.

Xứng danh "Lá cờ đầu"

Thứ Sáu, 16/06/2017, 11:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ hơn nửa thế kỷ trước, danh xưng Đại Phong đã không chỉ là danh từ riêng, mà đã trở thành “nguồn cảm hứng”, biểu tượng và là nguồn động lực cổ vũ cho toàn miền Bắc xã hội chủ nghĩa noi theo; được Bác Hồ, dù bận trăm công ngàn việc, cũng đã viết báo khen ngợi...

Một ngày mùa đông cuối năm 1960, người dân Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy thấy một đoàn cán bộ, trong đó có một cán bộ Trung ương, người dong dỏng cao,mang quân hàm Đại tướng về kiểm tra. Suốt những ngày sau đó, vị tướng này, chân đi đất, lúc mưa khoác áo tơi, vào từng nhà, rồi xăm xăm lội ruộng.

Chiếc máy cày DT 54 Bác Hồ gửi tặng HTX Đại Phong hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Chiếc máy cày DT 54 Bác Hồ gửi tặng HTX Đại Phong hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

Đó là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, lúc bấy giờ là Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, người được mệnh danh là vị tướng khởi nguồn gió Đại Phong, được Bác Hồ trực tiếp cử đi kiểm tra, nghiên cứu và đánh giá rút kinh nghiệm công tác tổ chức sản xuất tại HTX Đại Phong.

Lúc đó, HTX Đại Phong chỉ mới thành lập được hơn 1 năm. Tiền thân của HTX này là những tổ đổi công sản xuất nhỏ, rồi sau đó là các HTX nhỏ. Trước năm 1959, ở Đại Phong có đến 6 HTX như thế. Thế rồi, một ngày cuối năm 1959, sau nhiều lần bàn bạc, một cuộc họp bàn quan trọng của nhân dân Đại Phong kết thúc với sự thống nhất “về chung một nhà” (ngày 22-11-1959) với tên gọi HTX Đại Phong. Và chỉ sau hơn một năm sát nhập, tiếng tăm của HTX Đại Phong đã lan rộng khắp miền Bắc.

Cụ Đặng Ngọc Đính, lúc đó là thành viên Ban Kiểm soát của HTX, năm nay đã 89 tuổi, nhưng vẫn còn tinh anh và minh mẫn, kể rành rọt, trước khi hợp nhất, mỗi HTX nhỏ lúc ấy làm theo một kiểu khác nhau. Ruộng của HTX này nằm phân tán, xen kẽ với ruộng của HTX khác. Bây giờ thì có lịch thời vụ và quy trình sản xuất thống nhất, chứ lúc đó, mỗi nhà canh tác một kiểu, ai thích gì làm đó. Vậy nên có nhà đã gặt, mà có nhà lúa vẫn đang trổ bông. Ruộng đồng Đại Phong lại ở vùng trũng, thường xuyên bị ngập lụt. Cứ mỗi khi có thủy triều lên là ruộng lại bị ngập mặn.

Vì vậy nên năng suất lúa rất thấp. Không thể cứ mãi như thế này được. Có thể nói rằng, sự ra đời của HTX Đại Phong, một phần xuất phát từ thực tế đòi hỏi. Bởi nhất để tạo nên sức mạnh, để thích nghi, chống chọi lại với thiên nhiên khắc nghiệt và để thống nhất tổ chức sản xuất. Sau khi hợp nhất, việc đầu tiên của HTX là huy động nhân dân toàn thôn đắp đập, khoanh ô, khoanh vùng các vùng đồng thường xuyên bị ngập úng và chống thủy triều xâm nhập mặn. HTX cũng đưa ra một quy trình và lịch thời vụ sản xuất áp dụng thống nhất trong toàn thôn.

Chính vì vậy, các vụ mùatrong những năm 1960, 1961, nông dân HTX Đại Phong đều bội thu. Năng suất tăng hơn nhiều so với cách làm trước đây làm cho người nông dân tin tưởng vào sự quản lý, tổ chức của HTX. Rồi sau đó là công cuộc khai hoang, mở rộng diện tích canh tác. Những đồng lúa cứ lan rộng, xuôi mãi về phía phá Hạc Hải, vùng đất trước đây vốn là những thửa đất chết do nhiễm phèn, mặn và bị ngập nước quanh năm.

Không những thế, người dân Đại Phong còn tiến lên vùng đất ở phía Tây huyện Lệ Thủy tay cuốc, tay cày khai hoang hàng trăm ha đất để trồng màu và cây công nghiệp, như: sắn, khoai, đậu đỗ các loại...Lịch thời vụ thống nhất, khiến cho thời gian nông nhàn ngày càng tăng lên. Nhiều nghề phụ từ đây bắt đầu hình thành và phát triển, như: chăn nuôi, mộc, rèn, đan lát, chiếu cói, nung gạch..., góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Giữa lúc nhân dân Đại Phong đang ra sức thi đua đẩy mạnh sản xuất, xây dựng HTX, cuối năm 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương về tận nơi kiểm tra, nghiên cứu và rút kinh nghiệm cho phong trào của cả nước. Trên cơ sở những việc làm của HTX Đại Phong đã làm được, Đại tướng đã có chỉ đạo cụ thể, rút ra những bài học kinh nghiệm, như: HTX cần tích cực làm thủy lợi, khoanh ô, khoanh vùng; cải tạo giống lúa bằng cách canh tác những giống lúa có năng suất cao; phát triển các ngành nghề phụ trợ khác... Ngày 11-1-1961, Báo Nhân Dân số 2489 có đăng bài báo “Một hợp tác xã gương mẫu” của Bác Hồ (bút danh T.L - Trần Lực).

