.

Quảng Bình làm theo lời Bác dạy

Thứ Sáu, 16/06/2017, 09:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách đây vừa tròn 60 năm, trong điều kiện đất nước bị chia cắt, Quảng Bình - Vĩnh Linh trở thành nơi tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam.

Để động viên nhân dân miền Nam trường kỳ kháng chiến, giải phóng dân tộc và nhân dân Quảng Bình - Vĩnh Linh vượt qua khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh, ngày 16-6-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian vào thăm Quảng Bình. Đây là niềm vinh dự, tự hào, là sự kiện lịch sử ghi lại dấu ấn sâu sắc trong lòng mỗi một người dân tỉnh ta.

 Bác Hồ trên lễ đài tại sân vận động Đồng Hới ngày 16-6-1957. Ảnh: T.L
Bác Hồ trên lễ đài tại sân vận động Đồng Hới ngày 16-6-1957. Ảnh: T.L

Về thăm tỉnh nhà giữa bộn bề công việc, dù chưa kịp nghỉ ngơi, Bác liền đi thăm nơi ăn ở của cán bộ, công nhân viên và nhà ăn tập thể; dành thời gian làm việc ngay với các đồng chí lãnh đạo tỉnh; tiếp các Đoàn đại biểu Vĩnh Linh và cán bộ hoạt động bí mật vùng Nam giới tuyến.

Bác cũng đã dành thời gian quý báu để gặp gỡ, thăm hỏi đoàn đại biểu các dân tộc, đại biểu nhân sĩ, trí thức, đại biểu tôn giáo; gặp mặt cán bộ cốt cán tại Hội trường Tỉnh ủy; nói chuyện với gần 3 vạn đồng bào tại Sân vận động Đồng Hới và đi thăm cán bộ chiến sỹ Sư đoàn 325.

Tại các cuộc gặp gỡ và những nơi đến thăm, Bác ân cần thăm hỏi sức khoẻ, tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân, lắng nghe ý kiến của mọi người, khen ngợi thành tích, phê bình khuyết điểm và căn dặn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh những điều rất chân tình, mộc mạc, cụ thể, thiết thực, hết sức sâu sắc mà cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Với tầm nhìn chiến lược, thấy rõ âm mưu, thủ đoạn lâu dài của kẻ địch, Bác đã chỉ rõ: “Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam, mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú ở đây đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ảnh hưởng đến việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hoạt động liều lĩnh gì thì Quảng Bình và Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết và phải bảo đảm đánh thắng chúng trước hết”.

Về xây dựng lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ của tỉnh, chuẩn bị lực lượng xung kích cho cuộc chiến đấu mới, Người căn dặn: "Hãy nhận rõ vị trí quan trọng của Quảng Bình mà mài sắc cảnh giác, tăng cường đoàn kết, ra sức học tập quân sự, chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức của người chiến sỹ cách mạng, tích cực tham gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, xây dựng quân đội lớn mạnh về mọi mặt để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, trong bất kỳ tình huống nào".

Về nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, Bác ân cần nhắc nhở: "Đối với Quảng Bình, nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém nghề ruộng. Hơn nữa, Quảng Bình còn có những thứ đặc biệt mà các nơi khác trên miền Bắc ít có. Xưa nay Quảng Bình nghèo khổ là vì đế quốc, phong kiến bóc lột kìm kẹp, vì chiến tranh tàn phá. Ngày nay, chúng ta đã có hoà bình để xây dựng xã hội; nếu biết dùng đúng và dùng tốt tài nguyên và lao động của mình thì Quảng Bình sẽ giàu có, không những đời sống nhân dân trong tỉnh được nâng lên mà còn đóng góp một phần quan trọng cho Nhà nước".

