.

Áo xanh tình nguyện giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt

Thứ Bảy, 22/10/2016, 16:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày sau đợt mưa lũ, màu áo xanh tình nguyện của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) xuất hiện ở khắp các xóm làng, góc phố để giúp người dân dọn dẹp nhà cửa, trường học và các công trình công cộng. Cũng từ chiếc cầu nối của những bạn trẻ này, hàng ngàn phần quà của các nhà hảo tâm đã đến với người dân vùng lũ.

Dọn dẹp vệ sinh môi trường

Xã Quảng Tiên (thị xã Ba Đồn) là một trong những xã chịu hậu quả nặng nề của đợt mưa lũ vừa qua. Những ngày đầu sau khi nước lũ vừa rút, bùn lầy dày đặc từng lớp bám lấy toàn bộ nhà cửa, trường lớp, đồ dùng của người dân nơi đây. Nhiều người dân Quảng Tiên chỉ còn biết thở dài khi vừa bị lũ cuốn mất tài sản, lại phải đối diện với những ngổn ngang chồng chất sau lũ.

Chỉ sau đó một hai ngày, hàng chục thanh niên tình nguyện với màu áo xanh truyền thống đã có mặt. Nhóm thì dọn dẹp đồ đạc, nhóm dọn bùn, đoàn lại đắp đất, khơi thông cống rãnh. Những mái nhà xiêu vẹo, những ngôi trường dày đặc bùn lầy, bàn ghế nằm chỏng chơ hư hỏng đều được các "chiến sĩ" tình nguyện dọn dẹp sạch sẽ.

Đoàn viên thanh niên tham gia dọn dẹp vệ sinh tại Trường tiểu học Phù Hóa (Quảng Trạch).
Đoàn viên thanh niên tham gia dọn dẹp vệ sinh tại Trường tiểu học Phù Hóa (Quảng Trạch).

Anh Trần Quốc Tuấn, TUV, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, để kịp thời khắc phục hậu quả lũ lụt, ngay sau khi nước lũ rút, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã phát động các tổ chức Đoàn và ĐVTN trong toàn tỉnh tình nguyện tham gia khắc phục hậu quả thiên tai. Đã có hơn 45.000 lượt ĐVTN trực tiếp về vùng ngập lụt để giúp người dân dọn dẹp, tu sửa nhà cửa, trường học, trạm y tế, chợ và đường giao thông nông thôn... Đoàn thanh niên các cấp đã thành lập 120 đội hình tình nguyện với 2.500 ĐVTN tập trung bám các địa bàn bị thiệt hại nặng do lũ lụt gây ra để kịp thời hỗ trợ bà con nhân dân.

Ở thị xã Ba Đồn, mặc dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng sau khi mưa lũ đi qua, cảnh tượng để lại đều khiến ai cũng phải xót xa khi toàn thị xã chìm ngập trong nước lũ, người dân bị thiệt hại nặng nề. Đặc biệt là các xã vùng Nam và những xã nằm dọc sông Gianh. Để giúp dân khắc phục hậu quả, Thị đoàn Ba Đồn đã huy động hơn 3.000 lượt ĐVTN tập trung dọn vệ sinh nhà dân và các điểm công cộng, đặc biệt ưu tiên cho các trường học trên địa bàn để các em tiếp tục cắp sách tới trường, bảo đảm chương trình học không bị gián đoạn. Rất nhiều ĐVTN có gia đình cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mưa lũ nhưng vẫn xung phong tham gia tình nguyện giúp dân dọn dẹp nhà cửa.

“Thị đoàn đã huy động ĐVTN các địa phương đến các hộ dân bị ngập nặng để ứng cứu sau lũ với phương châm nước rút đến đâu chúng tôi tập trung khắc phục đến đó, lúc nào bảo đảm trường lớp sạch sẽ, nhân dân ổn định cuộc sống mới thôi”, chị Trần Thị Tuyết Lan, Phó Bí thư Thị đoàn Ba Đồn chia sẻ.  

Bà Nguyễn Thị Liên, ở xã Quảng Tiên cho biết, đợt mưa lũ vừa rồi, nhà bà bị ngập gần hết. Trong nhà, ngoài sân bùn đất xếp chồng từng lớp, đồ đạc thì nằm chỏng chơ khắp nhà. Hai mẹ con bà đang không biết phải làm thế nào vì mấy đứa lớn đều đi làm ăn xa. May sao có các ĐVTN tình nguyện đến dọn dẹp cây cối, sắp xếp lại đồ đạc và rửa trôi bùn đất cho. “Tôi quặn lòng khi vì toàn bộ tài sản đã bị mất sạch, nhà cửa, vườn tược không biết khi nào mới khôi phục lại. Nhưng được sự chia sẻ, quan tâm của các bạn trẻ, tôi cảm thấy rất ấm lòng”, bà Liên chia sẻ.

