.

Quảng Ninh: Phát huy tốt vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng

Thứ Sáu, 25/11/2016, 07:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Già làng và người có uy tín có vai trò, vị thế quan trọng đối với bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều. Lời nói và việc làm của họ có tác dụng rất lớn trong việc tuyên truyền vận động bà con dân bản làm theo, góp phần thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hương ước địa phương, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Trên địa bàn huyện Quảng Ninh 930 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều với 3.320 nhân khẩu, sinh sống trên 2 xã miền núi Trường Xuân và Trường Sơn. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp, các ngành và các chương trình dự án, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nói chung và đồng bào Vân Kiều huyện Quảng Ninh nói riêng đã có cuộc sống định canh, định cư ổn định; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Trong thành tích chung đó có vai trò của các già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Vân Kiều.

Già làng Hồ Thu ở bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân cho biết "Trong nhiều hoạt động ở bản Lâm Ninh, tôi luôn tích cực phối hợp với Ban công tác Mặt trận tích cực vận động tuyên truyền dân bản thực hiện đời sống văn hóa mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Bru Vân Kiều; đồng thời vận động bà con tích cực phát triển kinh tế: trồng rừng, trồng lúa nước, chăn nuôi lợn, gà, ong lấy mật, nuôi cá nước ngọt giúp bà con vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống".

Có thể nói, già làng và người có uy tín trong cộng đồng là hai lực lượng nòng cốt có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền vận động, chuyển tải chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào dân tộc Vân Kiều và phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào đến với Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, các già làng, người có uy tín còn tích cực vận động quần chúng đấu tranh, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đất đai để lôi kéo, kích động nhân dân gây chia rẽ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương giáo, vượt biên trái phép...

 Đồng chí Trần Hải Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy thăm, tặng quà cho bà Hồ Thị Hoa-người có uy tín ở bản Đá Chát.
Đồng chí Trần Hải Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy thăm, tặng quà cho bà Hồ Thị Hoa-người có uy tín ở bản Đá Chát.

Ông Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch Mặt trận xã Trường Sơn cho biết "Để giữ cho các bản làng được bình yên, Mặt trận xã Trường Sơn phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, đề cao cảnh giác, không để kẻ địch lợi dụng, lôi kéo, xúi giục chống phá Đảng và Nhà nước ta; đồng thời tích cực xây dựng và gìn giữ sự bình yên của bản làng.

Bên cạnh đó, với tầm ảnh hưởng của mình, các vị già làng và những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Trường Sơn như bà Hồ Thị Bông ở bản Cây Sú, ông Nguyễn Văn Phúc ở bản Khe Cát, bà Hồ Thị Hoa ở bản Đá Chát, ông Hồ Văn Phần ở bản Trung Sơn... luôn thực hiện rất tốt công tác hoà giải ở cơ sở, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giảm thiểu việc khiếu nại, tố cáo và các mâu thuẫn, xích mích. Có thể khẳng định rằng, vai trò của già làng, người có uy tín, tiêu biểu đang thực sự phát huy tác dụng trong mỗi cộng đồng".

Trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, già làng, người có uy tín luôn là những hạt nhân, gương mẫu cùng với gia đình, dòng họ của mình thực hiện trước, từ đó vận động để quần chúng nhân dân làm theo như tự nguyện hiến đất, cây cối, công lao động để xây dựng đường giao thông nông thôn, các công trình công cộng.

Điển hình như ông Hồ Phong, người có uy tín ở bản Khe Ngang, xã Trường Xuân, ông Hồ Soa, người có uy tín ở bản Khe Dây, xã Trường Xuân đã hiến hàng trăm mét vuông đất để xây dựng nhà văn hóa cộng đồng bản Khe Ngang và bản Khe Dây, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân sinh hoạt hội họp, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".

Già làng Hồ Ai và người có uy tín Nguyễn Văn Phúc ở bản Khe Cát, xã miền núi Trường Sơn, già làng Hồ Văn Thương ở bản Khe Dây xã Trường Xuân là những người có công lớn trong việc bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống của người Bru-Vân Kiều nơi dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Những điệu hát si-nớt, tả-oải, sáo pi, đàn tính tùng, đàn pơ lự... với nhiều nghi thức, nghi lễ trong các lễ hội cúng tế truyền thống của người Bru-Vân Kiều như lễ cúng cơm mới, lễ hội lấp lỗ được các nghệ nhân văn hóa dân gian Vân Kiều bảo tồn, lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ con cháu đời sau.

Nhằm kịp thời động viên, khích lệ những già làng và người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc Vân Kiều tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng quê hương, hàng năm, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện Quảng Ninh phối hợp với chính quyền địa phương 2 xã Trường Xuân và Trường Sơn tổ chức tổ chức thăm hỏi, tặng quà trong các dịp lễ, tết, hỗ trợ vật chất và tinh thần trong lúc ốm đau, hoạn nạn; tổ chức tuyên dương, khen thưởng các điển hình nhằm động viên, khích lệ đội ngũ già làng, người có uy tín đã tích cực cùng với Đảng, Nhà nước, Mặt trận và nhân dân chăm lo xây dựng, củng cố và mở rộng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Hà Ngọc Khang
(Đài TT-TH Quảng Ninh)