.

Phụ nữ Lệ Thủy: Thi đua phát triển kinh tế

Thứ Sáu, 30/06/2017, 09:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Phong trào thi đua phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh giỏi đang được phụ nữ huyện Lệ Thủy hưởng ứng sôi nổi. Những kết quả đạt được từ phong trào này của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện đã góp phần quan trọng cùng với Đảng bộ, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo.

Bà Võ Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, nét nổi bật trong thực hiện phong trào thi đua phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh giỏi mà các cấp hội phụ nữ huyện Lệ Thủy đạt được là hiệu quả hoạt động của các tổ hùn vốn và nhóm phụ nữ tiết kiệm. Đặc biệt, phong trào thi đua “Làm theo lời Bác thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững” đã được đông đảo hội viên đồng tình hưởng ứng.

Cụ thể, các chi, tổ hội LHPN trong toàn huyện đã triển khai nhiều hình thức, như: nuôi heo đất, vận động hội viên, phụ nữ tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày để chung tay góp sức giúp đỡ phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân... Hiện nay, với 6 loại hình tiết kiệm, toàn huyện Lệ Thủy có 3.216 nhóm phụ nữ tiết kiệm, thu hút trên 85,8% hội viên tham gia, đã tiết kiệm được trên 14,6 tỷ đồng, giúp cho 5.792 lượt hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn vay vốn sản xuất, kinh doanh nhằm từng bước ổn định và nâng cao đời sống.

Ngoài ra, mô hình tiết kiệm vốn vay thôn bản ở các xã Sen Thủy, Ngân Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy cũng đang tiếp tục được triển khai với 85 nhóm (1.693 thành viên tham gia), tiết kiệm 2,5 tỷ đồng. Việc thực hiện tiết kiệm được cập nhật, lưu giữ bằng hệ thống sổ sách của chi, tổ, hội LHPN xã, thị trấn và được theo dõi, giám sát kiểm tra thường xuyên của các cấp hội, nên bảo đảm tính khách quan và tạo được sự đồng thuận cao trong tập thể hội viên.   

Tận dụng lợi thế gò đồi, nhiều chị em phụ nữ huyện Lệ Thủy mở rộng mô hình kinh tế vườn đồi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tận dụng lợi thế gò đồi, nhiều chị em phụ nữ huyện Lệ Thủy mở rộng mô hình kinh tế vườn đồi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tiêu biểu trong việc củng cố, duy trì và phát triển các nhóm tiết kiệm của Hội LHPN Lệ Thủy là các đơn vị Mỹ Thủy, Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung... Ở các đơn vị này, 100% chi hội đều có tổ, nhóm tiết kiệm, với hơn 90% hội viên phụ nữ tham gia, tổng số tiền tiết kiệm được ở mỗi xã từ 1 - 1,8 tỷ đồng. Nhờ vậy, hội phụ nữ các xã đã chủ động về nguồn vốn, tạo điều kiện cho chị em vay đầu tư vào sản xuất chăn nuôi, trồng trọt... tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.

Đặc biệt, một số chi hội, như: Mỹ Hà (Mỹ Thủy), Xuân Lai (Mai Thủy)...,  duy trì tiết kiệm từ 2 - 5 loại hình với số tiền bình quân từ 20 - 200.000đ/hội viên. Bình quân số tiền tiết kiệm của các chi hội từ 150 - 550 triệu đồng. Nguồn tiết kiệm này đã tạo điều kiện cho những hội viên nghèo, phụ nữ nghèo làm chủ hộ vay vốn ưu đãi hoặc không có lãi, giúp chị em ổn định cuộc sống, có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, điển hình, như: chị Ngô Thị Sáu (Mỹ Thủy), chị Trần Thị Xuân (Mai Thủy)...

Điều đáng ghi nhận nữa là với sự năng động, sáng tạo, nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ Lệ Thủy đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, tìm tòi nhiều cách làm mới, hiệu quả. Trên thực tế, nhiều chị em phụ nữ phấn đấu vượt qua khó khăn của hoàn cảnh để vươn lên xây dựng những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, trở thành những chủ trang trại được UBND huyện cấp giấy chứng nhận... Đến nay, toàn huyện đã có hơn 1.500 mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, mang lại thu nhập từ 50 đến 250 triệu đồng/năm.

Điển hình như chị Nguyễn Thị Nga ở xã Phong Thủy. Với mô hình xay xát lúa, gia đình chị đầu tư một dàn máy liên hoàn cùng với hệ thống kho, bãi hợp lý. Mỗi năm, chị thu mua từ 30.000 - 40.000 tấn lúa, doanh thu từ 5 - 7 tỷ đồng, trừ chi phí lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.

Hay như chị Dương Thị Kính, từ một hộ thuộc diện nghèo của xã Dương Thủy, gia đình chị đã vượt qua khó khăn, khai thác đồi hoang cằn cỗi để xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp với hơn 400 con lợn, 2.000 con gà, 10 vạn cá giống/lứa, mỗi năm cho thu nhập trên 250 triệu đồng.

Ở các xã vùng bãi ngang có các chị Hoàng Thị Minh Tiếu (Ngư Thủy Trung), Trần Thị Quyết (Ngư Thủy Nam), Trần Thị Nở (Ngư Thủy Bắc) là những hội viên phụ nữ tiên phong vượt qua những tự ti, không ỷ lại vào chồng con với nghề biển. Các chị đã nỗ lực, năng động chuyển đổi mô hình làm ăn tại vùng cát vốn nhiều nghèo khó để vươn lên làm giàu cho gia đình mình với mô hình chế biến thủy sản, kết hợp chăn nuôi, thả nuôi cá nước ngọt..., thu nhập bình quân từ 200 - 400 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 3 - 7 lao động.

Những kết quả đạt được của các cấp hội phụ nữ huyện Lệ Thủy đã góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, từng bước xây dựng, đổi mới quê hương.

Tùy Phong