.
Kỷ niệm 99 năm Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga (7-11-1917 - 7-11-2016):

Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga và cách mạng Việt Nam

Thứ Hai, 07/11/2016, 08:58 [GMT+7]

Ngày 7-11-1917, cuộc Cách mạng Tháng Mười do V.I. Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích Nga lãnh đạo đã thành công. Đây là thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, của học thuyết Mác - Lê-nin và của những ước mơ cao đẹp của loài người. Cũng từ đây, những tư tưởng vĩ đại của những nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học đã trở thành hiện thực.

Cách mạng Tháng Mười Nga - ngọn đuốc soi đường thời đại

Trong cuộc Cách mạng Tháng Hai năm 1917, giai cấp công nhân và nông dân Nga lật đổ chế độ chuyên chế Nga hoàng, lập ra các Xô-viết - đại biểu của công nhân, binh sĩ, nhưng Xô-viết ở Pê-tơ-rô-grát là cơ quan Trung ương toàn Nga lại nằm trong tay Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản. Tình hình nước Nga sau Cách mạng Tháng Hai năm 1917 là có hai chính quyền song song tồn tại: Xô-viết của công nhân, binh sĩ và Chính phủ lâm thời. Điều đó phản ánh tương quan lực lượng ở nước Nga lúc bấy giờ: giai cấp vô sản chưa đủ sức lật đổ giai cấp tư sản và giai cấp tư sản cũng không đủ lực lượng để đàn áp giai cấp vô sản.

Để chấm dứt tình hình trên, V.I. Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích tích cực xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang; đề ra các hình thức hoạt động mới của các tổ chức quần chúng; kết hợp hoạt động hợp pháp với hoạt động bất hợp pháp, nhằm vạch trần những thủ đoạn lừa bịp của giai cấp tư sản cùng những ảo tưởng “lập hiến” đang lan tràn trong quần chúng nhân dân; chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tiến tới giành chính quyền khi thời cơ đến.

Để chuẩn bị cho thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười, V.I. Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích phải hoàn thành khối lượng công tác khổng lồ trong việc vận dụng sáng tạo những vấn đề thuộc chiến lược và sách lược cách mạng của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga.

Cụ thể là, đề ra chiến lược, sách lược và kế hoạch cụ thể chuyển cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa; luận chứng khả năng cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể thắng lợi trước tiên ở một nước riêng lẻ là nước Nga; phát triển lý luận về khởi nghĩa vũ trang; đồng thời tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong từng bước tiến của cuộc cách mạng.

Những vấn đề đó được V.I. Lê-nin đề cập trong các báo cáo và bài viết vào tháng 4-1917 và được đi vào lịch sử với tên gọi “Luận cương Tháng Tư”, trong đó xác định rõ thái độ của Đảng Bôn-sê-vích và phương pháp thoát khỏi cuộc chiến tranh đế quốc đang diễn ra; đề ra chiến lược mới để chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa; xác định lập trường của Đảng Bôn-sê-vích đối với Chính phủ lâm thời; vạch kế hoạch xây dựng chính quyền Nhà nước Xô-viết sau khi cách mạng thành công; đề ra chính sách kinh tế đáp ứng yêu cầu, lợi ích của nhân dân lao động; tích cực củng cố Đảng, nâng cao vai trò và sức chiến đấu của Đảng; tăng cường khối đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế;... “Luận cương Tháng Tư” của V.I. Lê-nin là văn kiện có tính chất cương lĩnh của Đảng Bôn-sê-vích, của chủ nghĩa Mác sáng tạo, đã đáp ứng đúng những vấn đề cấp bách của cách mạng Nga đặt ra trên con đường tiến tới cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Do sự biến chuyển nhanh chóng của tình hình, nhất là sau sự kiện Chính phủ lâm thời ra lệnh bắn vào đoàn biểu tình của công nhân và binh lính ở Pê-tơ-rô-grát (tháng 7-1917), nên sự bố trí lực lượng giai cấp ở Nga có sự thay đổi căn bản. Hoạt động của Đảng Bôn-sê-vích trở nên sôi động, mạnh mẽ. Những cuộc đấu tranh của công nhân mang tính chất chính trị là chủ yếu, với phương thức đấu tranh mới. Giai cấp nông dân nhận rõ chính sách lừa bịp của Chính phủ lâm thời, nên cuộc đấu tranh của họ đã lan rộng toàn quốc. Quá trình cách mạng hóa binh lính diễn ra mạnh mẽ và đa số họ đã ngả sang phía những người Bôn-sê-vích.

