.

Khó khăn trong phát triển đảng viên ở vùng nông thôn - Bài 2: Tìm hướng tháo gỡ

Thứ Ba, 04/10/2016, 08:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực tiễn cho thấy việc phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới ở nông thôn tỉnh ta hiện nay đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ, khỏe, có đủ năng lực tiếp nhận và ứng dụng KHKT mới để lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các tổ chức cơ sở đảng có thêm sức trẻ đang rất cần để nâng cao năng lực lãnh đạo và cũng rất cần có thêm sức trẻ để đảm đương những trọng trách mới trong tình hình mới. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết cấp ủy các cấp cần nhanh chóng tìm lời giải hợp lý cho “bài toán” phát triển đảng viên vùng nông thôn.

>> Bài 1: Thiếu nguồn kết nạp đảng viên

Việc tạo nguồn phát triển đảng viên ở vùng nông thôn tỉnh ta đang thực sự là vấn đề nan giải. Tìm được quần chúng ưu tú đã khó, nhưng bồi dưỡng, giữ chân để đưa họ vào đứng trong hàng ngũ của Đảng còn khó hơn. Bởi thực tế, có không ít trường hợp quần chúng đã học lớp cảm tình Đảng nhưng sau đó vì tập trung phát triển kinh tế nên đã xin rút, gây khó khăn cho cơ sở.

Và những hạn chế về số lượng cũng như chất lượng của đảng viên trẻ ở khu vực nông thôn đang cho thấy thực tế, một số cấp ủy đảng cơ sở vẫn chưa thật sự quan tâm công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Hệ thống chính trị ở nhiều địa phương chưa có những giải pháp mang tính đột phá trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập giúp thanh niên yên tâm lập thân, lập nghiệp ngay tại quê hương.

Các cấp bộ Đoàn cũng chưa thể hiện rõ vai trò của mình trong tập hợp, giáo dục thanh niên bằng các phương thức hiệu quả nên hoạt động hạn chế cả bề rộng lẫn chiều sâu. Chính những điều này dẫn đến thực trạng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng Đảng là đoàn viên thanh niên chưa thực sự có nhiều chuyển biến.

Từ những khó khăn trong thực tiễn công tác phát triển đảng viên vùng nông thôn, nhiều địa phương xác định để thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên cần có các giải pháp đồng bộ, khoa học, mang tính dài hơi; cần tích cực chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc rà soát nguồn cảm tình Đảng, lập danh sách theo dõi, bồi dưỡng, phân công đảng viên giúp đỡ quần chúng ưu tú trong lực lượng dân quân, bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên, người lao động; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là vai trò của các tổ chức, đoàn thể quần chúng như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân; phát động phong trào hành động thiết thực tại cơ sở, thu hút đoàn viên, hội viên vào các hoạt động thực tiễn.

Cần chú trọng chính sách tạo việc làm, tăng thu nhập để “giữ chân” lao động trẻ làm việc, sinh hoạt tại địa phương.
Cần chú trọng chính sách tạo việc làm, tăng thu nhập để “giữ chân” lao động trẻ làm việc, sinh hoạt tại địa phương.

Các địa phương cần cử quần chúng tích cực đi dự các lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng để họ có những hiểu biết nhất định về Đảng, xác định động cơ phấn đấu vào Đảng đúng đắn; phân công đảng viên bồi dưỡng, giúp đỡ, theo dõi quá trình rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành của quần chúng tích cực;  phải tích cực đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tăng cường đối thoại trực tiếp với dân; gắn công tác phát triển Đảng với các nội dung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...

“Đối với những chi bộ gặp khó khăn trong phát triển Đảng, Đảng ủy cần phân công các đồng chí ủy viên ban chấp hành trực tiếp làm bí thư lãnh đạo chi bộ xây dựng nghị quyết về công tác phát triển Đảng; giao chỉ tiêu cho các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội trong việc phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú cho Đảng, coi đây là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá, xếp loại hàng năm; quan tâm tạo việc làm tại chỗ cho lao động trẻ tại địa phương để thanh niên tham gia làm kinh tế, đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua nhằm thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia, từ đó phát hiện những nhân tố tích cực để bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng.

Các chi bộ thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng quy định về sinh hoạt định kỳ theo phương châm đổi mới nội dung, phương pháp, chọn đúng những vấn đề nhân dân quan tâm để thảo luận, đề ra phương hướng giải quyết, tạo niềm tin cho nhân dân”, đồng chí Nguyễn Tiến Thược, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thanh (Quảng Trạch) chia sẻ.

Tuy nhiên, trong những giải pháp “cứu cánh” cho những khó khăn trong việc phát triển đảng viên vùng nông thôn là đẩy mạnh, chú trọng công tác Đoàn, thanh niên nhất là ở cấp cơ sở. Và để làm tốt công tác này, trước hết phải có sự phối hợp trách nhiệm của tổ chức đảng (trực tiếp là các chi bộ), tổ chức đoàn và bản thân mỗi đoàn viên thanh niên.

Sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy đảng, chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn và ý thức tự giác của mỗi đoàn viên thanh niên là những yếu tố cơ bản quyết định hiệu quả công tác phát triển Đảng, nhất là thanh niên trực tiếp lao động, sản xuất ở khu vực nông thôn. Các tổ chức đảng và tổ chức đoàn cần coi trọng việc giúp đảng viên trẻ có cơ hội được cống hiến và đóng góp cho phong trào chung ở cơ sở; đồng thời lãnh đạo tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn hoạt động có hiệu quả; mở rộng ngành, nghề để tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên.

Cấp ủy các cấp cần chú ý đến việc quy hoạch, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ trẻ, phát huy được tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của thanh niên; cần phải đưa chỉ tiêu phát triển đảng viên trẻ là thanh niên trực tiếp lao động ở nông thôn vào nghị quyết của các cấp ủy; đồng thời phát huy trách nhiệm cụ thể của cấp ủy, đoàn thể, đảng viên đối với lĩnh vực công tác này. Tuy vậy, cũng phải xác định rõ việc lựa chọn những quần chúng ưu tú cho Đảng phải được các chi bộ quan tâm đúng mức, có những cách làm phù hợp tránh không vì chạy theo chỉ tiêu, thành tích mà dễ dãi khi chọn người kết nạp.

Đ.V