.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp Việt Nam

Thứ Ba, 14/03/2017, 07:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Quán triệt, kế thừa, phát triển quan điểm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Hồ Chủ tịch, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện chủ chương, cơ chế, chính sách, pháp luật về tôn giáo, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân thực hành quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình.

Theo dòng chảy của lịch sử, Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, kể cả tôn giáo nội sinh và tôn giáo ngoại nhập. Người có tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được yên tâm và an toàn hành đạo theo đúng nghĩa của một đạo giáo chân chính.

Điều này thể hiện rất rõ ở chỗ, hệ thống văn bản pháp quy của Nhà nước Việt Nam có nhiều bậc thì quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thể hiện ở bậc cao nhất, hiến định rất rõ ràng trong đạo luật gốc - đó là Hiến pháp. Hiến pháp, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, mỗi lần sửa đổi, bổ sung và ban hành luôn luôn kế thừa và phát triển để quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân trở thành một trong những quyền cơ bản của con người.

Ngay sau khi giành được chính quyền năm 1945, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, trong bản Hiến pháp đầu tiên của một nước Cộng hòa non trẻ đã khẳng định: “Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái, trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (tại Điều 1, Chương 1); hay: “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng” (tại Điều 10, Chương 2).

Quyền tự do tín ngưỡng của công dân không chỉ thể hiện trong văn bản pháp quy có giá trị cao nhất mà Đảng ta đã dành những sự ưu ái, tin tưởng đặc biệt đối với đồng bào, nhân sỹ, trí thức là người các tôn giáo thể hiện trong thành phần nội các Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc bấy giờ (có nhiều vị bộ trưởng, cố vấn của Chính phủ là người theo các tôn giáo).

Đến bản Hiến pháp năm 1959, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được tái khẳng định và cụ thể hóa, tại Điều 26 quy định: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”.

Trong bản Hiến pháp này, quyền tự do tín ngưỡng đã được mở rộng theo hướng công dân được “theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Điều này cho thấy tự do tín ngưỡng không chỉ là quyền theo tôn giáo mà còn có cả quyền không theo tôn giáo. Quy định như vậy thể hiện một cách nhìn toàn diện và đầy đủ hơn những quan hệ xã hội, một mặt là sự mở rộng hơn, làm sâu sắc thêm quyền đó; mặt khác, là cơ sở pháp lý nhằm bảo vệ quyền của những người không có đạo, phòng ngừa trường hợp có người vì những lý do nào đó họ bị ép buộc theo một tôn giáo nào đó. Điều này cũng tạo ra sự bình đẳng, đoàn kết giữa người có đạo với người không có tín ngưỡng trong khối Đại đoàn kết dân tộc.

Kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, tại Điều 68 đã ghi nhận: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Qua đó cho thấy, quyền tự do tín ngưỡng tiếp tục được khẳng định.

Ở đây, quyền tự do tín ngưỡng bao gồm cả nội dung phòng ngừa hành vi lợi dụng quyền này để chống phá cách mạng, đồng thời quy định này làm rõ căn cứ để nhận diện hoạt động lợi dụng tôn giáo, đó là những hoạt động vi phạm pháp luật, chính sách của Nhà nước, tuyên truyền mê tín dị đoan cũng như các hủ tục lạc hậu nhằm mưu cầu cá nhân, phá hoại thành quả cách mạng.

Hiến pháp 1992, bản Hiến pháp ra đời sau khi Đảng ta bắt tay vào công cuộc đổi mới (Đại hội VI, năm 1986), tại Điều 70, Chương V hiến định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.

Như vậy, Nhà nước ta tiếp tục khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, thể hiện về tính chất cũng như ý nghĩa quan trọng của tôn giáo trong đời sống xã hội, quyền tự do tín ngưỡng đã được Nhà nước quan tâm và khẳng định đầy đủ phù hợp với xu thế phát triển của xã hội dân chủ và tiến bộ.

Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện; nhằm đáp ứng, phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, ngày 28-11-2013, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013 (có hiệu lực từ 1-1-2014), gồm 11 chương, 120 điều. Hiến pháp 2013 có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; bố cục hợp lý, chặt chẽ và khoa học, bảo đảm các quy định của Hiến pháp đúng tầm là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất, có tính ổn định lâu dài; quy định bao quát các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người. Theo đó, điểm đổi mới quan trọng là thể hiện quan điểm nhất quán về vấn đề quyền và nghĩa vụ con người.

Hiến pháp 2013, tiếp tục khẵng định quyền con người là quyền tự nhiên, Nhà nước phải thừa nhận, tôn trọng và cam kết bảo đảm, bảo vệ quyền con người đúng như những công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong khi đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được trình bày mở rộng hơn, với các chế định toàn diện và sâu sắc theo hướng ngày càng hoàn thiện, dân chủ, tôn trọng, tạo điều kiện tốt nhất cho tín đồ các tôn giáo và tổ chức tôn giáo hoạt động một cách lành mạnh và công bằng nhất.

Tại Điều 24, Chương II quy định:

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Có thể thấy rằng, so với các bản Hiến pháp trước, Hiến pháp 2013 là một bước tiến quan trọng, một sự kế thừa và phát triển trong thời kỳ đất nước ta "Đổi mới và hội nhập sâu" với thế giới. Theo đó, Hiến pháp 2013 cho thấy thái độ cũng như chính sách dân chủ của Nhà nước ta đối với quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, coi đó là một nhu cầu và là một quyền tất yếu của người dân cần phải được tôn trọng, bảo vệ và tạo điều kiện để họ thực hiện tốt nhất quyền đó.

Đồng thời, ở đây dùng khái niệm “mọi người” chứ không phải là “công dân” như các bản Hiến pháp trước đây. Bản chất của vấn đề đã có sự thay đổi căn bản, điều đó thể hiện chính xác quyền con người đối với vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Khái niệm “công dân” là thể hiện mối quan hệ giữa người dân với Nhà nước, với thể chế chính trị. Nhà nước ta là Nhà nước thế tục, nghĩa là Nhà nước phi tôn giáo, khẳng định quyền tự do tôn giáo và nguyên tắc tách biệt giữa Nhà nước và Giáo hội, không can thiệp vào công việc nội bộ của các tôn giáo.

Vì thế, khi ghi nhận “mọi người” sẽ bao trùm rộng hơn so với “công dân” vì trong thực tế không phải ai cũng có quyền công dân. Ví dụ, một người tù, mặc dù đã mất quyền công dân nhưng vẫn có quyền tự do thờ phụng, thực hành tôn giáo của mình... Việc ghi nhận “mọi người” có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có thể nói, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện tinh thần đổi mới và thể hiện được ý Đảng, lòng dân, phản ánh được nguyện vọng của đại đa số nhân dân, thể hiện tinh thần dân chủ, đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, trong đó chế định liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có một vai trò, vị trí quan trọng.

Quan điểm trước sau như một, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của mọi người, đi liền với củng cố khối đoàn kết toàn dân, vừa bảo đảm được lợi ích của dân tộc và Tổ quốc, vừa không làm ảnh hưởng đến tình cảm tôn giáo - một hình thái ý thức xã hội nhạy cảm và phức tạp. Để thực hiện được điều đó thì rất cần đến một hành lang pháp lý với tư cách là công cụ để nhân dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình.

Tóm lại, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Quán triệt, kế thừa, phát triển quan điểm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Người, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện chủ chương, cơ chế, chính sách, pháp luật về tôn giáo, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân thực hành quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình.

Hiến pháp - văn bản có giá trị pháp lý cao nhất qua năm lần ban hành, sửa đổi đều đề cập đến vấn đề quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hướng ngày càng hoàn thiện, dân chủ, tôn trọng, tạo điều kiện tốt nhất cho chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo và tổ chức tôn giáo hợp pháp phát triển một cách lành mạnh và công bằng nhất. Thực hiện tốt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân có ý nghĩa rất lớn trong việc thực hiện sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu chung là phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

H.Huế