.

Ngư dân Hải Trạch làm theo lời Bác

Thứ Tư, 21/06/2017, 08:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 10-4-1956, khi đang nói chuyện tại hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Người khẳng định: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy, ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển... Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”(1). Làm theo lời Bác Hồ, ngư dân xã biển xã Hải Trạch (Bố Trạch) từ thế hệ này đến thế hệ khác vươn khơi bám biển, vừa mưu sinh vừa góp phần bảo vệ biển đảo quê hương...

Đã gần 40 mươi năm gắn bó với công việc đánh bắt cá trên biển với biết bao gian khổ, ông Hồ Văn Thuần ở thôn Tân Lý, xã Hải Trạch, chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề để làm một công việc khác nhẹ nhàng hơn. Sinh ra ở đây và lớn lên cũng trên mảnh đất này, ông theo cha học nghề biển từ khi còn rất trẻ. Rồi đến khi lấy vợ, sinh con, ông vẫn gắn bó với nghề để nuôi sống gia đình.

Khi con cái đã trưởng thành, cuộc sống đỡ vất vả hơn, nhưng ngày ngày, ông vẫn cùng với những người dân nơi đây ra khơi trong những chuyến biển dài. Ông Thuần cho biết: “Tuy tuổi tác đã cao, sức khỏe đã yếu đi, nhưng công việc này đã đem lại cho tôi nhiều niềm vui cũng như tình yêu, sự đoàn kết, gắn bó với anh em, bạn bè nghề biển. Vươn khơi bám biển, bảo vệ Tổ quốc còn là niềm tự hào.

Những chiếc tàu “67” sẵn sàng vươn khơi giữ gìn biển đảo quê hương.
Những chiếc tàu “67” sẵn sàng vươn khơi để khai thác hải sản và giữ gìn biển đảo quê hương.

Nhiều năm trở lại đây, tình hình đánh bắt cá bằng các phương tiện mang tính chất tận diệt hoặc lấn chiếm ngư trường diễn ra vô cùng phức tạp. Trước tình hình đó, nhiều ngư dân ở xã Hải Trạch đã đoàn kết và gắn bó trên các chuyến biển. Họ thường xuyên liên lạc, hỗ trợ cho nhau, đồng thời, kiên quyết đấu tranh tố giác các trường hợp tàu có công suất lớn đánh bắt tận diệt hoặc gây ô nhiễm môi trường biển. Những việc làm này đã được người dân Hải Trạch nhận thức và coi đó như trách nhiệm của mình.

Ông Phạm Hồng Phong, thôn Nội Hòa, một ngư dân nhiều năm làm nghề biển tâm sự “Khi có các tàu cá ở những tỉnh khác đánh bắt sai tuyến, sai vùng hoặc phát hiện những tàu lạ xâm chiếm khu vực biển, anh em chúng tôi kịp thời thông báo UBND cho xã Hải Trạch và Đồn Biên phòng 192 đóng tại xã Đức Trạch để các cơ quan chức năng nắm bắt tình hình, có biện pháp xử lý. Chúng tôi coi việc làm này là trách nhiệm và nghĩa vụ đối với biển”.

Là địa phương có gần 8.000 hộ làm nghề biển, xã Hải Trạch rất quan tâm đến công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia vươn khơi bám biển, vừa tạo công ăn việc làm cho bản thân vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biển quê hương.

Qua đó, nhiều ngư dân đã nâng cao được vai trò của mình trong việc thông tin tình hình trên biển đến UBND xã. Ông Nguyễn Duy Huy, Chủ tịch UBND xã Hải Trạch cho biết: “Xã Hải Trạch hiện có 35 tàu đi khơi hưởng chế độ Nghị định 48/NĐ-CP và ngoài ra còn có thêm 10 tàu đánh bắt vươn khơi khác. Khi nhận được thông tin xảy ra sự cố của các tàu khác trong khu vực vùng biển quản lý và nhận thấy sự ảnh hưởng về an ninh, chính trị, quốc phòng, chính quyền nhanh chóng phối hợp liên lạc với các đơn vị liên quan để xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, xã xác định vai trò của ngư dân trong việc cung cấp thông tin trên biển là rất quan trọng và cần thiết. Qua báo cáo của người dân, chúng tôi có thể nắm bắt thông tin để kịp thời xử lý hoặc trình báo cấp trên, qua đây, tạo thêm niềm tin cho ngư dân yên tâm bám biển”. Qua nhiều đợt vận động tuyên truyền và hỗ trợ các phương tiện cần thiết, nhiều ngư dân đã kịp thời báo tin về Đồn Biên phòng 192 đóng tại xã Đức Trạch khi phát hiện các tàu cá lạ xâm lấn vùng biển.

Thiếu tá Đặng Anh Trung, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 192 cho biết: “Hiện nay, Đồn quản lý 6 xã vùng biển của huyện Bố Trạch gồm: Nhân Trạch, Thanh Trạch, Trung Trạch, Đại Trạch, Hải Trạch và Đức Trạch. Với 323 tàu vươn khơi cùng 2.282 thuyền viên đang bám biển, mỗi ngày Đồn mở máy kiểm tra hai lần nhằm theo dõi thông tin từ các tàu thuyền báo về.

Tính đến thời điểm này đã có 274/323 tàu được trang bị máy Icom thông tin liên lạc. Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2017, các ngư dân đã báo cáo về Đồn Biên phòng 192 hàng trăm tin thông qua máy bộ đàm Icom được trang bị trên mỗi tàu thuyền cho ngư dân. Trong đó, nhiều tin báo giúp chúng tôi nắm bắt tình hình trên biển và triển khai kịp thời các phương án khi cần thiết.

Cũng thông qua việc báo tin qua máy bộ đàm Icom này, công tác cứu hộ, cứu nạn của Đồn Biên phòng đối với những ngư dân hiệu quả hơn. Trong năm 2017, Đồn Biên phòng 192 có kế hoạch trang bị thêm 2-3 máy bộ đàm Icom cho những tàu thuyền cá lớn trên 200CV để ngư dân tiếp tục thông tin tình hình biển cho Đồn khi cần thiết”.

Hiền Phương

---------------------------------------------------------------------------------------------------------
(1) Theo “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, năm 2008.