.

Người nữ hộ lý được Bác Hồ tặng huy hiệu

Thứ Năm, 23/03/2017, 09:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Chị Hoàng Thị Vận sinh năm 1946. Năm 16 tuổi chị được cử đi học lớp y tá hộ sinh ngắn ngày, sau đó trở về làm hộ lý hộ sinh trạm xá thôn Đông Thành, thị xã Đồng Hới. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, chị vừa là hộ lý hộ sinh vừa là y tá, cứu thương, bán thuốc phục vụ cán bộ, nhân dân và dân quân du kích trên địa bàn. Bất luận mọi tình huống, dù ngày hay đêm, dù mưa giông bão tố hay bom rơi đạn lạc cũng không cản được bước chân người nữ y tá trẻ làm nhiệm vụ cứu người.

Đêm 5-2-1965 dưới làn đạn pháo kích của tàu chiến Mỹ, chị đã dũng cảm đỡ đẻ thành công rồi dùng thân mình che cho sản phụ cùng trẻ sơ sinh đưa xuống hầm trú ẩn an toàn trước khi chiếc bàn đẻ của trạm xá Đông Thành bị mảnh đạn pháo phá nát. Chị đã được chọn tham gia đoàn đại biểu nữ y tế Quảng Bình gồm 3 người (trong đó có chị Trương Thị Diên sau này là Anh hùng Lao động) ra Hà Nội dự hội nghị những người phụ nữ xuất sắc của ngành Y tế Việt Nam tháng 6-1965.

Tại hội nghị, có Tổng Bí thư Trường Chinh đến dự, chị được đọc báo cáo thành tích và được nhận bằng khen của Bộ Y tế. Sau hội nghị, đoàn đại biểu phụ nữ y tế Quảng Bình vinh dự được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, được ăn cơm với Bác, được Bác dặn dò thân mật, tặng vải may áo và tặng Huy hiệu của Người.

Nhắc tới vinh dự đó, chị Vận xúc động kể: “Hồi đó tôi mới 19 tuổi, là người trẻ nhất hội nghị, vì vậy khi gặp Bác Hồ, tôi vô cùng xúc động, không hề nói được câu nào mà cứ trân trân nhìn Bác như muốn in đậm hình bóng của Người vào trong trái tim mình. Thấy thế Bác cười hỏi: “Sao cháu không nói gì mà cứ nhìn Bác mãi thế?”. Tôi giật mình ấp úng: “Dạ thưa, vì cháu thấy Bác gầy quá nên cháu xúc động ạ!”.

Vừa nói chuyện, vừa dặn dò, Bác tặng mỗi người một chiếc Huy hiệu của Người cùng một tấm vải hoa rồi bảo lái xe đưa các đại biểu đi may áo và tham quan một số cơ sở y tế tại Hà Nội.

Trong bữa cơm, Bác ăn rất ít mà cứ liên tục gắp thức ăn cho mọi người, rồi đột nhiên Bác hỏi: “Trong mâm cơm này các cháu thấy còn thiếu món gì nữa không?”.

Tất cả đồng thanh trả lời: “Dạ thưa Bác, đầy đủ lắm rồi ạ!”.

Bác cười hiền: “Các cháu sai rồi! Đối với người dân Quảng Bình thì trong mỗi bữa ăn phải có thêm món cà chấm ruốc! Đúng không nào?”.

Nghe Bác nói, ai ai cũng vô cùng xúc động, một vị Chủ tịch nước như Bác mà lúc nào cũng quan tâm tới đời sống của nhân dân, ngay cả món cà chấm ruốc của người dân Quảng Bình mà Bác vẫn không hề quên.

Sau bữa ăn, trước lúc chia tay Bác ân cần dặn dò anh chị em khi về quê phải cố gắng phục vụ nhân dân, phục vụ người bệnh tốt hơn nữa để góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Rồi Bác bảo chú cận vệ đưa cho mọi người 3 ổ bánh mì lớn để ăn trên đường, dặn tài xế phải lái xe an toàn, ngụy trang cẩn thận tránh máy bay địch phát hiện.

Vâng lời Bác dạy, về địa phương, chị đưa hết nhiệt huyết của tuổi trẻ phục vụ cán bộ, nhân dân trong địa bàn. Dù ở nơi trực chiến hay nơi sơ tán, dù thời bình, thời chiến hay làm bất cứ nhiệm vụ: y tá, cứu thương, bán dược, hộ lý hộ sinh, chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cán bộ và nhân dân tin tưởng yêu quý. Lần được gặp Bác Hồ đó là niềm vinh hạnh to lớn nhất trong đời mà cho đến giờ gần 72 tuổi rồi chị vẫn không sao quên được.

Trần Ngọc Phơn