.

Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Góp phần vào sự thành công của kỳ họp

Thứ Năm, 24/11/2016, 08:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 23-11-2016, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc. Tham gia kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh ta đã tích cực đóng góp các ý kiến, thảo luận nhiều nội dung mà cán bộ, cử tri cả nước cũng như tỉnh nhà quan tâm.

Đại tá Nguyễn Văn Man, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Đại tá Nguyễn Văn Man, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Tiếp tục nội dung, chương trình kỳ họp, trong phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đại biểu Nguyễn Văn Man, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình đã có ý kiến thể hiện quan điểm đồng tình với dự thảo luật. Đại biểu cho rằng, dự thảo luật được chuẩn bị công phu cả về bố cục, nội dung sát với tình hình thực tiễn, kế thừa những ưu điểm và khắc phục được những hạn chế của Pháp lệnh quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đã góp ý bổ sung, điều chỉnh đối với một số nội dung cụ thể, như: Tại Điều 5 quy định các hành vi nghiêm cấm, đại biểu đề nghị nên ghép khoản 6 và khoản 16 thành 1 khoản quy định cấm  "giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện tiêu chuẩn như người chưa qua đào tạo quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, người chưa đủ tuổi thành niên, người vi phạm, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ" để tránh trùng lắp và dễ nhớ, dễ hiểu hơn.

Ghép khoản 7 với khoản 10 thành một khoản quy định cấm "cho, mua, bán, tặng, gửi, mượn, chuyển nhượng, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các loại phế liệu, phế phẩm, vụ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ". Tại khoản 4 Điều 5 và tại Điều 61 đề nghị bỏ cụm từ "đào bới" và chỉ nên sử dụng cụm từ "tìm kiếm", vì như vậy mới đủ nội hàm cho việc thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vì nếu ta ghi đào bới chỉ là ở dưới mặt đất, còn ở dưới biển, sông, suối, ao, hồ, đầm thì ta ghi như thế là chưa chặt chẽ và chưa đủ. Tại Điều 6, đề nghị ghép khoản 1 và khoản 3 thành một khoản, ghép khoản 2 với khoản 4 thành một khoản để quy định được gọn và rõ hơn.

Đối với Điều 15 quy định việc nghiên cứu chế tạo, sản xuất kinh doanh, sửa chữa xuất nhập khẩu vũ khí, đại biểu tán thành với phương án 2; tuy nhiên, đề nghị không giao việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất kinh doanh, sửa chữa vũ khí cho các tổ chức, doanh nghiệp Bộ Công an mà nên giao và dồn nguồn lực cho Bộ Quốc phòng, vì Bộ Quốc phòng đã có Tổng cục công nghiệp quốc phòng.

Tại Điều 17 quy định về đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, ở khoản 2 đề nghị thêm cụm từ "kiểm ngư" sau cụm từ "cảnh sát biển" vì hiện nay lực lượng kiểm ngư do Bộ Quốc phòng huấn luyện, đào tạo và trang cấp, trang bị phương tiện kỹ thuật. Tại Điều 19 quy định về thủ tục cấp giấy phép vũ khí, quân dụng, ở khoản 1 nên bổ sung thêm đối  tượng là “cảnh sát biển” và “kiểm ngư” nữa để phù hợp với khoản 2, Điều 17...

Ngoài những nội dung trên, đại biểu còn góp ý bổ sung, điều chỉnh một số quy định về thẩm quyền tiếp nhận, thu gom, phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại Điều 62 cho phù hợp và chặt chẽ hơn.

Trong phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật thủy lợi, đại biểu Cao Thị Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tham gia đóng góp ý kiến đề nghị ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng để đưa ra khỏi luật những Điều, khoản mà các luật chuyên ngành khác đã quy định để tránh chồng chéo, trùng lặp, gây khó khăn trong quá trình áp dụng và làm cho luật ngắn, gọn, súc tích hơn.