Cầu nối của những tấm lòng

Không chỉ huy động ĐVTN giúp dân dọn dẹp, gia cố nhà cửa, tu sửa các tuyến đường giao thông, kênh mương thủy lợi bị sạt lở, xói mòn, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh còn là cầu nối để các đoàn tình nguyện về chia sẻ và giúp đỡ bà con nhân dân vượt qua khó khăn.

Công việc chính của các cơ sở Đoàn là kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hướng về bà con vùng lũ.  Đây cũng là nơi sẽ tiếp nhận hàng cứu trợ của các nhà hảo tâm, sau đó lên danh sách những hộ gia đình cần được hỗ trợ và cuối cùng là cử ĐVTN cùng đi với các đoàn tình nguyện về tận nhà của dân để trao quà.

“Những ngày này, hầu như ngày nào anh em chúng tôi đều đi cùng đoàn cứu trợ về trao quà cho bà con, có nhiều lúc một ngày đi đến 3-4 chuyến không có thời gian để nghỉ, cơm cũng không kịp ăn. Ai cũng mệt nhưng vui vì chúng tôi có thể chia sẻ phần nào khó khăn cùng với bà con”, anh Trần Quốc Tuấn, Bí thư Tỉnh đoàn Tuấn tâm sự.

Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Bí thứ Tỉnh Đoàn trao quà cho bà con nhân dân bản Rào Con, xã Sơn Trạch (Bố Trạch).
Đồng chí Trần Quốc Tuấn, TUV, Bí thư Tỉnh đoàn trao quà cho bà con nhân dân bản Rào Con, xã Sơn Trạch (Bố Trạch).

Đến thời điểm này, tổ chức Đoàn đã nỗ lực kêu gọi sự chung tay, góp sức của đồng bào cả nước, hỗ trợ cả nhân lực và vật lực giúp người dân vùng lũ với số tiền hơn 9,2 tỷ đồng. “Chắc chắn rằng tiền và hàng hóa để hỗ trợ bà con sẽ không chỉ dừng lại ở con số 9,2 tỷ đồng, vì trong thời gian tới, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân, những nhà hảo tâm trong và ngoài nước hướng về người dân vùng lũ nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống”, anh Tuấn cho biết thêm.

Theo anh Trần Quốc Tuấn, khi lũ vừa rút, Tỉnh đoàn đã ngay lập tức kết nối với một số đơn vị để đưa hàng về cứu trợ khẩn cấp cho người dân. Như đợt lũ vừa qua, nước vừa rút thì một ngày sau đó, Tỉnh đoàn đã kết nối với Báo Tuổi Trẻ đưa khẩn cấp 700 phần quà gồm nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn, nước mắm về cho người dân các xã Liên Trạch (Bố Trạch) và Châu Hóa, Kim Hóa (Tuyên Hóa). Niềm vui của người dân vùng lũ khi nhận được những phần quà cứu trợ khẩn cấp này cũng chính là niềm vui của các cán bộ đoàn.

Bà Nguyễn Lạc, 74 tuổi, ở thôn Cao Cảnh, xã Cao Quảng rất vui sau khi nhận quà của Báo Tuổi Trẻ.
Bà Nguyễn Lạc, 74 tuổi, ở thôn Cao Cảnh, xã Cao Quảng rất vui sau khi nhận quà của Báo Tuổi Trẻ.

Bà Nguyễn Lạc, ở thôn Cao Cảnh, xã Cao Quảng (Tuyên Hóa) đã không giấu nổi niềm vui khi nhận quà hỗ trợ trị giá 1 triệu đồng từ Tỉnh đoàn và Báo Tuổi Trẻ trao tặng. Bà cho hay, mưa lũ đã cuốn đi của gia đình bà mọi thứ từ lúa gạo, quần áo và cả những vật dụng trong nhà. “Tui biết ơn Tỉnh đoàn và Báo Tuổi trẻ nhiều lắm. Cũng nhờ các cán bộ Tỉnh đoàn mà những người dân ở vùng sâu, vùng xa như tui được các nhà hảo tâm biết đến và chia sẻ”, bà Lạc nói.

Những hoạt động có ý nghĩa của tuổi trẻ toàn tỉnh đã phần nào giúp người dân khắc phục khó khăn sau thiên tai, sớm ổn định cuộc sống. Tin rằng, màu áo xanh tình nguyện của tuổi trẻ sẽ luôn sát cánh cùng nhân dân, các hoạt động hướng về cộng đồng sẽ được tổ chức thường xuyên và phát huy hiệu quả nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Lan Chi