.

Nông dân công giáo với các phong trào thi đua yêu nước

Thứ Hai, 20/02/2017, 10:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Tỉnh ta có 6 huyện, thị xã, thành phố có hội viên nông dân theo đạo Công giáo, trong đó có 52 cơ sở xã, phường vùng giáo đã thành lập được 184 chi hội nông dân. Số hội viên, nông dân công giáo có 17.822 người. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nông dân công giáo đã hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là ba phong trào thi đua lớn: “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”; “Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng-an ninh”.

Trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, nông dân công giáo trên địa bàn tỉnh đã hăng hái thi đua lao động, sản xuất, phát huy nội lực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề.

Người dân chú trọng tăng năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả; đoàn kết giúp nhau về vốn, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, đồng thời chú trọng bảo vệ môi trường, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế trang trại, mở các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ thương mại để phục vụ sản xuất và đời sống.

Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay từ các chương trình tín dụng ưu đãi, nông dân Công giáo đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển sản xuất kinh tế mang lại hiệu quả cao như: Chi hội nông dân Kim Lũ (Kim Hóa, Tuyên Hóa) với mô hình kinh tế trang trại VAC, Chi hội nông dân Tân Mỹ (Quảng Phúc) với phòng trào đánh bắt chế biến hải sản, mô hình nuôi cá lồng ở chi hội nông dân Kim Trừng (Đức Hóa), chi hội ngành nghề cơ khí nông nghiệp ở Kinh Tân (Quảng Hòa - thị xã Ba Đồn). Nhiều dân cư vùng giáo đã tập trung thâm canh lúa, năng suất lúa đạt từ 55 - 60 tạ/ha. Nhiều hộ gia đình giáo dân ở các xã Quảng Trường, Quảng Liên (huyện Quảng Trạch) đầu tư vườn ươm cây giống phục vụ cho trồng rừng có thu nhập từ 45-đến 50 triệu đồng/năm...

Một số cá nhân điển hình tiêu biểu như: anh Lê Viết Sơn, chủ nhiệm Hợp tác xã mây tre đan Vân Sơn (Kim Hóa, Tuyên Hóa), anh Lê Quang Hợp, Chủ cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ (Quảng Hòa, Ba Đồn), anh Hoàng Văn Thái (Sơn Trạch, Bố Trạch), anh Nguyễn Văn Thanh (Đồng Hóa, Tuyên Hóa)...

Trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, thực hiện phương châm "Nông dân hiến kế, hiến của, hiến công", nông dân công giáo đã đóng góp hàng trăm nghìn ngày công, hàng chục tỷ đồng, sửa chữa, xây dựng, duy tu, nâng cấp đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng và các công trình phúc lợi ở nông thôn; tham gia thực hiện tốt các chương trình "Kiên cố hóa trường học", "Bê tông hóa kênh mương", "Cải thiện nhà ở cho hộ nghèo".

Bên cạnh đó, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, hàng nghìn nông dân Công giáo đăng ký xây dựng “Gia đình nông dân văn hoá” và tham gia xây dựng thôn, bản, làng văn hoá, gắn với các phong trào của các tôn giáo như: “Giáo xứ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu, người giáo dân tiêu biểu, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”... đồng thời thực hiện quy ước, hương ước, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, thực hiện phòng chống các tệ nạn xã hội... tạo ra không khí vui tươi, lành mạnh trong cuộc sống.

Các giáo xứ đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, các lễ hội truyền thống nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc nền văn hoá dân tộc, gắn tôn giáo với quê hương, gắn giáo hội với xã hội, gắn trách nhiệm của công dân với trách nhiệm của giáo dân theo phương châm: “Kính chúa, yêu nước”.

Đi đôi với việc phát triển kinh tế-xã hội, nông dân vùng đồng bào có đạo tích cực tham gia “Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng-an ninh”, luôn nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bảo đảm chính sách hậu phương quân đội; đấu tranh chống lấn chiếm đường biên, chống xâm canh, xâm cư, chống buôn lậu, chống truyền đạo trái phép, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn.

Nông dân công giáo tích cực thực hiện bản ký kết giữa Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố với chính quyền địa phương và ngành Công an về “Thi đua xây dựng mô hình gia đình nông dân không vi phạm pháp luật và không mắc các tệ nạn xã hội”. Tiêu biểu trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa có:  Kim Tiến (Kim Hóa), Kim Trừng (Đức Hóa), Chợ Cuồi (Tiến Hóa), Kinh Châu (Kim Hóa), Tân Hóa (Đồng Hóa)... Các mô hình, điển hình tiên tiến đang được nhân rộng như: “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”, “Họ đạo bình yên, giáo dân gương mẫu”, “Họ giáo an ninh, văn minh tiên tiến”.

Từ những kết quả đạt được trong phong trào thi đua yêu nước, bà con nông dân Công giáo ngày càng phấn khởi trước sự đổi thay, phát triển của quê hương, tin tưởng sâu sắc vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Kết quả của các phong trào thi đua yêu nước và những việc làm cụ thể của nông dân công giáo đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hoàng Huế