.

Những vướng mắc trong Dự án Dân chấm điểm M-Score

Thứ Tư, 12/04/2017, 08:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, Dự án Dân chấm điểm M - Score đã được triển khai trên địa bàn tỉnh và bước đầu gặt hái những kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, dự án đã và đang gặp một số khó khăn, vướng mắc cần sớm giải quyết.

Ban quản lý Dự án Dân chấm điểm M - Score vừa tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm nhằm trao đổi, thảo luận và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện dự án.

Tại hội thảo, nhiều cán bộ trực tiếp được dân chấm điểm đã chia sẻ những nỗi niềm ít ai thấu tỏ. Trong nhiều trường hợp bộ phận một cửa được người dân chấm điểm thấp một cách “oan uổng” dẫu “phần lỗi” lại không thuộc về mình và ngược lại có trường hợp lẽ ra bị điểm thấp nhưng người dân không biết để chấm.

Huyện Minh Hóa là một trong những địa phương được người dân chấm điểm cao. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Văn phòng HĐND và UBND huyện, việc chấm điểm của người dân vẫn chưa đánh giá được tận gốc của vấn đề hoặc người dân còn e ngại nên không muốn chấm điểm thấp. Mặt khác, người dân chỉ đánh giá chính xác được cán bộ tiếp nhận hồ sơ, còn cán bộ trực tiếp giải quyết hồ sơ thì chỉ đánh giá theo dạng chung chung.

Tại thành phố Đồng Hới, Dự án Dân chấm điểm M- Score đã góp phần nâng cao chất lượng, tác phong làm việc của cán bộ. Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cũng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc giải quyết hồ sơ, đầu tư trang thiết bị, hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước. Hàng tháng, đơn vị họp, quán triệt, nhắc nhở cán bộ làm ở bộ phận một cửa tích cực tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, tỏ thái độ hòa nhã với nhân dân.

Tuy nhiên, do lượng hồ sơ ở thành phố quá lớn so với các địa phương khác, số lượng cán bộ giải quyết hồ sơ có hạn nên vẫn còn tình trạng hồ sơ chậm trễ, khiến một số người dân chưa hài lòng và chấm điểm thấp. Do vậy, công việc tại bộ phận một cửa thành phố Đồng Hới vốn dĩ đã áp lực càng trở nên nặng nề khi đội ngũ cán bộ còn thiếu.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa liên thông thị xã Ba Đồn.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa liên thông thị xã Ba Đồn.

Hiện nay, việc thực hiện nhập hồ sơ dữ liệu hàng ngày trên phần mềm của Dự án Dân chấm điểm M - Score đang gặp khó khăn do tốc độ xử lý chậm. Cán bộ phải thực hiện nhập hoặc tra cứu thông tin hồ sơ theo chi tiết, không tận dụng được thông tin đã nhập trước đó cho dù trong cùng một loại hồ sơ, cùng ngày nộp và nhận. Thao tác này làm tốn nhiều thời gian của cán bộ, ảnh hưởng đến tiến độ và công tác tổng hợp báo cáo. Thời hạn hẹn trả kết quả mà phần mềm của RTA quy định chỉ tính theo ngày làm việc và đúng giờ.

Tuy nhiên, khi nhập hồ sơ dữ liệu, phần mềm vẫn tính cả ngày lễ, thứ 7 và chủ nhật dẫn đến việc thống kê thời hạn giải quyết hồ sơ kéo dài hơn so với giấy hẹn. Có những trường hợp đúng ngày, nhưng muộn giờ vẫn bị tính quá hẹn. Việc tra cứu, tìm kiếm trên phần mềm điện tử còn gặp khó khăn.