Đồng thời, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh một số nội dung, quy định, cụ thể như: Tại Điều 6 đã quy định về ứng dụng khoa học công nghệ, nhưng trong một số điều vẫn còn quy định việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong hoạt động thủy lợi. Ví dụ, tại điểm g khoản 1 Điều 5, Tại điểm b khoản 2 Điều 26 hay tại  khoản 5 Điều 20... quy định như vậy là thiếu thống nhất và lặp đi, lặp lại.  Tương tự như vậy, tại Điều 43 đến 46 nói về an toàn công trình thủy lợi có nhiều ý trùng lặp giữa các điều về nội dung chịu trách nhiệm, xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra.

Tại Điều 13 về trách nhiệm lập, thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, đại biểu đề nghị bổ sung quy định: Việc phê duyệt và thẩm định quy hoạch phải được tổ chức Hội thảo khoa học để lấy ý kiến của các nhà khoa học và ý kiến của người dân theo hướng công khai, dân chủ để tạo thêm niềm tin và sự đồng thuận khi triển khai thực hiện các dự án. Tại Điều 9 quy định về điều tra cơ bản thủy lợi, cần bổ sung nội dung điều tra tiềm năng và tác động công trình thủy lợi đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân.

Đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung việc quy định sử dụng nguồn nước trong lòng hồ phục vụ cho sinh hoạt; phục vụ cho nuôi trồng thủy, hải sản..., để có cơ sở quản lý, điều tiết, tận thu ngân sách phục vụ nâng cấp, sửa chữa công trình thủy lợi. Đề nghị ban soạn thảo cần xem xét, cụ thể hóa một số nội dung vào luật để hạn chế các qui định giao cho Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn nhằm bảo đảm tính khả thi của luật.

Đại biểu Cao Thị Giang còn tham gia đóng góp ý kiến đối với dự án Luật Du lịch (sửa đổi). Trong phiên thảo luận tại Hội trường về dự thảo dự án luật này, đại biểu cho rằng, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Du lịch 2005 đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc hoạt động và phát triển của ngành du lịch, như: có một số nội dung chưa tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành hay một số quy định về quy hoạch trong luật  không còn phù hợp với quy định của pháp luật liên quan về phân loại quy hoạch và thẩm quyền xây dựng, thẩm định phê duyệt quy hoạch du lịch.

Theo đại biểu, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và để giải quyết những hạn chế, bất cập nêu trên thì việc sửa đổi Luật Du lịch là rất cấp thiết, bảo đảm tính đồng bộ của pháp luật góp phần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy du lịch phát triển.

Đại biểu đã phân tích và đề nghị thêm 01 khoản về “Cấm các hình thức trốn thuế, gian lận thương mại trong kinh doanh du lịch” vào Điều 10 về các hành vi bị nghiêm cấm; thêm 01 khoản quy định “Không lợi dụng du lịch để hoạt động mại dâm, gây rối, khủng bố làm phương hại đến môi trường du lịch” vào Điều 13; bỏ khoản 1 Điều 6 quy định “việc xếp hạng cơ sở lưu trú được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện” vì quy định như vậy sẽ không bảo đảm chất lượng cơ sở lưu trú theo tiêu chuẩn xếp hạng sao.

Ngoài ra, đại biểu còn cho rằng, việc giao cho UBND cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận, xử lý kiến nghị của khách du lịch trên địa bàn được quy định tại khoản 2 Điều 15 là không khả quan, nên giao cho UBND các cấp có điểm du lịch giải quyết vấn đề này thì phù hợp, bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi hơn và đề nghị xem xét thành lập cảnh sát du lịch tại một số địa phương có đông khách du lịch.

Thảo luận tại Hội trường đối với dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phát biểu ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về việc ban hành luật này. Theo đại biểu, trong dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều điểm đã được Luật doanh nghiệp, Luật ngân sách, Luật quản lý thuế, và Luật đất đai điều chỉnh; nếu ban hành thêm luật này sẽ trùng lắp, có khi lại mâu thuẫn với các luật đã ban hành.

