.

Quy định rõ trách nhiệm địa phương về quản lý tài nguyên, khoáng sản

Thứ Ba, 04/04/2017, 16:18 [GMT+7]

Sáng 4-4, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp.

>> Tiếp tục Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ ngày 31-10-2016 và tại Hội trường ngày 10-11-2016 về Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách và cơ quan soạn thảo đã tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm để tiếp thu và giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội.

Tiếp đó, tại các phiên họp vào tháng Một và tháng Hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật trên. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách và cơ quan soạn thảo đã hoàn thiện dự thảo luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án luật gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, đây là dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực. Do đó, để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật, tại hội nghị này, các đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục cho ý kiến góp ý về một số vấn đề lớn của dự thảo luật.

Tại hội nghị, đa số đại biểu đồng ý về phạm vi điều chỉnh của dự án luật; thống nhất tên của dự thảo luật là Luật quản lý, sử dụng tài sản công để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành.

Trong buổi sáng làm việc,18 đại biểu đã tham gia góp ý kiến. Một số đại biểu nêu băn khoăn về việc các quy định quản lý tài sản công vô hình - đặc biệt là tài nguyên, khoáng sản - chưa được thể hiện rõ. Điều đó có thể dẫn tới việc quản lý lỏng lẻo, gây thất thoát nguồn tài sản rất quan trọng này.

Có đại biểu nêu ý kiến, các quy định về quản lý tài sản công trong dự thảo luật chưa bao quát hết chính khái niệm tài sản công trong dự thảo luật. Cụ thể, theo dự thảo luật, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức; tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản công phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.

Như vậy, tài sản công bao gồm tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Khái niệm tài sản công như vậy là đã tiếp cận được với khái niệm tài sản công được Hiến định. Tuy nhiên, xuyên suốt dự thảo luật chủ yếu đề cập đến việc quản lý tài sản hiện hữu đang giao các cơ quan, đơn vị quản lý sử dụng. Các loại tài sản khác đang bị thất thoát lại chưa được nhắc đến. Nêu ví dụ tài sản là tài nguyên, khoáng sản, có ý kiến đề nghị quy định rõ việc giao các cơ quan mặc dù không trực tiếp quản lý để sử dụng nhưng cũng phải có trách nhiệm quản lý để tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên, khoáng sản.

Đề cập tới vấn đề này, có đại biểu đề xuất ý tưởng quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố về việc quản lý tài sản công, trong đó có tài nguyên, khoáng sản, trên địa bàn để bảo đảm hiệu quả trong quản lý tài sản công.

Đánh giá cao ý kiến của các đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt cơ quan soạn thảo cho biết sẽ ghi nhận, nghiên cứu để hoàn thiện thêm bảo đảm tính bao phủ hơn nữa của dự thảo luật.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình thêm, Khoản 1, Điều 6 Dự thảo luật đã quy định rõ nguyên tắc: “Mọi tài sản công đều được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và các đối tượng khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.” Quy định như vậy đã mang tính bao phủ, vì ngoài luật này còn có các luật chuyên ngành khác như: Luật Đất đai, Luật Tài nguyên, khoáng sản… Các chế tài và biện pháp quản lý về tài nguyên, khoáng sản đã được quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành, nhưng cần gia cố thêm để thể hiện rõ hơn trong dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày, tài sản công theo dự thảo luật được chia làm 6 nhóm, trong đó có nhóm thứ 6 là tài nguyên. Cùng với đó, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo bổ sung nhóm tài sản công là kho số khác (cơ sở dữ liệu, thương hiệu, tài sản vô hình…) phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã tổng hợp lại ý kiến đóng góp của các đại biểu, trong đó tập trung vào những nội dung như: vấn đề quản lý sử dụng tài sản công cần có quy định về kiểm kê, đánh giá thường xuyên. Về khấu hao tài sản công, cần tính toán kỹ, có lộ trình, phân loại tài sản. Các loại tài sản công được biếu tặng đã có quy định của pháp luật nhưng phải sử dụng đúng định mức, đúng tiêu chuẩn; cần tính thêm những loại tài sản là đầu tư của nhà nước vào việc sửa chữa, tu bổ các di tích lịch sử...

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết sẽ chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc các ý kiến, hoàn chỉnh dự án luật để trình ra tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV.

Theo Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)