Chính phủ lâm thời lộ nguyên hình là lực lượng phản bội nhân dân. Các nước đế quốc đang xâu xé lẫn nhau, không thể thống nhất để đối phó với cách mạng Nga đang lớn mạnh. Nhận thức sâu sắc tiến trình khách quan của các sự kiện nêu trên, V.I. Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích đã đưa vấn đề khởi nghĩa vũ trang trở thành một nhiệm vụ trực tiếp. Vào cuối tháng 9, đầu tháng 10-1917, những sự kiện trong nước Nga phát triển đột biến, chứng minh sự tiến triển không thể tránh khỏi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Trên cơ sở phân tích toàn diện quá trình cách mạng Nga và tình hình quốc tế, V.I. Lê-nin kết luận: “Cuộc khủng hoảng đã chín muồi. Tất cả tương lai của cách mạng Nga đang ở trong tình thế hoặc mất hoặc còn. Tất cả danh dự của Đảng Bôn-sê-vích đang được đặt ra. Tất cả tương lai của cuộc cách mạng công nhân quốc tế vì chủ nghĩa xã hội đang ở trong tình thế hoặc mất hoặc còn”(1).

Như vậy, điều kiện khách quan và chủ quan cho cuộc khởi nghĩa vũ trang đã chín muồi. Kế hoạch khởi nghĩa vũ trang được V.I. Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích nêu lên thành nguyên tắc, đó là phải dựa vào giai cấp công nhân, vào cao trào cách mạng của quần chúng nhân dân, vào giờ phút quyết định có tính chất bước ngoặt, khi mà đội ngũ tiên tiến trong nhân dân trở nên tích cực nhất, khi mà kẻ thù và đồng minh của chúng tỏ ra yếu đuối, nửa vời, dao động tột đỉnh, đồng thời phải coi khởi nghĩa vũ trang là một nghệ thuật,...

Trong kế hoạch cụ thể của cuộc khởi nghĩa, V.I. Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích chủ trương giáng đòn đồng loạt, bất ngờ ở các địa điểm quan trọng là Pê-tơ-rô-grát, Mát-xcơ-va và Hạm đội Ban-tích, bởi các địa điểm này là nơi tập trung chính của cả lực lượng cách mạng và lực lượng phản cách mạng. Việc giáng đòn đồng loạt, bất ngờ ở các địa điểm này sẽ bảo đảm cho cuộc khởi nghĩa thắng lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập nhanh chóng chính quyền Xô-viết trong toàn nước Nga. Một nhiệm vụ rất trọng yếu của cuộc khởi nghĩa là phải chiếm giữ được những mục tiêu quan trọng, như điểm điện thoại, điện báo, ga tàu hỏa, cầu, vị trí giao thông quan trọng, ngân hàng, đặc biệt là phải chiếm được Cung điện Mùa Đông và bắt giữ ngay Chính phủ lâm thời.

Trong thư gửi các Ủy viên Trung ương Đảng vào tối ngày 24, Tháng Mười (tức ngày 6-11-1917) khi phát lệnh khởi nghĩa, V.I. Lê-nin chỉ thị: “Vô luận trong trường hợp nào, vô luận vì một lý do nào, cũng không được để chính quyền nằm trong tay Kê-ren-xki và đồng bọn cho đến ngày 25; việc đó tuyệt đối phải được giải quyết ngay tối nay hay đêm nay.

Lịch sử sẽ không tha thứ cho những người cách mạng có thể thắng lợi hôm nay (và chắc chắn sẽ thắng lợi hôm nay) mà lại để chậm trễ; vì để đến ngày mai không khéo họ sẽ mất nhiều, không khéo họ sẽ mất tất cả... Lịch sử tất cả các cuộc cách mạng đã chứng minh điều đó. Và những người cách mạng sẽ phạm tội ác vô cùng lớn, nếu họ bỏ mất thời cơ”(2). Việc thực hiện nghiêm túc kế hoạch khởi nghĩa đã bảo đảm cho cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười thắng lợi trọn vẹn.

Ngay sau khi Cách mạng thành công, V.I. Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích lãnh đạo nhân dân bắt tay vào xây dựng Nhà nước cách mạng, trấn áp các cuộc phản kích của các thế lực phản động trong nước được bọn đế quốc quốc tế giúp sức, tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước Nga Xô-viết.

Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới thành công, đã đánh đổ giai cấp tư sản, địa chủ phong kiến, lập nên chính quyền của nhân dân lao động, xây dựng Nhà nước Xô-viết - nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Cách mạng Tháng Mười Nga khác hẳn với tất cả các cuộc cách mạng xã hội trước đó là ở chỗ, các cuộc cách mạng đó chỉ thay đổi hình thức bóc lột này bằng hình thức bóc lột khác, còn cuộc cách mạng “rung chuyển thế giới” này xóa bỏ mọi hình thức bóc lột và thủ tiêu các giai cấp bóc lột.

