.

Khó khăn trong phát triển đảng viên ở vùng nông thôn - Bài 1: Thiếu nguồn kết nạp đảng viên

Thứ Hai, 03/10/2016, 07:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Phát triển đảng viên mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, góp phần trẻ hóa đội ngũ, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế ở vùng nông thôn tỉnh ta những năm gần đây, việc phát triển đảng viên mới gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt và công tác lãnh đạo ở cơ sở.

Khan hiếm nguồn kết nạp, chất lượng đảng viên chưa được chú trọng, xu hướng “già hóa” đảng viên ngày một tăng là những hạn chế trong phát triển đảng viên ở vùng nông thôn tỉnh ta. Thực trạng này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, nguồn phát triển đảng viên ở các vùng nông thôn tỉnh ta chủ yếu dựa vào lực lượng đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ. Tuy nhiên, lực lượng này đang ngày càng “rơi rụng” dần khiến công tác phát triển đảng viên mới của nhiều chi bộ, đảng bộ gặp nhiều khó khăn, bế tắc. Trường hợp của Đảng bộ xã Hiền Ninh (Quảng Ninh) là một điển hình. Năm 2016, chỉ tiêu Huyện ủy Quảng Ninh giao cho Hiền Ninh kết nạp 15 đảng viên mới. Trong 6 tháng đầu năm, Đảng bộ xã đã kết nạp được 5 quần chúng ưu tú vào Đảng.

“Tuy nhiên, từ giờ đến cuối năm, cố gắng hết sức chúng tôi cũng chỉ có thể kết nạp thêm được 6,7 đồng chí nữa. Con số 15 đảng viên do Huyện ủy giao e rằng khó đạt được. Không phải các chi bộ không quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, kỳ sinh hoạt nào cũng đề cập đến vấn đề này, nhưng khó khăn là không có nguồn. Phần lớn thanh niên ở các thôn đi làm ăn xa, số ở nhà thì còn mãi làm kinh tế, việc tham gia sinh hoạt các đoàn thể ít hấp dẫn với họ, do đó rất khó để chọn nguồn bồi dưỡng, kết nạp Đảng”, đồng chí Nguyễn Khánh Hiều, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Ninh cho biết.

Theo thống kê, toàn xã hiện có 555 đoàn viên thanh niên nhưng chỉ khoảng 193 đoàn viên sinh hoạt ở địa phương, còn hầu hết đều đi học hoặc đi làm ăn xa. Nhiều khu dân cư số lượng đoàn viên thanh niên chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí có nơi gần như “trắng” đoàn viên thanh niên như xóm 2, xóm 3 Long Đại.... Tình trạng này đang “làm khó” các cấp ủy Đảng trên địa bàn trong việc đào tạo nguồn quần chúng để kết nạp Đảng.

 Lực lượng lao động trẻ làm việc tại địa phương ngày càng “hao hụt” là một trong những nguyên nhân khiến công tác phát triển đảng viên vùng nông thôn tỉnh ta gặp nhiều khó khăn.
Lực lượng lao động trẻ làm việc tại địa phương ngày càng “hao hụt” là một trong những nguyên nhân khiến công tác phát triển đảng viên vùng nông thôn tỉnh ta gặp nhiều khó khăn.

Cũng có chung thực trạng, những năm gần đây, nguồn kết nạp đảng viên ở các chi bộ nông thôn của Đảng bộ xã Lý Trạch (Bố Trạch) đang có xu hướng cạn dần. Toàn đảng bộ có 14 chi bộ trực thuộc, trong đó có 10 chi bộ nông thôn, nhưng năm 2015 chỉ kết nạp được 4 đảng viên mới. Những tháng đầu năm 2016, con số này có “nhỉnh” hơn với 5 quần chúng được kết nạp và đang phấn đấu đến cuối năm kết nạp thêm 5 đồng chí nữa đứng vào hàng ngũ Đảng.

“Tuy nhiên, đa số các đảng viên được kết nạp thuộc nhóm chi bộ trường học, cơ quan. Các chi bộ nông thôn tỷ lệ kết nạp đảng viên thấp và có xu hướng giảm. Vấn đề tạo nguồn kết nạp Đảng cho những năm tiếp theo sẽ rất khó khăn, bởi hiện tại số lượng đoàn viên thanh niên của địa phương không còn nhiều.

Theo thống kê, hiện tại toàn xã có khoảng 50% lực lượng đoàn viên thanh niên thoát ly khỏi địa phương để đi làm ăn xa hoặc theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên toàn quốc. Chính điều này đang làm mỏng dần lượng quần chúng có đủ tiêu chuẩn để bồi dưỡng kết nạp đảng”, đồng chí Lê Xuân Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Lý Trạch chia sẻ.

