33/2015/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng thụ hưởng sẽ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, mức vay là 25 triệu đồng/hộ với lãi suất ưu đãi để xây dựng nhà ở.

Theo các đề án đã được duyệt, xã Trường Sơn có 92 hộ nghèo đăng ký thực hiện các chương trình, trong đó có 53 hộ là đồng bào dân tộc. Hiện nay, đã có 22 hộ vay vốn và nhận tiền hỗ trợ để cải thiện nhà ở. Các hộ còn lại sẽ được tiếp tục thực hiện khi có nguồn vốn cấp. Do đó, đối với các hộ nghèo đồng bào dân tộc Vân Kiều, đề nghị UBND xã Trường Sơn, UBND huyện Quảng Ninh chỉ đạo, vận động, tuyên truyền các hộ dân thực hiện các chương trình nói trên để cải thiện nhà ở. Ngoài ra, đề nghị UBND huyện Quảng Ninh, UBND xã Trường Sơn tiếp tục tìm kiếm các nguồn hỗ trợ khác của các nhà hảo tâm để cải thiện điều kiện nhà ở cho người dân.

- Ông Trần Thuynh, Giám đốc Sở Tài chính trả lời kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực tài chính như sau:

Về chủ trương tăng số tiền hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố: UBND tỉnh và Sở Tài chính đã nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh của các địa phương về việc nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa của các cử tri. Hiện nay, mức hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa theo định mức tại Quyết định số 39/2003/QĐ-UB ngày 9-9-2003 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc ban hành quy định một số cơ chế chính sách phục vụ chương trình phát triển văn hóa-xã hội giai đoạn 2003-2005 là quá thấp và đã hết hiệu lực thi hành.

Trong những năm qua, thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã có nhiều nhà văn hóa thôn, tổ dân phố được xây dựng, chỉnh trang. Bên cạnh đó, nhiều xã, phường cũng đã huy động thêm nguồn kinh phí từ xã hội hóa để xây dựng nhà văn hóa. Vì vậy, Sở Tài chính kính đề nghị UBND tỉnh giao cho UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, tổng hợp, báo cáo nhu cầu số lượng nhà văn hóa còn lại chưa xây dựng; trên cơ sở đó giao cho các ngành tham mưu cân đối nguồn kinh phí để đề xuất định mức hỗ trợ phù hợp, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua.

- Ông Lê Trá Khoái, Phó Giám đốc Sở Công thương trả lời kiến nghị của cử tri về dự án mở rộng lưới điện nông thôn trên địa bàn xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa như sau:

Công trình cấp điện cho các thôn, bản của xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa thuộc dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Bình do Sở Công thương chủ đầu tư, được UBND tỉnh phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán tại Quyết định số 1717/QĐ-UBND ngày 8-6-2016. Công trình do Liên danh nhà thầu công ty TNHH Xây lắp điện số 1 Quảng Bình và Công ty TNHH Đông Tây thực hiện, được khởi công xây dựng từ đầu tháng 9 năm 2016, thời gian thực hiện hợp đồng là 240 ngày, kể từ ngày khởi công.

Tại thời điểm trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, mặc dù công trình chưa hoàn thành, công tác GPMB bảo đảm hành lang an toàn tuyến điện còn vướng mắc. Tuy nhiên, theo đề xuất của UBND xã Cao Quảng và nguyện vọng của bà con thôn Phú Nguyên, đặc biệt các hộ dân bên kia sông Rào Nan từ trước đến nay chưa có điện sinh hoạt, Sở Công thương đã chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công công trình để kịp đóng điện tạm thời trước Tết Nguyên Đán phục vụ bà con. Vì công trình chưa hoàn thành và bảo đảm vận hành an toàn lâu dài, nên sau khi đóng điện phục vụ Tết cho bà con xong, Công ty Điện lực đã cắt điện để tiếp tục thi công công trình.

Hiện nay, Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Tuyên Hóa, UBND xã Cao Quảng đang khẩn trương hoàn tất việc GPMB hành lang an toàn tuyến điện và sẽ tiến hành nghiệm thu, đóng điện, bàn giao công trình cho ngành Điện quản lý trong quý 3 năm 2017.

Phan Hòa (thực hiện)

(Còn tiếp)