.
Kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2017):

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Chủ Nhật, 30/04/2017, 12:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm những vết thương chiến tranh cũng dần nguôi ngoai. Thế nhưng chỉ cần một câu chuyện, một cuộc gặp gỡ, một lần trở về chốn xưa..., ký ức về những cuộc chiến với bao hy sinh, mất mát nhưng rất đỗi kiêu hùng lại sống dậy. Những ngày tháng tư, câu thơ ngày cũ “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” của nhà thơ Quang Dũng chợt ngân nga trong lòng với bao bộn bề cảm xúc...

Sinh ra và lớn lên sau ngày 30-4-1975 lịch sử, trong ký ức thế hệ chúng tôi, chiến tranh hiện hữu bằng hình ảnh những hố bom còn sót lại, những đứa bạn mồ côi cha, người vợ góa bụa và người mẹ đợi chờ, trông ngóng tin con. Và thi thoảng trên cánh đồng, bờ sông hay con đường bình yên đến trường, những quả bom còn sót lại đã gây ra những cái chết tức tưởi, đau thương. Vì thế, dẫu không đối mặt với chiến tranh, thì tuổi thơ tôi cùng bao bạn bè thuở ấy, chiến tranh và những vết thương do nó gây ra vẫn hiện hữu, rõ ràng và khốc liệt...

Bộ đội miền Bắc hành quân vào chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu
Bộ đội miền Bắc hành quân vào chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu

Tôi nhớ những ngày tháng bảy dương lịch, người làng tôi cùng nhau lên nghĩa trang thắp hương. Cảnh Dương, ngôi làng nhỏ bé của huyện Quảng Trạch, diện tích chỉ vẻn vẹn hơn 1km2 nhưng có gần 500 liệt sĩ, thương binh. Ông ngoại tôi là một trong những số đó. Năm 1948, khi mẹ tôi vừa tròn bốn tuổi, ông hy sinh ở chiến trường Lào khi vừa bước sang tuổi hai bảy.

Đến bây giờ, 70 năm đã trôi qua, phần mộ của ông vẫn ở đâu đó dưới tán rừng săng lẻ trên đất bạn Lào. Nên ở nghĩa trang quê nhà chỉ là phần “mộ gió”, như nhiều đồng đội của ông đã hy sinh và vĩnh viễn nằm lại nơi cánh rừng, dòng sông, con suối trong những ngày chiến tranh khốc liệt...

Một ngày mùa xuân năm 2017, Robert Eadie, đến từ  nước Úc, hiện là tình nguyện viên Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức Bản địa và Phát triển tại huyện Tuyên Hoá, cùng những người bạn Việt Nam đi thăm các di tích lịch sử tại tỉnh Quảng Trị. Cột cờ giới tuyến, cầu Hiền Lương, địa đạo Vĩnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị... là những địa chỉ họ đến thăm.

Tại Thành cổ Quảng Trị, Robert Eadie và những người bạn được nghe cô hướng dẫn viên kể về những tháng ngày khốc liệt đã diễn ra nơi mảnh đất này.“Trong 81 ngày đêm, từ ngày 28-6 đến 16-9-1972, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng chịu 100 quả bom, 200 quả đạn pháo.

Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót...”. Người đàn ông ngoại quốc tỉ mỉ lắng nghe, hỏi han, ghi chép, chụp ảnh để rồi thốt lên rằng, dù đã đọc, đã nghe về cuộc chiến tranh này, thì ông cũng không thể hình dung được sự khốc liệt của nó.

Con gái tôi cũng có mặt trong chuyến đi này. Cuối ngày, khi trở về, con trầm tư kể: Con đã gặp rất nhiều ông bộ đội, họ mặc quân phục và đeo huân chương, huy chương trên áo. Khi nghe cô hướng dẫn viên nói, họ khóc rất to. Và có một ông lên đọc câu thơ "Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm” rồi vừa khóc vừa nắm tay cảm ơn cô hướng dẫn viên bởi cô đã kể rất xúc động. Mẹ có biết một tấn bom là từng nào không?

Mẹ có biết chuyện những chú bộ đội còn rất trẻ, mới chỉ mười tám, mười chín tuổi, trong số đó rất nhiều người là sinh viên, hàng đêm vượt qua sông Bến Hải và hy sinh không? Khi mẹ đứng nơi Thành Cổ, nghe ông bộ đội già đọc những câu thơ đó, mẹ sẽ cảm thấy như có dòng điện chạy qua người mình...”.

Cuộc chiến khốc liệt đã lùi xa hơn bốn mươi năm bỗng chốc tái hiện sau những câu hỏi của con, cô bé mười hai tuổi sau hành trình đi thăm đất lửa Quảng Trị, trong đó có Thành Cổ mùa hè đỏ lửa năm 1972. Nó rõ nét và sống động hơn bất cứ bài học lịch sử nào. Mẹ biết, đã có trên 1 triệu người lính hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, họ đã ra đi với trái tim quả cảm “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” con gái ạ. Để hôm nay, thế hệ mẹ và con được sống bình yên, được đến trường, được thực hiện những ước mơ giản dị hay vĩ đại...

Sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Và tôi kể cho con nghe câu chuyện về một người lính từng chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên những năm 80 của thế kỷ trước. Năm 1982, khi vừa tròn 19 tuổi, chàng thanh niên ấy lên đường nhập ngũ và được phân công làm nhiệm vụ lái xe lên chốt. “Mỗi lần xe lên chốt, tôi được gặp những gương mặt rạng rỡ vui tươi của đồng đội khi họ nhận được thư nhà, bưu phẩm và lương thực, thực phẩm từ hậu phương tiếp tế cho tiền tuyến.

Đó là những giây phút hạnh phúc của lính lái xe chúng tôi. Và trong hàng nghìn chuyến xe ấy, tôi cũng chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh ngay trước mắt mình. Trong một lần lên chốt, một đồng đội của tôi xung phong cho xe đi trước dẫn đường đã bị thám báo địch phục kích và hy sinh. Ca bin xe anh nhuốm máu và kính xe vỡ nát!”. Khi kể câu chuyện này, nước mắt lăn dài trên gò má sạm đen của người lính từng hàng trăm lần đối mặt với cái chết nơi chiến trường khốc liệt!

Và xung quanh chúng ta, con sẽ gặp những người lính trở về từ cuộc chiến với nhiều vết thương trên thân thể. Biển quê hương vẫn chưa bình yên khi hàng ngày vẫn còn những tin tức nóng bỏng bay về. Họ, thế hệ cha anh đã cầm súng, chiến đấu, hy sinh một phần thân thể, có người mãi mãi nằm lại trong lòng biển khơi, nhưng vẫn luôn sẵn sàng động viên lớp trẻ lên đường. Như thuở xưa, họ lên đường với trái tim tuổi đôi mươi quả cảm và tràn đầy nhiệt huyết...

Chiến tranh đã lùi xa, những vết thương do nó gây ra cũng dần nguôi ngoai. Nhưng những chàng trai, cô gái năm xưa “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” ấy sẽ mãi mãi sống trong trái tim những người ở lại. Trong số họ, có những người được đón về trong lòng đất mẹ, có người mãi mãi nằm lại dưới những tán rừng mà xưa là chiến trường khốc liệt. Hay như trong câu thơ người lính già trong ngày về thăm chiến trường Quảng Trị run run đọc, rằng "Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm". Máu xương của họ đã hòa vào sông núi, để hôm nay sông núi quê hương xanh hơn, đẹp hơn và mãi trường tồn...

Ngọc Mai