Về công tác xây dựng Đảng, Bác căn dặn: "Đảng phải biết quan tâm đầy đủ đến đời sống quần chúng nhân dân, nên chú ý đến cuộc sống đồng bào miền núi. Cần phải về cơ sở luôn, có đi nhiều mới nắm được tình hình để giải quyết, không đi không biết tình hình mà giải quyết đâu”, Bác nhấn mạnh "Đoàn kết nhân dân, đoàn kết càng cao, thành tích càng nhiều, thắng lợi càng lớn".

Như vậy, có thể thấy rằng: với trí tuệ anh minh, tầm nhìn xa trông rộng và tình yêu thương bao la vô bờ bến, Bác Hồ đã chuẩn bị chu đáo cho Đảng bộ, quân và dân tỉnh ta bước vào cuộc chiến đấu mới với niềm tin vững chắc. Vâng lời Bác Hồ dạy, trong suốt 60 năm qua, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đã nỗ lực cố gắng thi đua làm theo lời Bác trên tất cả các lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáng tự hào.

Ngay từ thời kỳ 1958 -1965, Quảng Bình đã hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa và hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ nhất, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, củng cố hậu phương, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đồng Hới - thành phố du lịch đang phát triển từng ngày. Ảnh: T.L
Đồng Hới - thành phố du lịch đang phát triển từng ngày. Ảnh: T.L

Ngày 5-8-1964, giặc Mỹ điên cuồng leo thang bắn phá miền Bắc, Quảng Bình trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ hòng cắt đứt mạch máu giao thông vận tải, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với chiến trường miền Nam và làm khuất phục ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Song, quân và dân Quảng Bình đã phát huy truyền thống "Quảng Bình quật khởi", với các khẩu hiệu “Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, quân và dân Quảng Bình đã luôn nêu cao quyết tâm, góp sức người, sức của làm tròn nhiệm vụ tiền tuyến của miền Bắc, hậu phương trực tiếp của miền Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình là nơi chiến tranh phá hoại của địch diễn ra ác liệt, tàn khốc: gần 16.400 người đã ngã xuống, 24.456 người bị thương; thị xã Đồng Hới và hàng trăm xã, phường, thị trấn, bản làng bị bom đạn Mỹ san bằng, hủy diệt... Nhưng, nhân dân Quảng Bình đã muôn người như một, không sợ hy sinh gian khổ, kiên cường dũng cảm chiến đấu, sản xuất và phục vụ chiến đấu, lập nhiều chiến công vẻ vang; bắn rơi 704 máy bay, bắn chìm và bắn cháy 84 tàu chiến địch, tiêu diệt, bắt sống 119 tên biệt kích; tiêu diệt 70 xe tăng, 13 máy bay và 7.256 tên địch trên các chiến trường khác...

Quảng Bình thực sự trở thành lá chắn vững chắc của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, trực tiếp chi viện đắc lực cho tiền tuyến miền Nam, làm tròn nghĩa vụ với Trị - Thiên kết nghĩa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trong những tháng ngày ấy, mặc dù bận trăm công ngàn việc nhưng Bác Hồ vẫn luôn theo dõi sát sao tình hình của Quảng Bình. Mỗi lần địch đánh phá ác liệt hay mỗi lần quân và dân Quảng Bình lập được chiến công xuất sắc, Người đều viết thư khen, thăm hỏi, động viên, khích lệ, đồng thời căn dặn những việc phải làm. Và cứ mỗi lần như thế, Quảng Bình lại dấy lên phong trào thi đua mới với một khí thế mới trong sản xuất và chiến đấu.

Quảng Bình là tỉnh đầu tiên trên toàn miền Bắc bắn rơi chiếc máy bay thứ 100, 200, 300, 400, 500 của Mỹ, được Bác Hồ gửi thư khen “Quảng Bình chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”. Cũng từ đây, "Hai giỏi" - một danh hiệu cao quý gắn liền với mảnh đất và con người Quảng Bình đã trở thành phong trào thi đua mạnh mẽ trong toàn tỉnh, một biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quê hương và con người Quảng Bình cho đến hôm nay và mãi mãi về sau.