Cách mạng Tháng Mười Nga là khâu đột phá đầu tiên vào dinh lũy của chủ nghĩa đế quốc, phá vỡ một mảng lớn hệ thống của chúng, làm chúng suy yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc đứng lên giải phóng, giành độc lập dân tộc. Cách mạng Tháng Mười Nga trở thành sự kiện trọng đại nhất trong thế kỷ XX, ghi một dấu son rực rỡ trong lịch sử nhân loại, mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới.

Sự thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga là thực tế sinh động chứng minh học thuyết Mác - Lê-nin là đúng đắn; chỉ rõ khả năng giành thắng lợi của nhân dân lao động; là mẫu mực tuyệt vời về sự lựa chọn con đường cách mạng để đi đến thắng lợi trọn vẹn của những người bị áp bức. Cách mạng Tháng Mười Nga có sức hấp dẫn kỳ diệu đối với các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập, tự do. Nó quy tụ tất cả các trào lưu và khuynh hướng chủ yếu của cuộc đấu tranh cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân, trong đó có sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân kết hợp với phong trào giải phóng dân tộc, đồng thời đánh dấu bước ngoặt căn bản đối với vận mệnh của các dân tộc.

Với thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, giai cấp công nhân Nga trở thành giai cấp cầm quyền, Đảng Bôn-sê-vích Nga trở thành đảng lãnh đạo chính quyền nhà nước. Đánh dấu bước ngoặt căn bản trong đời sống nhân loại là Cách mạng Tháng Mười Nga đã đặt giai cấp công nhân vào vị trí trung tâm của thời đại, mà đội tiền phong của nó là Đảng Cộng sản, một đảng cách mạng kiểu mới, được xây dựng trên những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lãnh đạo và động viên những người bị áp bức đấu tranh giành độc lập, tự do và phẩm giá con người, giành quyền làm chủ vận mệnh của mình.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, Nhà nước Xô-viết đã thực hiện “Sắc lệnh về ruộng đất”, nhằm giải phóng nông dân Nga khỏi ách bóc lột hàng nghìn năm của giai cấp địa chủ phong kiến; thi hành “Chính sách dân tộc” trên tinh thần tôn trọng quyền tự quyết và bình đẳng giữa các dân tộc, xóa bỏ “nhà tù của các dân tộc” dưới chế độ chuyên chế Nga hoàng; công bố “Sắc lệnh về hòa bình”, mở ra mối quan hệ quốc tế mới, hòa bình, hữu nghị. Từ đây, ngọn cờ tự do, hòa bình được giương cao trên đất nước Cách mạng Tháng Mười.

Sau thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga không lâu, V.I. Lê-nin lãnh đạo những người cách mạng chân chính ở các nước thành lập Quốc tế Cộng sản, tạo điều kiện cho các đảng cộng sản và công nhân được thành lập ở nhiều nước trên thế giới. Với những thành quả nêu trên, Cách mạng Tháng Mười Nga mở đường cho nhân loại tiến bộ, cho các dân tộc bị áp bức đấu tranh giành độc lập, tự do và tiến bộ xã hội, trở thành ngọn đuốc soi đường thời đại.

Ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng Việt Nam

Dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm vì độc lập dân tộc. Từ giữa cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân ta liên tiếp đứng lên đánh đuổi bọn cướp nước, nhưng đều bị dìm trong biển máu. Sự thất bại của các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã chứng tỏ con đường cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến và hệ tư tưởng tư sản là bế tắc. Cách mạng Việt Nam ở vào tình trạng khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo.

Trong cuộc bôn ba khắp các châu lục tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã bắt gặp “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lê-nin. Luận cương đã có ảnh hưởng quyết định đến tư tưởng cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng Việt Nam. Người kể lại: “Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.

Từ đó, Người tin theo V.I. Lê-nin, tin theo Cách mạng Tháng Mười Nga và Quốc tế Cộng sản. Con đường cứu nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất là con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, bởi ngay từ năm 1927, Người đã viết: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam.

Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”(3). Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đến với Cách mạng Tháng Mười Nga là sự chuyển biến quan trọng trong tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu và truyền bá vào Việt Nam đã giúp cho các nhà cách mạng Việt Nam yêu nước thấy được con đường giải phóng dân tộc, luôn hướng tới mục tiêu, lý tưởng của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Xô-viết và thấu triệt, kiên định lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Điều đó “tựa như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa Mác - Lê-nin dần dần được truyền bá ở Việt Nam.