Đây cũng chính là những trăn trở của đồng chí Phùng Ngọc Anh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa) khi tâm sự với chúng tôi về công tác phát triển đảng viên mới trên địa bàn. Với chỉ khoảng 40% đoàn viên thanh niên đang sinh hoạt tại địa phương, nhiều chi bộ nông thôn của Thuận Hóa đang rất chật vật trong việc tạo nguồn quần chúng ưu tú kết nạp Đảng. Thậm chí nhiều chi bộ như Thượng Lào, Thuận Tiến... một vài năm trở lại đây gần như không có nguồn.

Rõ ràng, không riêng gì các chi bộ nông thôn ở Hiền Ninh, Lý Trạch, Thuận Hóa đang đứng trước tình trạng cạn dần nguồn quần chúng kết nạp Đảng, mà đây gần như là tình trạng chung của hầu hết các địa phương vùng nông thôn tỉnh ta. Lý do được đưa ra để lý giải cho thực trạng này là hầu hết đoàn viên, thanh niên học xong THPT đều thoát ly khỏi địa phương đi học tập và làm ăn ở nơi khác; một số đoàn viên thanh niên ở lại địa phương thì hoặc không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để kết nạp hoặc chưa có ý thức phấn đấu vào Đảng. Lực lượng cán bộ làm công tác đoàn thể như Mặt trận, phụ nữ... thì cơ bản đã lớn tuổi.

Thêm vào đó, hiện nay, một số phong trào thi đua ở địa phương vẫn chưa thật sự thu hút quần chúng tham gia nên sự phấn đấu của quần chúng không rõ nét. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, thuyết phục, giáo dục quần chúng để họ có chí hướng phấn đấu vào Đảng ở nhiều chi bộ vẫn chưa được quan tâm sát sao, dẫn đến nhiều quần chúng vẫn thờ ơ phấn đấu vào Đảng.

Việc thiếu nguồn phát triển đảng viên trẻ đang khiến nhiều chi bộ nông thôn ngày càng bị “già hóa”, thậm chí một số chi bộ chỉ là nơi sinh hoạt của các đảng viên là cán bộ hưu trí, người cao tuổi. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sinh hoạt chi bộ cũng như công tác xây dựng Đảng của các địa phương.
Chi bộ thôn 3, xã Nghĩa Ninh (thành phố Đồng Hới) hiện có 21 đảng viên nhưng đa số đều là đảng viên cao tuổi. Mặc dù cấp ủy thôn luôn quan tâm chú trọng đến công tác kết nạp quần chúng ưu tú là đoàn viên thanh niên vào Đảng nhưng do khan nguồn nên nhiều năm qua, việc kết nạp Đảng của chi bộ luôn trong tình trạng “giẫm chân tại chỗ”.

Và do đó tình trạng “già hóa” đảng viên không phải là điều khó lý giải. Đây cũng là “nút thắt” đang làm khó cấp ủy thôn Nhân Hòa, xã Quảng Hòa (thị xã Ba Đồn) trong công tác xây dựng Đảng những năm gần đây. Toàn chi bộ có 18 đảng viên nhưng có đến gần 2/3 đảng viên nằm trong độ tuổi 50-60, 1/3 đảng viên trên 60 tuổi và chỉ duy nhất 1 đảng viên 31 tuổi. Việc chi bộ vừa ít đảng viên lại phần đông là đảng viên cao tuổi đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác lãnh đạo cũng như việc triển khai các nghị quyết của chi bộ, đảng bộ.

Không thể phủ nhận thực trạng “già hóa” đảng viên nhất là ở khu vực nông thôn đang ngày một tăng. Ở nhiều chi bộ, đảng bộ, độ tuổi trung bình của đảng viên là trên 50, thậm chí trên 60 và đảng viên cao tuổi luôn chiếm phần đông. Tại Đảng bộ xã Lý Trạch (Bố Trạch), đảng viên từ 18-35 tuổi chiếm 12%, trong khi đó đảng viên trên 50 tuổi chiếm 50% và trên 60 tuổi chiếm 38%. Đảng bộ xã Hiền Ninh (Quảng Ninh), đảng viên trên 50 tuổi chiếm 70,8%, đảng viên từ 35-50 tuổi chiếm 16,5% và dưới 35 tuổi chỉ vẻn vẹn 12,7%. Đảng bộ xã Quảng Thanh (Quảng Trạch), số đảng viên có tuổi đời dưới 35 chỉ chiếm khoảng 20% nhưng trên 35 tuổi lại chiếm đến 80%...

Mặt tích cực của đội ngũ đảng viên cao tuổi là có lập trường chính trị vững vàng, luôn giữa được sự đoàn kết, gắn bó giữa Đảng với dân, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Nhưng cũng cần nhìn thẳng vào thực tế rằng, đa phần đảng viên cao tuổi lại thiếu sự nhạy bén, linh hoạt trong lãnh đạo trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Do đó, việc bổ sung đội ngũ đảng viên trẻ sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, góp phần thực hiện hiệu quả bài toán phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới ở khu vực nông thôn hiện nay.

Đ.V

Bài 2: Tìm hướng tháo gỡ