Mặc dù cán bộ bộ phận “một cửa” đã nhập đầy đủ hồ sơ của người dân nhưng trong một số trường hợp, máy tính không hiển thị thông tin khi gõ vào thanh tìm kiếm trên máy. Cán bộ bộ phận “một cửa” cũng gặp khó khăn khi một số người dân khai hồ sơ nhưng nhờ người nộp hoặc khai không đúng thông tin cá nhân.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai Dự án Dân chấm điểm còn hạn chế. Một lãnh đạo Văn phòng UBND huyện Quảng Ninh cho hay: Quy trình triển khai các loại thủ tục hành chính đã ấn định sẵn song có lúc hồ sơ hoặc kết quả gửi đến người dân bị “kẹt lại” ở một đơn vị trung gian nào đó, nằm ngoài tầm kiểm soát của bộ phận “một cửa”. Người dân đến hỏi, cán bộ bộ phận “một cửa” phải liên lạc với nhiều cơ quan, đơn vị để có câu trả lời cho bà con.

Tuy nhiên, do chưa hiểu bộ phận “một cửa” chỉ có nhiệm vụ nhận và hẹn ngày trả kết quả nên nhiều người lại có ý kiến, chấm điểm rất thấp. Một thực tế đáng lưu ý khác trong thực hiện dự án, có thể có trường hợp người dân chưa hiểu rõ những quy định của pháp luật, lợi dụng sự dân chủ để có những phản ánh sai lệch trong quá trình tham gia thực hiện hoạt động dân chấm điểm các cơ quan chính quyền địa phương.

Một vướng mắc phải kể đến đường dây nóng 18008006. Việc đặt đường dây nóng tại Văn phòng HĐND tỉnh đã phát huy vai trò, trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong quá trình thực hiện dự án. Cán bộ đường dây nóng phối hợp với cán bộ văn phòng “một cửa” xử lý nhiều trường hợp hồ sơ trễ hẹn, đặc biệt là các hồ sơ quá hạn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hoạt động của đường dây nóng vẫn gặp phải những khó khăn, vướng mắc.

Theo thống kê mới đây, đường dây nóng 18008006 từ khi lắp đặt chỉ nhận được 122 cuộc gọi đến, trong đó có 98 cuộc gọi đúng mực đích. Nếu con số này so với tỉnh Quảng Trị thì quá ít, bởi trong trong năm 2016, đường dây nóng của tỉnh này đã nhận 844 cuộc gọi đến của người dân, trong đó có nhiều cuộc gọi phản ánh đúng trọng tâm, thực trạng của vấn đề nên HĐND tỉnh đã nhanh chóng giải quyết cho người dân hiệu quả.

Nguyên nhân dẫn đến thực trang trên là do nhiều người dân chưa biết, chưa quan tâm đến dự án cũng như đường dây nóng.  Các cơ quan truyền thông, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, nhưng do kinh phí thấp nên hình thức tuyên truyền chưa phong phú, cách thức tuyên truyền còn hạn chế, tần suất thấp nên nhiều người dân chưa hiểu hết vấn đề.

Thiết nghĩ, để giải quyết vấn đề này, văn phòng “một cửa” cấp huyện, các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể cần giải thích cặn kẽ để nhân dân hiểu hơn lợi ích của họ trong thực hiện dự án. Chỉ cần dân hiểu, dân có số điện thoại đường dây nóng thì khi có thắc mắc, hoặc hồ sơ có vấn đề chắc chắn người dân sẽ gọi đường dây nóng.

Để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Dự án Dân chấm điểm M- Score, đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hệ thống một cửa liên thông và dịch vụ hành chính công để thay thế cho hệ thống phần mềm một cửa đang sử dụng đã lạc hậu.

Ban quản lý dự án gửi báo cáo kết quả khảo sát hàng tháng cho UBND các huyện, thành phố, thị xã để làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính và có sự chấn chỉnh kịp thời. Các cơ quan báo chí phối hợp với Ban quản lý dự án tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của dự án, từ đó tích cực tham gia chấm điểm dịch vụ hành chính công một cách chính xác, khách quan, độc lập, giám sát một cách minh bạch đối với chính quyền trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.

Đối với UBND cấp huyện phải chỉ đạo bộ phận “một cửa” và các phòng, ban chuyên môn thực hiện hiệu quả các hoạt động, báo cáo Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Ban quản lý dự án về những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai; rà soát lại những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính mà người dân và doanh nghiệp không hài lòng để chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác...

Xuân Vương