.

Cựu chiến binh Tân Lệ (An Thủy): Trồng sen, nuôi cá đạt hiệu quả

Thứ Hai, 26/06/2017, 10:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiệu quả từ mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá của Hội CCB thôn Tân Lệ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy đã và đang khẳng định đây là một hướng phát triển kinh tế mới, mang lại giá trị thu nhập ổn định cho người dân vùng thấp trũng.

Tân Lệ vốn là vùng thấp trũng với nhiều chân ruộng sâu và ao, hồ nên rất thuận lợi cho việc trồng sen. Từ thực tế này, Hội CCB thôn Tân Lệ, xã An Thủy đã mạnh dạn cải tạo khoảng 1ha diện tích ao làng bị bỏ hoang để thử nghiệm trồng sen. Cây sen dễ trồng, không tốn nhiều chi phí, công làm cỏ như các loại cây khác. Chỉ cần một khoảng diện tích mặt nước nhất định, dọn sạch cỏ, cải tạo mặt bằng là trồng được sen.

Sau Tết âm lịch là thời điểm thích hợp nhất để xuống giống. Khoảng 4 tháng sau, cây sen bắt đầu cho thu hoạch, đến tháng 6 vào mùa thu hoạch rộ và vụ thu hoạch kéo dài cho đến tháng 9. Khi nước lũ về nhiều, cây sen ngập nước và lụi dần, đến khi hết lũ lụt, sen lại nứt chồi, phát triển trở lại. Chỉ những chỗ nào củ sen bị chết, không mọc lên lại thì mới trồng dặm vào.

Chính vì vậy nên trồng sen chỉ mất chi phí đầu tư cho lần xuống giống đầu tiên, còn nhiều năm sau đó chỉ chăm sóc và thu hoạch, năng suất bình quân mỗi sào sen khoảng 70kg hạt (còn vỏ), với giá bán hiện nay 30.000  đồng/kg hạt loại vàng mơ và 40.000 đồng/kg hạt nâu đen, thì mỗi sào sen cho lãi  hơn 2,5 triệu đồng/năm, cao hơn làm lúa rất nhiều.

Bên cạnh đó, để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất, ngoài việc trồng sen, các hội viên Hội CCB thôn Tân Lệ còn đầu tư kết hợp thả nuôi cá ngay trên ruộng sen, giống cá được chọn để thả nuôi chủ yếu là rô phi.

Ông Phạm Văn Hát, hội viên Hội CCB thôn Tân Lệ cho biết cá rô phi rất dễ nuôi chịu được môi trường sống khắc nghiệt, không cần nhiều nước sạch, ăn tạp và thức ăn chủ yếu là động vật trong tự nhiên, cá rô phi ăn côn trùng, giun, ốc.

Trong điều kiện ao nuôi còn có thể cho cá ăn các phế phẩm nông nghiệp như cám, tấm, rau... và các phụ phẩm từ trại chăn nuôi, chất thải từ lò mổ, cá tạp tươi... Đây là nguồn thức ăn dễ kiếm và sẵn có tại địa phương, tiết kiệm được nhiều chi phí thức ăn nhưng mang lại hiệu quả cao cho giá trị sản phẩm”.

Mô hình trồng sen kết hợp thả nuôi cá không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần cải tạo môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn mới; thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mang lại nguồn thu nhập bền vững; tận dụng tối đa thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế. 

Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này, chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân;  khuyến khích bà con nông dân mạnh dạn đầu tư cải tạo các ao, đầm bỏ hoang hay chuyển đổi những chân ruộng sâu trồng lúa kém hiệu quả để trồng sen; góp phần đẩy mạnh việc xây dựng cánh đồng có giá trị thu nhập cao trên một đơn vị diện tích mà chủ trương của xã An Thủy nói riêng và của huyện Lệ Thủy nói chung  đã và đang triển khai thực hiện.

Vân Anh
(Đài TT-TH Lệ Thủy)