.

Phát huy vai trò của nhóm nòng cốt: "Điều kiện cần" để phổ biến pháp luật đến tận người dân

Thứ Hai, 05/06/2017, 08:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm hướng đến một môi trường sống lành mạnh, xây dựng tình làng, nghĩa xóm, bảo đảm an ninh trật tự và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, vận động chấp hành pháp luật đến tận người dân. Sự ra đời của các nhóm nòng cốt ở khu dân cư chính là một trong những “điều kiện cần” để hiện thực hóa điều đó.

Trước đây, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa) diễn biến khá phức tạp. Tình trạng trộm cắp, gây rối trật tự an ninh diễn ra khá thường xuyên gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, đời sống người dân trên địa bàn. Nhằm ổn định tình hình, Ban Thường trực Mặt trận xã đã quyết định thành lập 7 nhóm nòng cốt tại 7 thôn. Mỗi nhóm gồm 7-11 thành viên do Trưởng ban công tác Mặt trận làm trưởng nhóm.

Trên cơ sở hướng dẫn của Mặt trận xã, các nhóm nòng cốt đã xây dựng chương trình tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, gắn với nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với từng thời điểm để định hướng cho công tác tuyên truyền có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và xuyên suốt. Không quản ngại khó khăn, các thành viên của nhóm nòng cốt đã đến tận từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động.

Mỗi nhóm đều có các hình thức vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của từng thôn như lồng ghép hoạt động của nhóm với các buổi họp thôn, sinh hoạt chi bộ, Ban công tác Mặt trận, các hội, đoàn thể, đồng thời lồng ghép với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. “Với sự nhiệt tình, năng nổ của các thành viên trong nhóm nòng cốt, nhận thức của người dân xã Thuận Hóa về pháp luật ngày càng được nâng cao, từ đó góp phần cải thiện, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn”, ông Lê Hồng Phương, Chủ tịch Mặt trận xã Thuận Hóa chia sẻ.

 Nhóm nòng cốt có vai trò quan trọng trong việc góp phần trang bị kiến thức, hiểu biết pháp luật cho người dân ở khu dân cư.
Nhóm nòng cốt có vai trò quan trọng trong việc góp phần trang bị kiến thức, hiểu biết pháp luật cho người dân ở khu dân cư.

Thuận Hóa chỉ là một trong số nhiều địa phương ở tỉnh ta có các nhóm nòng cốt hoạt động hiệu quả. Để nâng cao hiểu biết, nhận thức về pháp luật cho người dân, việc xây dựng các nhóm nòng cốt trên cơ sở lựa chọn những cá nhân thật sự uy tín, tâm huyết, am hiểu pháp luật, có khả năng tuyên truyền, thuyết phục và tinh thần trách nhiệm cao tại địa bàn mỗi khu dân cư luôn được xem là khâu then chốt. Trưởng các nhóm nòng cốt thường là trưởng ban công tác Mặt trận hoặc trưởng thôn và các thành viên là công an viên, đại diện các tổ chức đoàn thể ở địa phương.

Các nhóm nòng cốt sau khi thành lập đều được hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, tiến hành khảo sát điều tra tình hình dân trí và việc chấp hành pháp luật của nhân dân, lựa chọn giới thiệu, tuyên truyền nội dung pháp luật phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Từ 3 nhóm nòng cốt được thành lập hoạt động thí điểm năm 2007 ở xã Đại Trạch (Bố Trạch), thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa), phường Đồng Sơn (thành phố Đồng Hới), đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập được các nhóm nòng cốt.

Để giúp các nhóm nòng cốt hoạt động, tuyên truyền có hiệu quả, hệ thống Mặt trận các cấp trong tỉnh đã ban hành quy trình hướng dẫn hoạt động, đồng thời tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho các thành viên. Việc tổ chức tuyên truyền của các nhóm nòng cốt cũng rất linh hoạt như lồng ghép trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, các hội nghị triển khai, tổng kết của ngành, đoàn thể, các buổi giao lưu, tọa đàm... bảo đảm mọi lúc, mọi nơi, gần gũi và thiết thực với bà con.

Định kỳ hàng tháng, hàng quý, khi có chủ trương, chính sách, quy định mới của địa phương thì các nhóm sẽ tổ chức nhóm họp, phân công trách nhiệm và bàn kế hoạch tuyên truyền rõ ràng. Các nhóm nòng cốt cũng luôn chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động riêng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của Mặt trận cùng cấp.

Những địa bàn là điểm nóng về tội phạm, tập trung nhiều thanh niên hư hỏng thì các nhóm phối hợp với lực lượng chức năng như công an thôn, công an xã và gia đình tiến hành phân tích, giúp các đối tượng hiểu, tự nguyện từ bỏ các tật xấu, phấn đấu trở thành người công dân tốt.

Các nhóm nòng cốt còn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB, Đoàn Thanh niên đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới hội viên bằng việc thành lập nhiều mô hình CLB như tổ phụ nữ phòng chống ma túy từ gia đình, vận động chồng, con, người thân đi cai nghiện, không tái nghiện; tổ phụ nữ không có chồng con nghiện ma túy và vi phạm pháp luật... góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

“Có thể khẳng định với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động phong phú, hiệu quả, được triển khai đến từng khu dân cư, các nhóm nòng cốt ở tỉnh ta đã thực sự góp phần nâng cao hiểu biết chính sách, pháp luật cho cán bộ và nhân dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tạo nếp sống và làm việc theo pháp luật; đồng thời ngăn chặn và hạn chế vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội”, ông Phạm Đức Thương, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh nhấn mạnh.

Đ.V