.

Quảng Ninh vững tin vào năm mới 2017

Chủ Nhật, 01/01/2017, 21:14 [GMT+7]
Đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh thăm mô hình VietGAP tại Công ty CP Thanh Hương.
Đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh thăm mô hình VietGAP tại Công ty CP Thanh Hương.

(QBĐT) - Năm 2016, một năm đầy gian khó, những biến động của thị trường cũng như tình hình thế giới, khu vực đã có tác động không nhỏ đến sự phát triển của nền kinh tế cả nước nói chung và huyện Quảng Ninh nói riêng.

Đặc biệt ảnh hưởng của sự cố môi trường biển và những thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra đã tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế-xã hội và an ninh chính trị trên địa bàn huyện. Nhưng với bản lĩnh và trí tuệ của mình, Đảng bộ, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp huyện Quảng Ninh đã có những chủ trương, quyết sách đúng đắn lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực.

Giá trị sản xuất nông-lâm thủy sản tăng 0,45%, công nghiệp-xây dựng tăng 4%, các ngành nghề dịch vụ tăng 9,2%, thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 116 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người 30 triệu đồng/người/năm; giải quyết việc làm cho 3.200 lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%. Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu  quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trong phát triển nông nghiệp, huyện chú trọng thực hiện đề án cải tạo bộ giống mới có năng suất, chất lượng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa giống kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực cả năm lên 49.234 tấn, đạt 100,5% kế hoạch. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được huyện và các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo quyết liệt, bước đầu hình thành những vùng chuyên canh cây lúa, ngô, rau màu và các loại cây thực phẩm khác.

Đặc biệt, toàn huyện đã chuyển đổi được trên 100 ha đất trồng lúa ít hiệu quả sang trồng dưa hấu, ngô, đậu xanh, mướp đắng... góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng tập trung với 23 trang trại và 500 gia trại có thu nhập bình quân từ 250-300 triệu đồng/năm. Do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển nên sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt 3.081 tấn, đạt 74% so với năm 2015.

Huyện tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế rừng, chú trọng công tác trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng. Trong năm, diện tích trồng rừng tập trung đạt 445 ha, chăm sóc bảo vệ tốt trên 3.109 ha rừng trồng, khoanh nuôi 2.536 ha rừng tái sinh, giao khoán bảo vệ 14.675 ha rừng tự nhiên, góp phần tăng độ che phủ rừng đạt tỷ lệ 71%.

Với mục tiêu tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, Quảng Ninh đã tập trung tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất công nghiệp, kêu gọi sự đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, chế biến nông sản, mở rộng sản xuất kinh doanh ngành nghề...

Nét nổi bật về phát triển kinh tế của huyện trong năm qua là duy trì và phát triển các cụm công nghiệp, cụm làng nghề như cụm công nghiệp Áng Sơn, xã Vạn Ninh; cụm công nghiệp, cụm làng nghề Quán Hàu. Các công ty, nhà máy công nghiệp từng bước được xây dựng và đi vào hoạt động bước đầu đưa lại hiệu quả đáng ghi nhận. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 894 tỷ 646 triệu đồng, tăng 0,17% so với năm 2015 với các sản phẩm chủ yếu như xi măng gia công, xi măng sản xuất, clinke, tinh bột sắn, quấn áo, vật liệu xây dựng...

Đặc biệt, trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh đã tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được nhân dân đồng thuận, tạo thành sức mạnh tổng hợp chung tay góp sức xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Quảng Ninh đã huy động được 166 tỷ 041 triệu đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, nhân dân đóng góp 111 tỷ 453 triệu đồng...

Đến cuối năm 2016, huyện Quảng Ninh có thêm 2 xã Xuân Ninh và Võ Ninh hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Như vậy đến nay, toàn huyện có 5 xã về đích nông thôn mới là Lương Ninh, Vĩnh Ninh, Hàm Ninh, Võ Ninh và Xuân Ninh, các xã còn lại đạt từ 10 đến 16 tiêu chí, riêng xã Trường Sơn đạt 7 tiêu chí.

Song song với phát triển kinh tế, Quảng Ninh còn đẩy mạnh các hoạt động văn hoá xã hội. Hệ thống trường lớp ở các cấp học, ngành học được sắp xếp bố trí hợp lý, chất lượng dạy học được nâng cao. Toàn huyện có 33/55 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt 60%, 15/15 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm và có nhiều tiến bộ. Mạng lưới y tế từ huyện đến tận thôn, bản, tiểu khu được đầu tư xây dựng cả về đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất.

Các chương trình y tế Quốc gia thực hiện đạt kết quả cao. Năm 2016, Quảng Ninh có thêm 2 xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế, nâng tổng số địa phương đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế lên 14 xã. Công tác dân số kế hoạch hoá gia đình được thực hiện đạt kế hoạch, với tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm 0,54%.

Nhân dân tích cực thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", nay là cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phong trào rèn luyện thể dục thể thao được duy trì thường xuyên, tạo không khí thi đua sôi nổi ở các địa phương, góp phần rèn luyện sức khỏe để tham gia lao động sản xuất.

Phố mới Quán Hàu
Phố mới Quán Hàu

Quốc phòng an ninh tiếp tục được củng cố vững chắc, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có sự chuyển biến tích cực, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ huyện vững chắc, bảo đảm ổn định tình hình trên 2 tuyến biên giới.

Công tác xây dựng Đảng luôn được xác định là nhiệm vụ then chốt. Đảng bộ huyện Quảng Ninh đã coi trọng việc tổ chức học tập các nghị quyết, xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết có hiệu quả, đưa nghị quyết vào cuộc sống, góp phần từng bước nâng cao nhận thức của đảng viên trong việc tự phê bình và phê bình. Các cấp ủy Đảng tích cực thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng quy chế hoạt động phù hợp với địa bàn dân cư, đơn vị công tác. Đặc biệt, trong năm 2016, Đảng bộ huyện chỉ đạo, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Sau bầu cử và thành công của đại hội Đảng các cấp, huyện đã kiện toàn công tác cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Năm 2017, dự báo tình hình kinh tế thế giới, trong nước tiếp tục khó khăn và diễn biến khó lường. Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các đoàn thể và sự đồng thuận của quần chúng nhân dân. Phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác tiềm năng thế mạnh sẵn có đồng thời huy động tối đa mọi nguồn lực và tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên, Đảng bộ và nhân dân huyện Quảng Ninh quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hà Ngọc Khang