Chiến tranh kết thúc, Quảng Bình bắt tay vào công cuộc khắc phục vết thương chiến tranh. Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đã tập trung sức người, sức của, đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm thực hiện tốt lời dạy của Bác, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Trong những ngày đầu mới tái lập tỉnh, tuy phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, hậu quả chiến tranh còn quá nặng nề; cơ sở vật chất, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém và không đồng bộ; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong khi đó, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” chống phá cách mạng nước ta.         

Thực tiễn nói trên đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta những nhiệm vụ hết sức nặng nề, vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, đồng thời vừa phải nghiên cứu để có chủ trương, giải pháp cho những vấn đề lâu dài, toàn diện, từng bước ổn định tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, tạo đà, tạo thế cho những bước phát triển tiếp theo.

Với một quyết tâm mới, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, khơi dậy mọi tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển với quyết tâm đưa Quảng Bình sớm trở thành một tỉnh giàu mạnh, văn minh. Nhờ xác định hướng đi đúng, bước đi thích hợp, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu cao của nhân dân, Quảng Bình đã đạt được những thành tựu và kết quả to lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Thành tựu nổi bật sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo là chúng ta đã khắc phục được tình trạng trì trệ về kinh tế - xã hội, đưa nền kinh tế đi vào thế ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng khá. Từ một nền kinh tế thuần nông, đến nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó nông, lâm, thuỷ sản chiếm 24,6%; công nghiệp - xây dựng chiếm 24,9%; dịch vụ chiếm 50,5%. Tốc độ tăng trưởng bình quân GDP giai đoạn 1996 - 2000 là 8,1%, giai đoạn 2005 - 2010 là 11%.

Trong giai đoạn 2011- 2016, trong điều kiện có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, suy thoái kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân của tỉnh vẫn đạt khá, bình quân đạt 6,5%, đây là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta. Thu ngân sách từ 14,160 tỷ đồng năm 1990 đã tăng lên 3.067 tỷ đồng năm 2016. GRDP bình quân đầu người từ 0,696 triệu đồng năm 1991 tăng lên 28,72 triệu đồng năm 2016. Từ một địa phương thường xuyên phải đối phó với thiếu đói giáp hạt, nay không những đã cân đối được nhu cầu tiêu dùng mà còn có khả năng sản xuất lương thực hàng hoá.

Từ xuất phát điểm gần như trắng về công nghiệp, qua hơn 30 năm đổi mới, công nghiệp tỉnh ta đã có bước phát triển, giữ vai trò là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Nhiều ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế như sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc; khai thác, chế biến các mặt hàng nông - lâm - thủy sản... được hình thành.

Trong xu thế hội nhập, với các cơ chế, chính sách rộng mở, thông thoáng, Quảng Bình đã và đang thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát, triển khai thực hiện nhiều dự án quan trọng, góp phần đắc lực vào việc thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà phát triển. Cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế -xã hội có bước phát triển quan trọng, nhiều công trình, dự án quy mô lớn được đưa vào khai thác sử dụng đã tạo bước đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kinh tế nhiều thành phần tiếp tục được củng cố, phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ngày càng được nâng cao; liên tiếp nhiều năm gần đây, Quảng Bình được xếp hạng đứng đầu cả nước về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai. Các khu du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách trong nước và quốc tế.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng- an ninh được củng cố, tăng cường. Hoạt động đối ngoại được mở rộng. Đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Bộ mặt của tỉnh ta từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến bản, làng miền núi, vùng cao đang từng ngày khởi sắc. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh ta đạt dưới 12,4% (theo chuẩn mới).

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai toàn diện. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm về công tác xây dựng Đảng và thực tiễn của địa phương, Đảng bộ đã đề ra những chủ trương đúng đắn, có những bước đi và biện pháp thích hợp trong việc xây dựng Đảng bộ vững mạnh trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đảng bộ Quảng Bình không ngừng trưởng thành lớn mạnh, đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân thường xuyên được củng cố tăng cường. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng được đẩy mạnh và đạt kết quả bước đầu quan trọng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ.