Mặt khác, trong cơ chế thị trường mọi doanh nghiệp đều có quyền và nghĩa vụ giống nhau; nếu ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, với những quy định như trong dự thảo thì sẽ tạo ra sự thiếu công bằng và thiếu tôn trọng nguyên tắc hoạt động của cơ chế thị trường và còn nhiều mâu thuẫn. Chẳng hạn như, tại khoản 1, Điều 5 về nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ quy định: “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ bảo đảm không vi phạm nguyên tắc thị trường, không phân biệt đối xử, không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, nhưng theo dự thảo Luật, các doanh nghiệp lại được hỗ trợ từ vốn vay đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất, vốn tiếp cận khu công nghiệp, chi phí dịch vụ, đào tạo, tư vấn, truyền thông, kết nối, khởi nghiệp, kết nối mạng, hỗ trợ mua sắm công, phát triển nguồn lực...

Khâu nào cũng được hỗ trợ thì không có lý giải nào có thể chứng minh là bảo đảm công bằng và không vi phạm cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; trong lúc đó Việt Nam đã không ít lần bị kiện về trợ giá, phá giá. Từ phân tích trên, đại biểu cho rằng, chắc chắn khi ban hành Luật sẽ khó thực thi, đặc biệt là, lấy đâu ngân sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, chưa nói đến sẽ xuất hiện lợi ích nhóm và cơ chế xin cho do các điều luật qui định chung chung, thiếu cụ thể.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, nếu ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chỉ cần tập trung vào những vấn đề cơ bản, cụ thể mà hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất mong muốn mà không vi phạm các điều khoản khác, như: Hỗ trợ cho doanh nghiệp về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh; giảm bớt các thủ tục hành chính, phiền hà sách nhiễu, gây khó dễ cho doanh nghiệp; tạo cơ chế thông thoáng trong kinh doanh, hạn chế thanh tra, giám sát để hạn chế chi phí đón tiếp, bồi dưỡng và chi phí khác...

Cần quan tâm tập trung kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp trong một số hoạt động có tính hưởng lợi chung như: Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; đầu tư xây dựng chuỗi liên kết để đẩy mạnh truyền thông quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm; xúc tiến đầu tư; xây dựng cơ sở hạ tầng v.v... để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.

Đại biểu còn đề nghị đưa ra khỏi dự thảo một số quy định tại Điều 9 về hỗ trợ tín dụng; bỏ Điều 10 về hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các quỹ. Bỏ điều qui định về việc hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp vừa và nhỏ; giảm miễn thuế đất, tiền sử dụng đất; giảm tiền thuế thu nhập; hưởng thuế ưu đãi, vì doanh nghiệp vừa và nhỏ đã hưởng các ưu đãi rồi, thì phải làm nhiệm vụ nộp thuế để nhà nước đầu tư lại.

Đối với hoạt động chất vấn, tại kỳ họp, Quốc hội đã dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ và Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, yêu cầu một số bộ trưởng, trưởng ngành khác tham dự và giải trình thêm một số vấn đề liên quan.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã có 4 lượt chất vấn trực tiếp; trong đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã 3 lượt chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường và Thủ tướng Chính phủ; đại biểu Cao Thị Giang có 1 lượt chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương còn chất vấn bằng văn bản đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn và Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Các  ý kiến chất vấn tập trung yêu cầu làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ trước những vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc và kiến nghị nhiều lần, như: vấn đề đầu tư công gây thất thoát, lãng phí; vấn đề tuyển dụng, bố trí cán bộ; vấn đề bồi thường thiệt hại và xử lý ô nhiễm môi trường biển; vấn đề quản lý bán hàng đa cấp; việc di dời 02 cột ăng-ten của Đài tiếng nói Việt Nam đặt tại Đồng Hới v.v... Các ý kiến chất vấn của đại biểu đã được các thành viên chịu sự chất vấn trả lời trực tiếp và bằng văn bản.

Ngoài các hoạt động trên, trong suốt thời gian dự họp, các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình còn tham gia một số hoạt động quan trọng khác, như: nghiên cứu viết bài đăng báo; trả lời phỏng vấn báo chí; tham dự các phiên họp do các Ủy ban của Quốc hội tổ chức; giao lưu tiếp xúc, trao đổi thông tin với đại biểu các Đoàn, lãnh đạo các Bộ, ngành để duy trì và mở rộng mối quan hệ, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ tỉnh nhà.
Sáng ngày 23-11-2016, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV chính thức bế mạc; các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình trở về địa phương để tiến hành các hoạt động chuẩn bị cho việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp.

Phong Hồng-Ất Mão