.

Minh Hóa: Chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Sáu, 14/04/2017, 08:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Minh Hóa ngày càng được nâng cao, qua đó, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị nơi biên giới. Đồng bào ngày càng tin tưởng vào Đảng và Nhà nước.

Hiện, trên địa bàn huyện Minh Hóa có 8 tộc người với 4 dân tộc gồm Kinh, Bru -Vân Kiều, Chứt, Thổ với 2.502 hộ dân, gần 11.000 nhân khẩu. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sống tập trung tại 40 thôn, bản của 4 xã trên tuyến biên giới là Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa, còn lại đồng bào sống tại các xã Hóa Thanh, Hóa Tiến, Hóa Hợp, Trung Hóa, Xuân Hóa, thị trấn Quy Đạt.

Do điều kiện sản xuất của bà con còn nhiều khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu, nên cái nghèo cứ bám riết. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bằng những hỗ trợ thiết thực, đồng bào đã tích cực lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Thời gian qua, đồng bào DTTS các xã biên giới huyện Minh Hóa đã gieo trồng được 154ha lúa nước và lúa rẫy, trên 300ha ngô, 257ha lạc, đạt năng suất và sản lượng khá cao. Chăn nuôi đang từng bước phát triển, hiện đàn gia súc của đồng bào 4 xã biên giới có trên 8.000 con. Nhiều mô hình trồng, bảo vệ rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích sản xuất lâm nghiệp trên 4 xã đạt 222ha, chiếm 37% diện tích rừng sản xuất toàn huyện. Phong trào xây dựng bản làng, gia đình văn hóa được đồng bào tích cực hưởng ứng.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Minh Hóa đang thu hoạch lúa rẫy.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Minh Hóa đang thu hoạch lúa rẫy.

Công tác giáo dục tại vùng DTTS được quan tâm đúng mức, cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học được cải thiện. Các cấp học đã huy động cơ bản số con em trong độ tuổi đến trường. Trên địa bàn huyện có khoảng 3.700 học sinh là người DTTS được đến trường và hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước. Mạng lưới y tế được quan tâm, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được chú trọng.

Nhằm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất cho đồng bào DTTS, năm 2016 và đầu năm 2017, huyện đã hỗ trợ gạo theo Chương trình 30a kịp thời cho những hộ còn nằm trong diện được hưởng. Trong dịp Tết Nguyên đán 2017, Minh Hóa tiếp tục hỗ trợ gạo giáp hạt và gạo cứu đói cho các xã Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn và Thượng Hóa. Hàng nghìn hộ nghèo ở các xã biên giới cũng đã được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, kinh phí để làm nước sạch, nhà vệ sinh, trồng và chăm sóc rừng.

Hiện, UBND huyện Minh Hóa đang chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai và thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều chương trình, dự án; tuyên truyền vận động đồng bào phát triển kinh tế- xã hội, tham gia xây dựng chính quyền, bảo vệ an ninh biên giới, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đồng bào, tạo vốn vay cho bà con phát triển sản xuất; bố trí nguồn vốn từ Chương trình 135 hỗ trợ phát triển sản xuất và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Năm 2016, tổng vốn của Chương trình 135 đã bố trí là 17.036 triệu đồng cho việc xây dựng các công trình mới và công trình chuyển tiếp.

Nhằm hỗ trợ cho bà con phát triển sản xuất, huyện Minh Hóa còn tổ chức 3 lớp tập huấn lao động sản xuất, đào tạo nghề cho bà con; hỗ trợ 2.816 con lợn, dê, gà giống và 52.851 cây ăn quả, trên 42.000 kg giống cây lương thực, gần 10 tấn phân bón; hỗ trợ đất sản xuất cho 10 hộ dân ở xã Trọng Hóa với diện tích 5 ha, lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt cho 2.796 hộ ở các thôn bản với số vốn cấp 3.634,8 triệu đồng và xây dựng nhiều công trình phúc lợi khác.

Đến cuối năm 2016, có 118 hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn được vay vốn, số tiền vay 572 triệu đồng. Phần lớn các hộ vay sử dụng đồng vốn để phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và vươn lên trở thành hộ khá.

Ông Cao Ngọc Ðiền, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn cho hay: “Hiện, xã đang tập trung chỉ đạo bà con vận dụng các chính sách hỗ trợ để trồng, chăm sóc và thu hoạch rừng trồng, khoanh nuôi, bảo vệ và trồng mới rừng từ các dự án, nên đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao. Riêng các hộ nghèo có nguy cơ thiếu đói, xã đã lập danh sách đề nghị UBND huyện tiếp tục hỗ trợ”.

Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo vùng khó khăn cũng đã đến được với bà con vùng đồng bào DTTS. Toàn huyện có gần 24.000 người được thụ hưởng với số tiền trên 2,3 tỷ đồng. Theo chính sách này, định mức được hưởng bằng hiện vật tương đương 100.000đồng/khẩu. Bên cạnh đó, các chính sách cho người có uy tín, cấp phát báo và tạp chí cho đồng bào cũng đã được triển khai đầy đủ.

Tuy được quan tâm nhiều, nhưng đời sống bà con vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn. Ðến nay, toàn huyện có khoảng 78% hộ đồng bào DTTS chưa cân đối và tự túc được lương thực. Toàn xã Thượng Hóa có trên 200 hộ đồng bào DTTS, với gần 800 khẩu sống tập trung ở các bản Mò O Ồ ồ, Yên Hợp, Ón và Phú Minh.

Hiện nay, ngoài bản Mò O Ồ ồ có thể tự đáp ứng lương thực nhờ trồng lúa, còn lại các bản khác đang rất khó khăn trong mùa giáp hạt này. Không những nguy cơ thiếu lương thực, nước sinh hoạt của bà con cũng rất thiếu thốn. Bởi, người dân Thượng Hóa và các xã biên giới khác chủ yếu sử dụng nước khe, suối để sinh hoạt. Trong thời gian tới, nếu xảy ra nắng nóng kéo dài, nguồn nước cũng sẽ bị cạn kiệt như các năm trước.

Ông Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, trước mắt, huyện đã chỉ đạo các địa phương rà soát cụ thể tình hình đời sống của bà con, nhất là hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có chính sách hỗ trợ, bảo đảm không để xảy ra tình trạng đồng bào thiếu đói trong mùa giáp hạt.

Đồng thời, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con DTTS hiểu về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; vận động nhân dân tích cực tham gia lao động sản xuất, đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã xây dựng phương án, thực hiện tốt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất, chú trọng công tác đào tạo nghề cho bà con, nhân rộng mô hình kinh tế, trang thiết bị, máy móc, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân...

Xuân Vương