Vấn đề then chốt và trước hết của cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy là phải có Đảng Cộng sản lãnh đạo, vì như Người nói: “Cách mạng Nga dạy chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì phải dân chúng (công - nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lê-nin”(4). Được trang bị bởi lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga, phong trào cách mạng Việt Nam dâng lên mạnh mẽ. Công nhân đấu tranh liên tục, từ đấu tranh kinh tế đến đấu tranh chính trị; từ đấu tranh tự phát tiến tới đấu tranh tự giác.

Trong thời gian ngắn, ba tổ chức cộng sản ra đời, đẩy phong trào cách mạng nước ta lên một bước mới. Tuy nhiên, sự phân tán về tổ chức dẫn đến không thống nhất về tư tưởng và hành động. Trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất. Sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Sự ra đời của Đảng là kết quả của sự vận động, phát triển cách mạng trong hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại được mở ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga. Ngay từ lúc ra đời, Đảng đã đề ra được đường lối chiến lược cách mạng đúng đắn: tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Lần đầu tiên sau gần 70 năm dưới ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, dân tộc Việt Nam có một đảng theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin lãnh đạo, chuẩn bị cho những thắng lợi và những bước nhảy vọt trong lịch sử dân tộc. Đồng chí Trường Chinh đã khẳng định: “Chúng ta không được quên rằng, việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã chịu ảnh hưởng sâu xa của Cách mạng Tháng Mười”(5).

Vào đầu những năm 40 của thế kỷ XX, chủ nghĩa phát-xít thế giới mở cuộc tấn công hòng tiêu diệt Nhà nước của quê hương Cách mạng Tháng Mười Nga. Song, nước Nga Xô-viết đã đánh tan chủ nghĩa phát-xít, tạo điều kiện và thời cơ thuận lợi cho một loạt nước trên thế giới đứng lên giành độc lập dân tộc. Chớp thời cơ có một không hai đó, theo lời hiệu triệu của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã nhất tề vùng lên, tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đánh Pháp, đuổi Nhật, giành chính quyền nhanh gọn trong cả nước.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là cuộc cách mạng dân chủ nhân dân đầu tiên thắng lợi ở một nước thuộc địa, là cuộc cách mạng vô sản thứ hai sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và đó cũng là thành quả tất yếu của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Nói về ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh sự đúng đắn của học thuyết Mác - Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đã chứng minh sự đúng đắn của con đường của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại đã vạch ra”(6).

Nhờ vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga và lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn: kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, thu giang sơn về một mối. Hiện nay, cách mạng nước ta đã chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, và đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Với lòng biết ơn sâu sắc khi nói về ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Uống nước nhớ nguồn. Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười”(7).

Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, trên thế giới, chủ nghĩa xã hội đang trải qua thời kỳ đầy khó khăn, thử thách. Kẻ thù của chủ nghĩa xã hội được thể lu loa đủ điều nhằm bôi nhọ và hạ thấp hình ảnh của Cách mạng Tháng Mười Nga và cơ sở tư tưởng của cuộc cách mạng này là chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Họ cho rằng, Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ có ý nghĩa địa phương, chỉ có giá trị thuần túy Nga; qua đó, phủ nhận tính tất yếu và biện chứng của Cách mạng Tháng Mười Nga cũng như của cách mạng xã hội chủ nghĩa nói chung, đồng thời đi tới phủ nhận tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Tuy đang gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng chủ nghĩa xã hội vẫn đứng trước triển vọng to lớn, bởi lẽ, con đường mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra phù hợp với quy luật tiến hóa của lịch sử nhân loại, đem lại tự do, hạnh phúc thật sự cho loài người tiến bộ. Không ai và không một thế lực nào có thể phủ định hoặc hạ thấp được vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm vóc và ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với tiến trình lịch sử nhân loại. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co, song loài người cuối cùng cũng nhất định tiến tới chủ nghĩa xã hội.

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Luôn hướng tới lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội là thể hiện sự trung thành của toàn Đảng, toàn dân ta với con đường mà Cách mạng Tháng Mười đã mở ra. Trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định: “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”(8).

Theo Tạp chí Cộng sản

----------------------------------------------------------
Chú thích:
(1), (2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1976, t. 34, tr. 369 - 370, 571 - 572
(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 304
(5) Trường Chinh: Cách mạng Tháng Mười và cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1957, tr. 28
(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 11, tr. 180
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 15, tr. 392 - 393
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 69