.

Những ngôi nhà của sự sẻ chia

Thứ Tư, 31/08/2016, 06:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Với những người lao động nghèo, số tiền lương hàng tháng ít ỏi mà họ vất vả kiếm được cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày. Ước mơ về một ngôi nhà kiên cố, khang trang dường như là điều quá xa vời với họ. Nhằm giúp những người lao động nghèo có được ngôi nhà của riêng mình, chương trình “Mái ấm công đoàn” ra đời đã biến ước mơ của nhiều lao động nghèo trở thành hiện thực.

Dù đã bước qua tuổi 47 và có 19 năm liền làm công nhân của Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng 1-5 Quảng Bình, thế nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên chị Bùi Thị Nành vẫn không thể tích cóp được đồng vốn nào để xây dựng một ngôi nhà cho riêng mình.

Chị cho biết: Hai vợ chồng chị lấy nhau đã lâu, nhưng do anh  thường xuyên đau ốm nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Bốn năm trước, chồng chị không may bị tai nạn và qua đời. Gia cảnh khó khăn giờ lại càng chồng chất khó khăn. Với số tiền lương 2.700.000 đồng hàng tháng của chị cũng không đủ để trang trải tiền ăn, tiền học của hai đứa con trai thì nói gì đến việc dành dụm xây nhà. Trong ngôi nhà nhỏ chật hẹp của chị, dường như không có một đồ vật gì có giá trị. Thứ giá trị với chị thì cũng chẳng còn lành lặn.

Chiếc tủ đựng áo quần cũ kỹ đã mất một cánh cửa, nồi cơm điện thì quá cũ và một cái bếp ga mà theo chị chẳng có khi nào dùng đến vì không có bình gas. Phía trên mái nhà được che một tấm bạt lớn vì phần ngói đã bể nhiều nên mùa hè thì rất nóng còn mua mưa thì dột khắp nơi. Chị cho biết, ngôi nhà này chị mua lại của xí nghiệp cũ khi chưa sát nhập với giá 900.000 đồng cách đây đã 19 năm.

Nhờ có Quỹ “Mái ấm công đoàn” hỗ trợ, ước mơ về một ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Phương Lan đã trở thành hiện thực.
Nhờ có Quỹ “Mái ấm công đoàn” hỗ trợ, ước mơ về một ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Phương Lan đã trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, hiện tại phần đất mà chị đang ở lại thuộc về xã Thuận Đức, vì diện tích quá nhỏ nên chị không thể làm được thẻ đỏ. Chị tâm sự: Hoàn cảnh khó khăn, vất vả, đến miếng ăn nhiều khi còn lo chưa xong nên chị cũng không dám mơ về một ngôi nhà cho mình.

Thế nhưng, cách đây mấy tháng, chị nhận được tin vui khi Quỹ “Mái ấm công đoàn” của Liên đoàn lao động tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng để xây dựng nhà. Chị kể: “Lúc nghe tin, tui mừng lắm. Ước mơ cả đời không dám nghĩ đến giờ cũng đã trở thành hiện thực”. Hiện tại, nhờ sự giúp đỡ của mọi người xung quanh, chị đã xây hoàn thiện xong phần thô. Ngôi nhà tuy nhỏ nhưng chị cảm thấy rất vui và hạnh phúc.

Dẫn chúng tôi đến ngôi nhà đang sắp sửa hoàn thành của mình, chị Nguyễn Thị Lan Phương (SN 1977), đang làm việc ở UBND xã Thuận Đức không giấu được niềm vui mừng tâm sự: Khi được Quỹ “Mái ấm công đoàn” hỗ trợ 30 triệu đồng, chị đã rất vui mừng và bàn với chồng vay mượn thêm để xây một ngôi nhà cao ráo và rộng rãi.

Cũng có hoàn cảnh khó khăn, chị Nguyễn Thị Phương Lan là lao động chính trong gia đình có 5 người. Chồng chị sau nhiều năm đi làm ăn xa nhưng không tìm được công việc làm ổn định phải trở về nhà, 3 đứa con chị lại đang tuổi ăn tuổi học nên chị cũng không có đồng tiền dư giả nào để tiết kiệm. Cả 5 người trong gia đình chị phải ở trong ngôi nhà nhỏ thấp, nóng của ông bà ngoại cho. Dù đã nhiều lần vay mượn tu sửa nhưng ngôi nhà quá cũ nên việc tu sửa cũng không cải thiện được gì nhiều.

Chị cho biết, chỉ vài tháng nữa thôi cả gia đình chị sẽ dọn qua ngôi nhà mới và không phải chịu cảnh chật chội, nóng bức này nữa. Chị cũng vui mừng chia sẻ thêm, qua nhà mới, chị sẽ cố gắng mở thêm tạp hóa nhỏ để anh ở nhà buôn bán phụ giúp thêm kinh tế với chị.

Có thể nói, có đi đến và chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn của những người lao động nghèo như chị Nành, chị Lan mới cảm nhận được hết ý nghĩa của chương trình “Mái ấm công đoàn” đã mang lại cho họ. Đó không chỉ là một ngôi nhà nhỏ vững chãi mà đó còn là nơi để những người lao động có hoàn cảnh khó khăn được “an cư” và bắt đầu “lạc nghiệp”. 

Tháng 11-2006, Qũy “Mái ấm công đoàn” do Tổng Liên đoàn lao động phát động nhằm mục đích giúp đỡ, hỗ trợ những đoàn viên, công nhân, viên chức lao động nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát hoặc hư hỏng cải thiện được điều kiện nhà ở. Đây là một chương trình an sinh xã hội thực sự có ý nghĩa lớn vì đã đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của người lao động nghèo. Đồng thời thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp đỡ nhau trong việc chăm lo nhà ở cho đoàn viên, công nhân, viên chức lao động.

Ở tỉnh ta, sau khi được triển khai thực hiện, theo Liên đoàn lao động tỉnh, chương trình “Mái ấm công đoàn” đã hỗ trợ xây dựng hàng nghìn ngôi nhà cho những người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2015, Liên đoàn lao động tỉnh đã hỗ trợ tiền xây nhà cho 69 trường hợp với tổng số tiền lên đến 1.438.000.000 đồng; 7 tháng đầu năm 2016 là 45 trường hợp, với số tiền 1.190.000.000 đồng. Trong thời gian tới, Liên đoàn lao động tỉnh tiếp tục vận động các cấp công đoàn chung tay xây dựng, đóng góp cho Quỹ “Mái ấm công đoàn”, từ đó giúp người lao động hiện thực hóa được giấc mơ của mình.

Đ.Nguyệt