Những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta đã đạt được trong suốt chặng đường đã qua là rất quan trọng và rất đáng tự hào. Nhưng cũng ngay trong thời khắc lịch sử này, khi đang hân hoan kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình, chúng ta vẫn nhận thức sâu sắc rằng, Quảng Bình cũng còn hiều hạn chế, khuyết điểm, nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước.

Để xứng đáng với kỳ vọng, những lời căn dặn và tình cảm thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đòi hỏi Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, đổi mới, năng động sáng tạo hơn nữa, tạo bước chuyển về chất trong quá trình xây dựng và phát triển Quảng Bình trong thời kỳ mới, đó cũng chính là hành động thiết thực làm theo lời Bác Hồ dạy.

Với khát vọng và niềm tin quyết tâm phấn đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững như mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra, Đảng bộ, quân và dân tỉnh ta phải tập trung thực hiện có hiệu quả một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế, giữ vững sự ổn định và phát triển nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; tăng cường xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Tập trung phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng nâng cao giá trị. Cấp ủy, chính quyền các cấp phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển, phục hồi sản xuất, giải quyết việc làm và ổn định đời sống cho nhân dân.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế, “dùng đúng và dùng tốt tài nguyên” như lời Bác Hồ dạy, chúng ta phải biết phát huy các tiềm năng, lợi thế để tập trung cho đầu tư phát triển, tạo đòn bẩy trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ để du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Tăng cường quảng bá về du lịch Quảng Bình, phát triển các sản phẩm mới về du lịch; mở các đường bay trong nước và quốc tế; thu hút đầu tư và kêu gọi đầu tư nhằm phát huy và khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn mang tính động lực của tỉnh, như: Dự án Trung tâm thương mại, khách sạn và khu nhà phố thương mại Shop house của Tập đoàn Vingroup; Dự án quần thể Resort, giải trí, thể thao của Tập đoàn FLC; Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I, II...

Thứ hai, tiếp tục tạo chuyển biến rõ nét về văn hóa - xã hội. Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học. Cải thiện điều kiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt quản lý Nhà nước về văn hóa và các hoạt động lễ hội. Đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội.

Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới là viên ngọc quý của du lịch Quảng Bình.
Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới là viên ngọc quý của du lịch Quảng Bình.

Thứ ba, tăng cường đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Chủ động ngăn chặn, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc.

Thực hiện có hiệu quả các giải pháp thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Làm tốt công tác phòng, chống bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm an toàn cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thông suốt, kịp thời, sâu sát. Kiên quyết chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện tắc trách, trì trệ, sách nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc của cán bộ, công chức. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; cải cách tư pháp.

Thứ năm, tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, nhất là về kinh tế - xã hội, hướng về cơ sở để nắm chắc tình hình như lời Bác dạy. Nâng cao chất lượng việc xây dựng, ban hành nghị quyết của cấp ủy các cấp.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Làm tốt công tác chính trị tư tưởng; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác tổ chức xây dựng Đảng, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác cán bộ. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Tăng cường công tác nội chính, công tác dân vận, nhất là "Dân vận khéo" trong tình hình mới.

Tiếp tục tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo trong việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của cấp ủy các cấp.

Đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, nói đi đôi với làm. Tổ chức thực hiện nghiêm túc phương châm hành động xuyên suốt trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Tỉnh ủy đã đề ra “Tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương, biến lời nói thành hành động”. Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà cùng nhau đoàn kết, quyết tâm thực hiện tốt những lời Bác Hồ dạy, xây dựng Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.

Tỉnh ta đang sôi nổi tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình nhằm tỏ lòng thành kính, ghi nhớ công ơn trời biển của Bác Hồ, ôn lại những lời Bác căn dặn, khơi dậy truyền thống hào hùng của quê hương, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thật tốt lời Người căn dặn.

Hoàng Đăng Quang
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh