.
Cải cách hành chính:

Tạo đột phá cho hoạt động cải cách thủ tục hành chính trong giai đoạn mới

Thứ Ba, 03/01/2017, 07:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những biện pháp quản lý, gắn liền với chức năng quản lý xã hội và cung cấp dịch vụ công của bộ máy hành chính nhà nước, do vậy nhiều quốc gia trên thế giới luôn đặt ra yêu cầu phải thường xuyên, liên tục thực hiện kiểm soát và cải cách, đổi mới TTHC nhằm không ngừng xây dựng một nền hành chính phục vụ, kiến tạo, phù hợp với tiến bộ xã hội, hướng đến các giá trị phổ quát của nhân loại.

Đối với nền hành chính của nước ta, cùng với việc thực hiện Nghị định số 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ, những kết quả tích cực bước đầu của hoạt động cải cách TTHC đã đem lại diện mạo mới cho nền hành chính. Hệ thống TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã được hệ thống hóa, công bố, công khai rộng rãi để các tổ chức, cá nhân tra cứu, tìm hiểu và giám sát việc thực hiện. Quy định TTHC trước khi ban hành đòi hỏi phải được kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo tính khả thi, tính hợp pháp. Nhiều TTHC vướng mắc, bất cập, gây phiền hà đã được rà soát, đơn giản hóa...

Tuy nhiên, hoạt động cải cách TTHC của cả nước nói chung và của các cơ quan thực thi tại các cấp chính quyền địa phương nói riêng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tiến độ rà soát, cắt giảm các quy định TTHC bất cập, phiền hà còn chậm; phần lớn bó gọn trong từng công việc, chính sách cụ thể; chưa có nhiều các phương án đơn giản hóa TTHC có tính chất liên thông đa ngành, đa cấp nhằm rút ngắn thời gian và giảm thiểu thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC.

Việc chuẩn hóa nội dung công bố TTHC và tổ chức công khai chưa đáp ứng tối ưu nhu cầu tra cứu, tìm hiểu của người dân, doanh nghiệp. Yêu cầu minh bạch về TTHC chủ yếu mới tập trung vào công đoạn xây dựng, soạn thảo và công bố, công khai các quy định về TTHC đã được ban hành. Cơ chế kiểm soát việc công khai, minh bạch trong quá trình thực thi giải quyết TTHC còn chưa chặt chẽ...

Bên cạnh đó, chưa có cơ chế ràng buộc đủ mạnh để tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước. Cơ chế bố trí nguồn lực cho cải cách TTHC chưa đáp ứng yêu cầu; nhất là về bố trí công chức đảm bảo kinh nghiệm và năng lực để thực hiện nhiệm vụ đầu mối tham mưu về cải cách TTHC tại các cơ quan hành chính nhà nước. Quá trình giải quyết TTHC của một số cơ quan hành chính còn thiếu sự minh bạch, chưa kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật về TTHC. Vai trò giám sát và góp ý, hiến kế của toàn xã hội đối với TTHC theo Nghị định số 20/2008/NĐ-CP vì vậy cũng bị hạn chế, chưa phát huy được.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ chức năng tham mưu ban hành và thực hiện giải quyết TTHC của các cơ quan hành chính nhà nước mang đặc tính quyền lực nhà nước.

Yêu cầu đặt ra cho hoạt động cải cách TTHC trong giai đoạn mới là cần phải tiếp tục xây dựng, bổ sung những giải pháp cải cách để tạo thêm những động lực mới có tính đột phá, phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội hiện nay. Các giải pháp này cần hướng đến mục tiêu kiểm soát được tính quyền lực nhà nước trong hoạt động công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật và thực thi trách nhiệm giải trình trong quá trình tham mưu xây dựng hoặc giải quyết TTHC.

Với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC trong giai đoạn 2016-2020 theo hướng tinh giản, gắn với nâng cao chất lượng chính sách, pháp luật, bảo đảm các quyền của người dân, doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế đi đôi với tuân thủ pháp luật; trong thời gian qua, hệ thống thể chế về kiểm soát TTHC đã và đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, nâng lên tầm cao hơn. Nội dung kiểm soát việc quy định TTHC đã được đưa vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề ra các biện pháp cải cách TTHC, gắn cải cách TTHC với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng Chính phủ điện tử, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện TTHC, như Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28-4-2016, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016, Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ngày 25-3-2015, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10-6-2015...

Song song với việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ kiểm soát TTHC theo Nghị định số 63/2010/NĐ-CP; nhiều giải pháp mới trong hoạt động cải cách TTHC cũng đã và đang được đề xuất áp dụng, bước đầu thực hiện ở một số đơn vị, địa phương cho thấy tính hiệu quả, phù hợp với mục tiêu đổi mới quan hệ hành chính hiện nay giữa cơ quan nhà nước với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Tuy vậy, các giải pháp cải cách này phần nhiều đang còn dừng lại ở mức độ chỉ đạo, điều hành trong từng bộ ngành, từng cấp chính quyền địa phương; cần được bổ sung, hoàn thiện trong hệ thống thể chế về kiểm soát TTHC để áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước.

Cụ thể như để tăng cường công khai, minh bạch các quy trình, quy định pháp luật về TTHC đã được ban hành, cần xây dựng các quy chuẩn về cách thức, phương pháp thống kê, cập nhật thông tin về TTHC cần công bố; quy định các tiêu chuẩn và nội dung cần công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và trên website của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; quy định về cơ chế kiểm soát cụ thể giữa các cơ quan hành chính nhà nước để đảm bảo các nội dung TTHC được công bố, công khai luôn "đầy đủ, chính xác, kịp thời"...

Tương tự để tăng cường sự minh bạch trong giải quyết TTHC, cần xây dựng các quy chuẩn về kiểm soát quá trình giải quyết TTHC để áp dụng chung trong phạm vi cả nước; bổ sung, hệ thống hóa các quy định pháp luật về trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước và công chức, viên chức, bao gồm cả trách nhiệm giải trình, giải thích việc thực thi pháp luật bằng văn bản trong quá trình giải quyết TTHC; bổ sung các quy định pháp luật về việc thiết lập các kênh trao đổi thông tin giữa cơ quan giải quyết TTHC với người dân, doanh nghiệp, như quy định về việc tổ chức các hoạt động đối thoại trực tiếp, trao đổi thông tin qua môi trường mạng điện tử hoặc dịch vụ bưu chính để hướng dẫn, giải đáp, xử lý các phản ánh, kiến nghị theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan giải quyết TTHC...

Bên cạnh đó, để tổ chức triển khai có hiệu quả hoạt động cải cách TTHC, cũng cần phân định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong hệ thống văn bản pháp luật quy định về tổ chức và hoạt động của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương hoặc văn bản pháp luật quy định về kiểm soát TTHC.

Phạm Quốc Oai
(Phòng Kiểm soát TTHC Quảng Bình)