.

Đảng bộ xã Hải Ninh: Củng cố niềm tin của dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội

Thứ Sáu, 14/10/2016, 09:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Trở lại xã biển Hải Ninh (Quảng Ninh) vào những ngày này, có thể nhận thấy cuộc sống của người dân nơi đây đang dần đi vào ổn định. Người dân luôn tin vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền nơi đây.

Những khuyết điểm, hạn chế

Thời gian vừa qua, hiện tượng cá chết hàng loạt ở các địa phương ven biển, trong đó có xã Hải Ninh do sự cố môi trường biển làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân nơi đây. Lợi dụng tình hình này, một số kẻ xấu đã kích động người dân tụ tập, gây rối trật tự công cộng và cản trở việc triển khai dự án quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và gải trí cao cấp FLC (gọi tắt là dự án FLC) trên địa bàn xã.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Lê Văn Khởi, Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh thẳng thắn cho biết: Để xảy ra tình trạng trên, ngoài nguyên nhân do sự cố môi trường biển thì nguyên nhân chủ quan là do sự lãnh đạo thiếu kịp thời của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương trong công tác vận động, tuyên truyền người dân khiến kẻ xấu có cơ hội lợi dụng.

Tuy nhiên, cũng theo ông Khởi, Hải Ninh là xã vùng biển nên công tác vận động, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho người dân trong thời gian qua gặp không ít khó khăn.

Là xã nghèo, đa số người dân Hải Ninh đều theo nghề biển, trình độ dân trí và nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho công tác vận động và phát triển nguồn đảng viên có trình độ, chất lượng cao ở cơ sở gặp nhiều thách thức. Toàn xã Hải Ninh hiện có 176 đảng viên sinh hoạt ở 10 chi bộ trực thuộc, trong đó 5 chi bộ nông thôn, 3 chi bộ trường học, 1 chi bộ chính quyền xã và 1 chi bộ trạm y tế. Dù địa bàn rộng, dân số đông nhưng số lượng đảng viên ở Hải Ninh còn tương đối thấp.

Ông Lê Văn Khởi cho biết, với đặc thù là xã biển nên đa số người dân đều đi đánh bắt dài ngày, một số khác thì đi làm ăn xa nên rất khó tìm nguồn để phát triển đảng viên mới. Bên cạnh đó, cuộc sống của nhiều người dân còn khó khăn nên đa số đều có tư tưởng chỉ muốn dành thời gian để phát triển kinh tế mà không muốn gánh thêm trách nhiệm khi đã vào Đảng.

Điều này khiến việc kết nạp đảng viên hàng năm ở các chi bộ nông thôn còn chưa hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Công tác tuyên truyền chưa kịp thời, lực lượng đảng viên ở cơ sở mỏng, chất lượng dân trí thấp là những nguyên nhân khiến tình hình an ninh, chính trị của xã Hải Ninh thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

Đổi mới để ổn định và phát triển kinh tế

Ông Lê Văn Khởi cho biết: sau sự cố môi trường biển và hiểu lầm của người dân đối với dự án FLC, Đảng ủy và chính quyền xã Hải Ninh đã nhanh chóng, kịp thời có những hướng đi nhằm ổn định tình hình, giúp nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Trên cơ sở này, xác định vai trò quan trọng của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, Đảng ủy xã đã giao Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Mặt trận xã nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương của tỉnh về dự án FLC đến từng cá nhân, gia đình người dân; vận động hội viên không tụ tập, tham gia biểu tình gây cản trở dự án FLC; phối hợp với Thường trực HĐND, UBND giải quyết kịp thời những đơn thư kiến nghị của nhân dân liên quan đến dự án FLC.

Bên cạnh đó, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể đã phối hợp với Ban cứu trợ xã tổ chức tiếp nhận và cấp phát tiền, hàng cứu trợ đến tận tay từng người dân. Sau khi được tuyên truyền và vận động, hầu hết người dân đã đồng tình ủng hộ và mong muốn dự án FLC sớm triển khai thực hiện trở lại.

Với 80% dân số làm nghề biển, nên việc ảnh hưởng của sự cố ô nhiễm môi trường biển khiến hầu hết ngư dân trong xã không thể đánh bắt gần bờ. Nhiều tàu công suất lớn từ 33CV trở lên đánh bắt xã bờ cũng bị thương lái ép giá. Nhiều người buộc phải rời quê đi làm ăn xa.

Để ổn định tình hình và giúp người dân ổn định cuộc sống, Đảng ủy, chính quyền xã Hải Ninh một mặt khuyến khích ngư dân tập trung khai thác, đánh bắt xa bờ và tìm thị trường tiêu thụ; mặt khác vận động người dân sớm chuyển đổi một số ngành nghề phù hợp với điều kiện của địa phương trong thời gian chờ môi trường biển trở lại như trước, như kêu gọi người dân mở rộng diện tích nuôi cá nước ngọt, tăng cường phát triển chăn nuôi, tối thiểu mỗi hộ gia đình nuôi từ 1-2 con lợn, duy trì và mở rộng diện tích trồng cây khoai lang lấy củ...

Thực tế thời gian qua, một số hộ dân bước đầu đã tiến hành chủ động chuyển đổi kinh tế một số ngành nghề, cụ thể: 14 hộ ngư dân đăng ký tham gia mô hình điểm trồng cây sắn dây với tổng cộng 100 khóm, đến nay, cây sắn dây đang phát triển tốt, dự tính đến tháng 2-2017, sẽ cho thu hoạch; 28 hộ dân đã đăng ký học lớp tập huấn nuôi ong lấy mật...

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, việc chuyển đổi nghề gặp khó khăn bởi quỹ đất để họ tham gia phát triển kinh tế hầu như là con số không. Chính vì vậy, để tạo điều kiện cho ngư dân có thêm quỹ đất để chuyển đổi ngành nghề, ông Lê Văn Khởi cho biết: thời gian tới, sau khi nhận 401 ha diện tích đất từ Ban quản lý Lâm trường 5 Quảng Bình, xã sẽ tiến hành bàn giao và cấp đất cho tất cả các hộ dân trong xã. Bên cạnh đó, Đảng ủy và chính quyền xã sẽ tiến hành rà soát, bồi thường thiệt hại cho ngư dân để họ yên tâm phát triển kinh tế.

Có thể nói, sự cố môi trường biển thời gian qua đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nhiều người dân ở các địa phương ven biển. Đối với xã nghèo có 80% ngư dân làm nghề đi biển như Hải Ninh thì đây là thiệt hại vô cùng lớn. Với sự quan tâm và lãnh đạo kịp thời của Đảng ủy và chính quyền xã Hải Ninh và các cấp, người dân Hải Ninh càng được củng cố thêm niềm tin để yên tâm sản xuất và phát triển kinh tế.

Đ.Nguyệt