.

Nhiều chuyển biến trong công tác tôn giáo

Thứ Năm, 24/11/2016, 10:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2016, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có những khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân nói chung, trong đó có một bộ phận không nhỏ đồng bào có đạo trên địa bàn tỉnh. Đó là hậu quả của sự cố môi trường biển, những thiệt hại nặng nề do thiên tai lũ lụt làm cho đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, một số đối tượng cực đoan trong và ngoài tỉnh đã lợi dụng làm phức tạp thêm tình hình an ninh chính trị, an ninh tôn giáo ở địa phương, gây khó khăn cho công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Trước những khó khăn và thách thức của tình hình trong nước và của tỉnh, xác định nhiệm vụ công tác tôn giáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, trong năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, triển khai và thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm ổn định đời sống, tư tưởng của đồng bào theo đạo, góp phần phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, chung sức thi đua phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, chức sắc, tín đồ tôn giáo về thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo như: Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo; Kết luận số 08 của Ban Bí thư "Về xây dựng cốt cán trong tôn giáo"; Thông báo Kết luận số 148 của Bộ Chính trị "Về giải quyết vấn đề đất đai, cơ sở thờ tự liên quan đến tôn giáo"; Chỉ thị số 1940/2008 của Thủ tướng Chính phủ "Về nhà, đất liên quan đến tôn giáo"; Nghị định số 92/2012 của Chính phủ "Về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo"...

Các cơ quan, ban, ngành, các địa phương có liên quan của tỉnh như Sở Xây dựng, Ban Tôn giáo tỉnh... phối hợp tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ nhằm đôn đốc việc thực hiện công tác tôn giáo ở địa phương; kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề phức tạp phát sinh ngay từ cơ sở, không để kẻ xấu lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để làm phức tạp tình hình an ninh, chính trị ở địa phương; đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua yêu nước ở vùng đồng bào theo đạo; tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; thực hiện chặt chẽ quy định của pháp luật về thuyên chuyển chức sắc, đăng ký các hoạt động của các tổ chức tôn giáo, quản lý đất đai cơ sở thờ tự của các tổ chức tôn giáo; tập trung giải quyết các nhu cầu cơ bản của tổ chức tôn giáo...

Trong năm, các cấp, các ngành đã giải quyết cho 6 cơ sở tôn giáo xây dựng và tổ chức khánh thành nhà thờ, nhà chùa; công nhận cơ sở tôn giáo đối với 7 chùa trên địa bàn tỉnh theo đề xuất của Giáo hội Phật giáo tỉnh; tạo điều kiện để Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện (Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Tuyên Hóa); chấp thuận việc thuyên chuyển, bổ nhiệm chức sắc tôn giáo (suy cử nhân sự Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Bố Trạch; bổ nhiệm Ban Trụ trì chùa Hoằng Phúc, huyện Lệ Thủy, Trụ trì chùa Vĩnh Phúc, huyện Tuyên Hóa. Năm 2016, có 5 chức sắc (Công giáo và Phật giáo) thực hiện việc thuyên chuyển nơi hoạt động mục vụ...

Các cuộc lễ ngoài chương trình đăng ký được tạo điều kiện tổ chức như: Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo huyện Bố Trạch lần thứ I; lễ hội tại một số chùa với quy mô lớn (lễ cung nghinh ngọc xá lợi Đức Phật tổ về an vị tại chùa Hoằng Phúc; lễ đón Phật Ngọc hòa bình thế giới..); lễ đón tân linh mục; rước kiệu ngoài khuôn viên nhà thờ; tạo điều kiện để đoàn Phật giáo nước ngoài vào hoằng pháp tại chùa Hoằng Phúc...

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở vùng giáo được chú trọng; vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng là tín đồ các tôn giáo được nâng cao; công tác phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên là người có đạo, xây dựng và phát huy vai trò lực lượng cốt cán trong tôn giáo triển khai thực hiện có hiệu quả ( trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng và phát huy được vai trò của gần 40 cốt cán đặc thù và trên 300 cốt cán phong trào trong các tôn giáo).

Công tác tuyên truyền, vận động các tín đồ, chức sắc tôn giáo được triển khai sâu rộng; công tác đối ngoại tôn giáo thường xuyên được thực hiện tốt đã động viên, tranh thủ được các vị chức sắc cũng như tín đồ các tôn giáo cùng với chính quyền và nhân dân tỉnh nhà thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị trên địa bàn, nhất là vào thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước (cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 của tỉnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; sự cố môi trường biển, tình hình thiên tai, lũ lụt...)

Nhờ làm tốt công tác tôn giáo, trong năm vừa qua, tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh trong những thời điểm chính trị nhạy cảm được giữ vững. Đồng bào các tôn giáo, cùng với những hoạt động về mặt đạo, đã tham gia tích cực vào những hoạt động chính trị, từ thiện, xã hội, thể hiện phương châm “đạo gắn với đời”, chung tay cùng nhân dân và chính quyền tỉnh khắc phục khó khăn, xây dựng quê hương giàu mạnh; thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 (các chức sắc tôn giáo, cử tri tại các địa bàn có đồng bào tôn giáo đã tích cực hưởng ứng, tham gia bầu cử với tỷ lệ cao, đạt trên 98%; có 02 vị là chức sắc tôn giáo trúng cử đại biểu HĐND tỉnh).

Có thể nói, những kết quả đạt được trong công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, tạo điều kiện để thực hiện thắng lợi các nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI đã đề ra.

Hoàng Huế