.

Đảng bộ xã Thanh Trạch: Tập trung lãnh đạo giải quyết việc chi trả đền bù cho ngư dân

Thứ Năm, 01/12/2016, 09:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) là một trong những xã ven biển chịu ảnh hưởng nặng từ sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa qua. Sau khi Quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Đảng bộ và chính quyền xã đã chỉ đạo rà soát, kê khai những đối tượng bị thiệt hại để chi trả đền bù chính xác, giúp người dân sớm khôi phục cuộc sống.

Theo thống kê của xã Thanh Trạch, toàn xã hiện có 14.000 khẩu, trong đó 4.500 khẩu theo nghề biển; có 86 thuyền đánh bắt trên biển, trong đó có 28 tàu đánh bắt xa bờ. Sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa qua đã làm thiệt hại lớn đến hoạt động sản xuất ngư nghiệp của địa phương. Hải sản tiêu thụ khó, giá cả thấp, đời sống của người dân, nhất là những hộ dân sống dựa vào nghề biển gặp rất nhiều khó khăn. Các hộ kinh doanh, dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch và một số dịch vụ khác trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Trước tình hình này, nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống để tiếp tục yên tâm sản xuất, Ban chấp hành Đảng bộ xã Thanh Trạch đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân trên địa bàn và chỉ đạo chính quyền, Mặt trận tuyên truyền kịp thời những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước ta đến từng người dân.

Ngay sau khi Quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sau sự cố môi trường biển ban hành, Ban chấp hành Đảng bộ xã đã nhanh chóng chỉ đạo triển khai công tác rà soát, kê khai những đối tượng nằm trong diện được bồi thường.

Việc bồi thường, hỗ trợ đền bù giúp ngư dân xã Thanh Trạch sớm ổn định cuộc sống.
Việc bồi thường, hỗ trợ đền bù giúp ngư dân xã Thanh Trạch sớm ổn định cuộc sống.

Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Bí thư Đảng ủy xã cho hay, công tác kê khai được xã gấp rút thực hiện để tiến hành chi trả cho ngư dân trong thời gian sớm nhất. Hội đồng đánh giá thiệt hại của xã đã ưu tiên xét đối tượng là những ngư dân trực tiếp đi biển như các thuyền viên, chủ tàu và sau đó đến các hộ dân làm nghề dịch vụ hậu cần nghề biển. Tất cả những đối tượng này đều được chính quyền xã lên danh sách và dán công khai tại các nhà văn hóa thôn.

Tuy nhiên, cũng theo đồng chí Tuệ, trong quá trình thực hiện, việc rà soát các đối tượng được bồi thường theo quyết định 1880/QĐ-TTg của Chính phủ đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như việc nhiều thuyền viên của xã do phải đi biển trên các tàu khác nhau nhưng khi kê khai các chủ tàu lại không thêm tên các thuyền viên này vào danh sách hỗ trợ.

Điều này gây thiệt thòi lớn cho một số thuyền viên. Ngoài ra, đa số người dân đều kê khai mình bị thiệt hại nặng sau sự cố ô nhiễm môi trường biển nên yêu cầu chính quyền xã thực hiện đền bù theo kiểu cào bằng, mức đền bù như nhau. Có một số đối tượng lợi dụng chính sách hỗ trợ đền bù để trục lợi cho bản thân... Đơn cử như một số chủ kho đông lạnh đã kê khống thêm số lượng cá trong kho để tăng thêm mức tiền hỗ trợ, mặc dù trước đó họ cũng đã được Nhà nước hỗ trợ, đền bù thỏa đáng.

Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ cho biết, hiện nay, trong số 4.500 người dân đề nghị được bồi thường, xã đã tiến hành điều tra và xét bồi thường cho 1.580 trường hợp. Những trường hợp còn lại xã tiếp tục thực hiện điều tra để tiến hành chi trả một cách thỏa đáng trong đợt tiếp theo. Đối với những trường hợp khó xác định để chi trả, Đảng bộ và chính quyền xã đang đề xuất với tỉnh cần xem xét, tạo điều kiện để một số đối tượng như các thuyền viên đi nhiều tàu được kê khai bồi thường hợp lý; thành lập tổ liên ngành thẩm định chặt chẽ, chính xác, qua đó giúp việc chi trả bồi thường  được thực hiện đúng người, đúng đối tượng hơn.

Đoàn Nguyệt