.
Kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14-10-1930 - 14-10-2016):

Phát huy vai trò tổ chức Hội trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Thứ Ba, 11/10/2016, 07:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong 5 năm qua, các cấp Hội cùng hội viên Hội Nông dân tỉnh ta đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Phong trào đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Để bạn đọc hiểu sâu hơn về phong trào, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Công Toán, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

- PV: Trước tiên, xin đồng chí cho biết kết quả công tác chỉ đạo thực hiện phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi?

- Đồng chí Lê Công Toán: Trong 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp Hội Nông dân đã tập trung lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh khóa IX (nhiệm kỳ 2013 - 2018) và các chương trình kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, XVI đề ra.

Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp đã ban hành nhiều văn bản, cụ thể hóa các nghị quyết, kế hoạch của Đảng, Nhà nước và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; hướng dẫn về tiêu chuẩn hộ nông dân SXKDG theo quy định; đồng thời, giao chỉ tiêu thi đua hàng năm cho cơ sở, tuyên truyền, vận động và tổ chức hội viên nông dân đăng ký phấn đấu thực hiện.

Hội đã tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình SXKDG có hiệu quả, bám sát cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thực hiện chương trình phát triển kinh tế trọng tâm, trọng điểm của tỉnh; vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng cường sự liên kết, liên doanh trong sản xuất cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Từ sự lãnh, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Trung ương Hội, các cấp Hội Nông dân tỉnh ta đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tuyên truyền, vận động các tầng lớp nông dân thực hiện phong trào nông dân SXKDG. Mỗi năm toàn tỉnh có gần 100.000 lượt hộ nông dân đăng ký nông dân SXKDG các cấp (chiếm hơn 75% so với hộ hội viên).

Để thúc đẩy phong trào và hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia có hiệu quả phong trào, 5 năm qua các cấp hội trong tỉnh đã trực tiếp hỗ trợ, phối hợp với các ngành, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tổng nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt trên 40 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương 11,05 tỷ đồng, cấp tỉnh 6,3 tỷ đồng, cấp huyện và cơ sở gần 23 tỷ đồng, đã giải quyết cho hàng ngàn hộ vay để phát triển sản xuất.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình cà gai leo ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình cà gai leo ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch.

Thông qua nguồn vốn này, các cấp hội đã tập trung xây dựng các mô hình nhóm hộ, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các cấp hội cơ sở cũng đã tín chấp cho hơn 35.000 hội viên, nông dân vay hơn 1.000 tỷ đồng từ các ngân hàng để phát triển sản xuất. Ngoài ra, các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân cũng đã được quan tâm và gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, toàn tỉnh đang có 66.918 hộ nông dân SXKDG các cấp, tăng 21.100 hộ so với giai đoạn 2007 – 2011, trong đó có 52.375 hộ đạt cấp cơ sở, 11.071 hộ cấp huyện, 2.978 hộ cấp tỉnh, 494 hộ đạt cấp Trung ương...

- PV: Những tác động của phong trào đến quan hệ sản xuất nông nghiệp, nông thôn và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, thưa đồng chí?

- Đồng chí Lê Công Toán: Phong trào nông dân thi đua SXKDG đã trở thành phong trào hành động cách mạng trong thời kỳ mới của giai cấp nông dân. Đến nay, phong trào đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, thu hút hàng chục nghìn hội viên, nông dân tham gia, trở thành động lực quan trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng.

Trong quá trình thực hiện, các cấp hội đã vận động hội viên nông dân thực hiện có hiệu quả chủ trương dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn cho thu nhập cao; vận động hội viên thực hiện tốt các chương trình phối hợp với các ngành, doanh nghiệp để tạo vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vật tư, phân bón, bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo mô hình liên kết “4 nhà”.

Phong trào đã góp phần thúc đẩy việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, gia trại có hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ nông dân SXKDG đã thành lập các doanh nghiệp nhằm mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đến nay, nhiều nông dân đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiến tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với thị trường tiêu thụ; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng, tạo ra giá trị sản phẩm cao trên một đơn vị diện tích, từng bước xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.

Nhờ đó, thu nhập của cư dân nông thôn đã tăng gấp 2,1 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm, đến cuối năm 2015 còn dưới 5% (trung bình toàn quốc 8,2%). Đến cuối tháng 5-2016, toàn tỉnh đạt trung bình 12,8 tiêu chí nông thôn mới/xã, có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 22,1% số xã, vượt mục tiêu nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra (nghị quyết 20%); có 17 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí. Số xã dưới 10 tiêu chí giảm mạnh, đặc biệt không còn xã nào dưới 5 tiêu chí.

Cùng với thi đua SXKDG, các cấp hội còn vận động cán bộ, hội viên, nông dân đoàn kết giúp nhau về vốn sản xuất, vật tư nông nghiệp, giống cây, con, ngày công lao động, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, tiểu khu văn hóa...

- PV. Thưa đồng chí, để phát triển phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới, các cấp hội và hội viên nông dân cần phải làm gì?

- Đồng chí Lê Công Toán: Các cấp hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phấn đấu để phong trào có bước phát triển mới về chất; động viên nông dân phát huy vai trò chủ thể, lao động sáng tạo, mạnh dạn đầu tư, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề, dịch vụ tạo ra sản phẩm có giá trị và khả năng cạnh tranh cao hơn; góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, gắn với thương hiệu sản phẩm và phát triển mạnh theo hướng kinh tế tập thể, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần quan trọng vào củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh; đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng vững mạnh...

- PV. Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Xuân Vương (thực hiện)