.

Cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại tòa: Hướng đến tinh gọn và hiệu quả

Thứ Năm, 27/04/2017, 08:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Cải cách thủ tục hành chính tư pháp (TTHCTP) tại tòa nhằm hướng đến việc công khai, minh bạch các hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến làm việc, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án. Đây không những là yêu cầu của chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, mà còn là đòi hỏi thực tế của người dân và doanh nghiệp. Mới chỉ bước đầu thực hiện, song những đổi mới mà Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh triển khai trong thời gian qua đã mang lại những kết quả rõ nét.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh cho biết, trước đây, hoạt động tiếp dân và các công việc tiền tố tụng khi thụ lý các loại án đều do các tòa chuyên trách thực hiện. Do đó, khi nộp đơn khởi kiện, người dân và doanh nghiệp phải tốn thời gian đi lại nhiều lần, qua nhiều bộ phận khác nhau, vụ việc mới có thể được thụ lý giải quyết.

Đó là chưa nói đến việc do các tòa chuyên trách không thể thực hiện công tác tiếp công dân thường xuyên, nên hoạt động tiền tố tụng thường chậm, không liên tục, không bảo đảm thời gian giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng.

Hầu hết các thủ tục hành chính tư pháp được niêm yết công khai tại tòa án.
Hầu hết các thủ tục hành chính tư pháp được niêm yết công khai tại tòa án.

Đơn cử như, từ lúc nộp đơn kiện và các tài liệu chứng cứ, với không ít lần phải bổ sung các thủ tục, cho đến khi vụ việc được thụ lý, một trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài phải đến tòa án ít nhất 7 lần. Thế nhưng, hiện nay các trường hợp nói trên chỉ cần đến tòa án 3 lần là vụ việc có thể được thụ lý giải quyết. Đó là một trong những kết quả mà TAND tỉnh đã đạt được từ khi Tổ hành chính tư pháp (Tổ HCTP) “một cửa” tại tòa được thành lập và đưa vào hoạt động.

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến 2020, nhằm tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính tư pháp, TAND tỉnh đã xây dựng nhiều nội dung để triển khai việc cải cách TTHCTP tại tòa án. Năm 2016, TAND tỉnh đã thành lập Tổ HCTP “một cửa” tại tòa.

Đây là nơi tiếp nhận, xử lý và hướng dẫn người dân và doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến làm việc tại TAND tỉnh. Không những thế, thông qua bộ phận này, việc giải quyết các thủ tục, hồ sơ được thống nhất theo một quy trình, một đầu mối nhận, trả và lưu trữ hồ sơ, nên sẽ tiết kiệm được thời gian, nhân sự, giảm áp lực cho công tác hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ, đơn khởi kiện.

Theo đó, Tổ HCTP “một cửa” trực tiếp nhận đơn khởi kiện qua công tác tiếp dân, vào sổ nhận đơn, cấp giấy báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trong thời hạn luật định, tổ ra thông báo thụ lý đơn nếu hồ sơ đầy đủ và chuyển đơn khởi kiện cho tòa án có thẩm quyền, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án khác.

Đối với TAND cấp huyện, việc tiếp nhận đơn khởi kiện, hồ sơ vụ án hình sự được bố trí tập trung về một bộ phận, do cán bộ chuyên trách thực hiện; hàng tuần có lịch phân công lãnh đạo, cán bộ tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của công dân. Bộ phận này cũng tham mưu cho Chánh án trong công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo.

Ông Chánh án TAND tỉnh cho hay, từ khi mô hình Tổ HCTP “một cửa” tại tòa đi vào hoạt động, việc tiếp nhận, xử lý đơn và thụ lý hồ sơ vụ án tập trung vào một đầu mối đã giúp cho công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo của lãnh đạo ngành thuận lợi và kịp thời hơn. Việc giải thích và hướng dẫn trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp thông qua mô hình Tổ HCTP “một cửa” đã mang lại hiệu quả thiết thực. Số lượt người phải đến liên hệ nhiều lần để giải quyết một vụ việc giảm so với thời gian trước đây, khắc phục được tình trạng nộp đơn tràn lan, không có căn cứ.

Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm quyền giám sát, kiểm tra và tiếp cận công lý của người dân, TAND tỉnh cũng đã tăng cường tính minh bạch, công khai các hoạt động của Tòa án. Các thủ tục hành chính được công khai niêm yết tại tòa; qua đó, từng bước thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia tố tụng tại tòa án. Mặt khác, thông qua Tổ HCTP “một cửa” này, lãnh đạo ngành có thể dễ dàng kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.

Bên cạnh việc đưa Tổ HCTP “một cửa” vào hoạt động, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng được TAND hai cấp chú trọng. Bước đầu, ngành đã triển khai một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung cho các tòa án, như: phần mềm thống kê, phần mềm quản lý các loại vụ án, phần mềm số hóa vụ án... Vì vậy, các vụ việc giải quyết đến đâu được cập nhật đến đó, giúp cho lãnh đạo ngành theo dõi để kịp thời đôn đốc, tránh được tình trạng để vụ án giải quyết quá hạn luật định.

“Việc đưa Tổ HCTP “một cửa” và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành đã nâng cao năng lực quản lý, điều hành của tòa án theo hướng tinh gọn, hiện đại và hiệu quả; nâng cao trách nhiệm chấp hành pháp luật, tăng cường tính minh bạch, công khai trong công tác giải quyết án của tòa án, bảo đảm quyền giám sát, kiểm tra và tiếp cận công lý của người dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt công cuộc cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, ông Chánh án TAND tỉnh đánh giá.

D.C.H