.

Lệ Thủy làm theo Bác

Thứ Sáu, 12/05/2017, 09:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Một ngày đầu tháng 5, đồng chí Nguyễn Quang Năm, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy đã dành thời gian khá dài để tâm sự cùng chúng tôi. Qua xuyên suốt câu chuyện của người đứng đầu huyện lúa lớn nhất tỉnh, là sự trăn trở của lãnh đạo huyện, làm thế nào để khai mở tiềm năng lợi thế, sớm đưa huyện vươn lên ngang bằng với các địa phương trong nước.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy mở đầu câu chuyện rằng, huyện Lệ Thủy giàu tiềm năng lợi thế, nhưng vẫn là một huyện nghèo. Mặc dù hết sức cố gắng, nhưng  nhìn tổng thể, huyện chưa bứt phá đi lên một cách mạnh mẽ được, chưa trở thành một huyện gương mẫu như mong ước của Bác khi Người về thăm Quảng Bình năm 1957, cũng như ước nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những lần về thăm quê.

Qua mấy nhiệm kỳ đại hội, Đảng bộ huyện đã xác định muốn giàu phải phát triển kinh tế hàng hoá, nông nghiệp toàn diện; độc canh, độc nông thì nghèo; ưu tiên phát triển kinh tế vùng gò đồi.

Hai năm qua, Đảng bộ huyện đã tập trung xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, nay là Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Chuyển đổi đất vùng cát, trồng 3 vụ rau màu.
Chuyển đổi đất vùng cát, trồng 3 vụ rau màu.

Theo như lời tâm sự của đồng chí Bí thư Huyện ủy thì, không nhất thiết phải là những việc làm to lớn, cao siêu, mà chỉ cần làm theo Bác bằng những hành vi, việc làm nhỏ hàng ngày nhưng cụ thể và thiết thực là tốt lắm rồi. Huyện ủy Lệ Thủy đã có cách làm sáng tạo là, thông qua sinh hoạt chi bộ, chỉ đạo các chi uỷ tổ chức đăng ký kế hoạch phấn đấu của cá nhân về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, gắn với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

Các chuẩn mực đạo đức theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được các đơn vị xây dựng phù hợp theo từng loại hình chi bộ. Kết quả của việc làm theo Bác Hồ ở Lệ Thuỷ được thể hiện rõ nét trên tất cả các mặt, lĩnh vực đời sống xã hội. Hai năm qua, trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, những mô hình làm theo lời Bác.

Xã Mai Thuỷ được xem là điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW và Chỉ thị 05-CT/TW trên địa bàn. Trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn, do nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng kết hợp với đợt sinh hoạt chuyên đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị", nên Mai Thủy đã phát động thi đua hiến đất, chặt cây mở rộng đường xây dựng nông thôn mới có hiệu quả.
Đảng bộ xã Dương Thủy đã phát huy vai trò “đầu tàu” của đảng viên trong việc gương mẫu làm theo Bác Hồ để quần chúng học tập.

Đảng bộ có quy mô khá lớn với gần 300 đảng viên, tham gia sinh hoạt tại 9 chi bộ. Các cấp uỷ tập trung lãnh đạo cán bộ, đảng viên chủ chốt của các đơn vị gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng để kịp thời phát hiện, uốn nắn hoặc xử lý những cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm, tạo lòng tin cho nhân dân.

Đi đầu trong phong trào làm theo Bác có Hội liên hiệp Phụ nữ huyện với việc vận động hội viên thực hiện tiết kiệm giúp nhau thoát nghèo. Trong 2 năm qua, hội viên đã tiết kiệm được hơn 950 triệu đồng và 3 tấn gạo, giúp đỡ cho hơn 2.150 lượt chị em có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với lãi suất thấp, nhờ đó đã có trên 1.400 hộ phụ nữ thoát nghèo.

Huyện đoàn cũng đã tổ chức phát động phong trào thi đua "Tuổi trẻ Quảng Bình học tập và làm theo lời Bác", "Thiếu nhi Lệ Thủy thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy" gắn với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Huyện đoàn đã chỉ đạo xây dựng 12 tủ sách về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với hơn 1.600 đầu sách; tổ chức tuyên dương 35 tập thể, 115 cá nhân tiên tiến làm theo lời Bác.

Kết quả rõ nét nhất trong phong trào làm theo Bác Hồ ở Lệ Thủy là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Nhiều địa phương đã phát huy lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, liên kết phục vụ nông nghiệp, xây dựng các mô hình vườn đồi, vườn rừng, trang trại, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, lao động giỏi... Qua phong trào này đã xuất hiện nhiều gương điển hình tập thể, cá nhân làm ăn có hiệu quả như các HTX dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong, Đại Phong (xã Phong Thủy), Bình Minh (Dương Thủy)...

Cơ cấu kinh tế cơ bản chuyển dịch đúng hướng, trong đó: ngành nông, lâm nghiệp-thuỷ sản chiếm 34,8%; công nghiệp-xây dựng chiếm 27,6%; dịch vụ chiếm 37,6%. Tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 95.169 tấn, thu ngân sách trên địa bàn đạt 138 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, Lệ Thủy hiện có 6.000 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt giá trị thu nhập trên 70 triệu đồng/ha/năm, trong đó có gần 1.500ha đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Vùng đất Lệ Thủy đã có ấn tượng sâu sắc với Bác từ thuở ấu thơ. Đó là, trong lần theo cha vào Huế, khi ngang qua vùng cát Lệ Thủy, hình ảnh  vùng cát trắng khô hạn và nhiều người bị bệnh chân voi đã ghi sâu trong tâm tưởng của Bác. Sau này trên cương vị Chủ tịch nước, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn không quên hỏi thăm các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Bình khi ra Hà Nội công tác về bệnh chân voi của người dân đã chữa được được chưa?  Khi nghe báo cáo là đã chữa được rồi, Bác rất vui.

Vùng cát nghèo khó năm xưa mà Bác đi qua nay đã có nhiều đổi thay. Nổi bật nhất là huyện đã mở được 3 tuyến đường ngang nối QL1 xuyên qua vùng cát với 3 xã biển, quan tâm xây dựng các mô hình kinh tế vùng cát như trang trại nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi, trồng rừng, chế biến hải sản.

Một thành tựu quan trọng mà Lệ Thủy làm được là thường xuyên quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ. Đây là vấn đề mà sinh thời Bác Hồ hết sức quan tâm.  Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng huyện đã ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo và khoa học công nghệ một cách thích đáng.

Đến nay, toàn huyện có 100% xã, thị trấn được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS; 25/28 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; có 12 trường học bậc mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (chiếm hơn 70%); hầu hết các trường tiểu học đều đạt chuẩn Những năm qua, Lệ Thủy có nhiều em đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, trong nước; là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh ta về phong trào và chất lượng giáo dục-đào tạo.

Có thể nói, những việc làm theo Bác thời gian qua ở Lệ Thủy rất cụ thể, thiết thực, đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội  trên địa bàn phát triển.

Trọng Thái