Trong bài, Bác nêu: “Đã hàng ngàn năm, người ta quen thói làm ăn riêng lẻ, “đèn nhà ai, rạng nhà nấy” với đầu óc hẹp hòi, tự tư tự lợi. Hợp tác xã Đại Phong trong khoảng 3 năm, từ một hợp tác xã 23 hộ nghèo khó phát triển đến 455 hộ sinh hoạt ngang với mức sống của trung nông và đang tiến lên nữa. Có kết quả đó là vì: họ tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng.

Họ không sợ khó, họ khéo tổ chức, họ đoàn kết chặt chẽ, họ quyết tâm phấn đấu để tiến lên”. Niềm vinh dự của HTX Đại Phong chưa dừng lại ở đó, khi ngày 20-3-1961, Bác Hồ gửi tặng HTX Đại Phong một chiếc máy cày DT54, do Đoàn thanh niên Cộng sản Công-xô-môn (Liên Xô cũ) biếu Người.

Tiếp đó, ngày 15-4-1961, Báo Nhân dân số 2582, Người đã viết bài “Phong trào Đại Phong”. Trong bài báo này, Bác viết: “Từ ngày đồng chí Nguyễn Chí Thanh nêu những ưu điểm và tiến bộ của hợp tác xã Đại Phong, đến nay chưa đầy hai tháng, mà khắp cả miền Bắc đã có ngót 1000 hợp tác xã nhận thi đua: học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt quá Đại Phong”. Ngoài ra, Bác nhấn mạnh những điều các HTX khác cần học tập Đại Phong, nhưng phải “học một cách sáng tạo”.

Kể từ đó, cùng với “Sóng Duyên Hải”, “Cờ Ba Nhất”, “Trống Bắc Lý”, HTX Đại Phong trở thành hình mẫu, biểu tượng và là nguồn cảm hứng để cả nước thi đua học tập và làm theo. Năm 1962, tại Đại hội Liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3, HTX Đại Phong được Hội đồng Chính phủ tuyên dương là “Lá cờ đầu của phong trào thi đua trong ngành nông nghiệp”.

Cụ Đính nhớ lại, có 3 sự kiện mà cho đến giờ đây, cụ và nhân dân Đại Phong vẫn không bao giờ quên, đó là ngày cả làng cùng đến trụ sở HTX để nghe đọc bài báo của Bác Hồ viết về HTX quê mình và ngày nhân dân Đại Phong nô nức đi đón chiếc máy cày của Bác gửi tặng. Tấm lòng và sự quan tâm của Bác đã trở thành sức mạnh cổ vũ, động viên,là nguồn động lực để nhân dân và HTX Đại Phong không ngừng tiến lên. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Phong Thủy cho biết, từ khi Đại Phong trở thành “Lá cờ đầu” trong nông nghiệp, suốt gần 60 năm qua, chưa bao giờ “gió Đại Phong” ngừng thổi.

Một góc Đại Phong ngày nay.
Một góc Đại Phong ngày nay.

Đại Phong vẫn là một trong những ngọn cờ đầu của ngành nông nghiệp Lệ Thủy.Minh chứng cho điều đó là từ năm 2002 đến nay HTX Đại Phong đã được Chủ tịch nước tặng thưởng 2 Huân chương Lao động hạng 3, Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua và bằng khen. Năm 2010, HTX được Nhà nước tặng giải thưởng toàn quốc vì sự nghiệp nông dân, nông thôn. Đặc biệt, năm 2012, Đại Phong được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Anh Nguyễn Cao Thành, Giám đốc HTX SXKD DVNN Đại Phong chia sẻ:“Có được điều đó là vì trải qua mỗi thời kỳ, HTX luôn luôn đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với xu thế mới. Hiện nay, HTX đang tiến hành những bước đi cần thiết nhằmkiến thiết lại ruộng đồng cho phù hợp, dồn điền đổi thửa, tiến tới xây dựng cánh đồng mẫu lớn.

Bên cạnh đó, HTX đang tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào đồng ruộng; nâng cao chất lượng các khâu dịch vụ cho bà con nông dân; đưa các bộ giống có chất lượng, giá trị cao vào gieo trồng”. Dẫu phía trước vẫn còn những bộn bề và nhiều việc phải làm nhưng nói như anh Thành, ngọn gió Đại Phong đã, đang và sẽ không ngừng thổi, để xứng danh “Lá cờ đầu” của ngành nông nghiệp một thời.

Dương Công Hợp