.

Ngời sáng phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ"

Thứ Tư, 17/08/2016, 08:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau những năm tháng lăn lộn với sự khốc liệt của chiến tranh, cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, họ trở về địa phương, xây dựng gia đình, sống cuộc đời bình lặng của những người nông dân chất phác. Điều đáng quý ở những con người ấy chính là luôn giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, sống hết mình vì làng xóm, cộng đồng. Bằng chứng là mặc dù cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn nhưng vợ chồng người cựu chiến binh già ấy đã không ngần ngại hiến 500m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Chúng tôi đang muốn nói đến vợ chồng ông Hoàng Công Xoan và bà Bùi Thị Lời (Lộc Ninh, TP. Đồng Hới).

Quá khứ hào hùng

Về thôn 6 xã Lộc Ninh, hỏi vợ chồng cựu chiến binh Hoàng Công Xoan-Bùi Thị Lời dường như không ai là không biết. Chính quá khứ hào hùng cùng lối sống đậm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, hết mình vì làng xóm, cộng đồng đã khiến vợ chồng ông “nổi tiếng” như thế. Được sự chỉ dẫn tận tình của bà con trong thôn, chúng tôi tìm được nhà họ không mấy khó khăn.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp bốn đơn sơ nhưng ngăn nắp, giản dị, ông bà tự hào kể về những năm tháng vào sinh ra tử nơi chiến trường cũng như tâm nguyện cống hiến những gì có thể cho sự phát triển chung của quê hương.

Sinh năm 1942, vốn nung nấu trong tim lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, chàng thanh niên Hoàng Công Xoan sớm lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, được biên chế vào Tiểu đoàn 45, thuộc Tỉnh đội Quảng Bình. Ban ngày, bộ đội tiểu đoàn cùng người dân Vĩnh Linh tăng gia sản xuất, đêm đến ngụy trang bơi qua sông Thạch Hãn đánh giặc ở khu vực Thành cổ Quảng Trị. Người dân nơi đây thường gọi đơn vị bằng cái tên “Đội quân ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”.

Tháng 7-1968, trong một trận chiến đấu ác liệt với quân giặc, mặc dù tương quan lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch, nhưng đơn vị ông Xoan đã chiến đấu dũng cảm, nhiều đồng chí hy sinh. Hoàng Công Xoan bị thương, sau đó được đưa ra huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An điều trị. Năm 1970, ông xây dựng gia đình với bà Bùi Thị Lời, một thanh nữ nết na, tháo vát và tràn đầy nhiệt huyết với lý tưởng cách mạng ở cùng xã.

Với vợ chồng CCB Hoàng Công Xoan-Bùi Thị Lời, được đóng góp để tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển quê hương là niềm vui lớn lao.
Với vợ chồng CCB Hoàng Công Xoan-Bùi Thị Lời, được đóng góp để tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển quê hương là niềm vui lớn lao.

“Tháng 6-1962, khi đang học cấp 3, tui giấu mẹ gia nhập lực lượng thanh niên xung phong để được tham gia phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu. Do mới tuổi 14, vóc người lại nhỏ, nên chỉ huy đơn vị thanh niên xung phong không nhận và trả về địa phương.

Tui nằng nặc xin ở lại đơn vị và nói: “Nếu cháu không được ở đơn vị này thì cháu sẽ tìm đến đơn vị khác, chứ cháu nhất quyết không về nhà!” Trước sự quyết tâm đó, đồng chí đại đội trưởng đành chấp nhận cho tui ở lại và phân công nhiệm vụ trực phòng không”, bà Lời chia sẻ. Hai ông bà nên duyên vợ chồng, cùng động viên nhau quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ, tôi luyện tinh thần bền bỉ, kiên cường để cùng đồng đội đánh thắng ngoại xâm.

Thế nhưng đến năm 1971 vì lý do sức khỏe, thượng sĩ Hoàng Công Xoan phục viên, trở về địa phương. Với bản tính siêng năng, cần cù, tinh thần trách nhiệm cao, mặc dù sức khỏe yếu nhưng ông Xoan vẫn làm việc hết mình, tích cực tham gia vào các hoạt động ở địa phương và được cấp trên tin tưởng giao phụ trách đội sản xuất Sơn Tràng. Năm 1990, do vết thương cũ và bệnh sốt rét tái phát, sức khỏe giảm sút, ông phải nghỉ làm việc để điều trị.

Còn bà Lời, năm 1966, khi đơn vị đang làm đường ở Cà Tang, huyện Minh Hóa để gấp rút mở tuyến huyết mạch giao thông phục vụ cho tiền tuyến thì máy bay địch tập trung ném bom ác liệt. Bà cùng 44 đồng chí bị thương, còn 2 đồng chí hy sinh. Bà được đưa về Bệnh viện 14, đóng trên tuyến đường 12A để điều trị.

Sau khi vết thương lành, bà Lời được cấp trên cho đi học lớp y sĩ và tiếp tục phục vụ trong quân đội. Tháng 3-1969, đơn vị cử bà sang công tác tại các tỉnh Trung Lào để chữa trị cho bộ đội và nhân dân bị nhiễm chất độc hóa học. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bên nước bạn, tháng 10-1969, bà trở về công tác ở Bệnh viện 14. Tháng 10-1970, khi lãnh đạo chính quyền địa phương đến tận đơn vị xin cho bà trở về quê vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, mẹ ốm nặng, đơn vị cho bà ra quân.

“Hiến đất làm đường là được chứ không hề mất!”

Vợ chồng cựu chiến binh Hoàng Công Xoan, Bùi Thị Lời đã nghĩ như thế khi quyết định hiến 500m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, góp phần giúp địa phương sớm đẩy nhanh việc hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới. Dẫn chúng tôi đi thăm con đường liên thôn thoáng đãng, rộng rãi, được bê tông phẳng lì, ông Xoan không giấu nổi sự vui mừng, phấn khởi vì một phần đóng góp của vợ chồng ông đã góp phần giúp bà con thoát khỏi cảnh “lội bùn về mùa mưa, hứng bụi về mùa nắng”.

Nghĩa cử cao đẹp của ông Xoan, bà Lời khiến không ít người cảm phục và sự cảm phục ấy càng nhân lên khi biết được hoàn cảnh hiện tại của ông bà. Rời quân ngũ trở về địa phương, cựu chiến binh Hoàng Công Xoan mang theo cả nhiều di chứng của chiến tranh. Những vết thương trên cơ thể ông cứ nhức nhối mỗi khi “trái gió”, lại thêm căn bệnh tiểu đường đã ăn mòn sức khỏe của ông trông thấy.

Cuộc sống của gia đình ông vốn dĩ gặp nhiều khó khăn nay lại càng chật vật hơn khi gánh nặng thuốc thang, bệnh tật chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp chế độ thương bệnh binh của ông và đồng lương quét rác ít ỏi của bà.

Năm người con của ông bà đều đã có gia đình riêng, cuộc sống cũng nhiều thiếu thốn nên không thể giúp được nhiều cho cha mẹ. Khó khăn là thế nhưng ông bà luôn sống vui vẻ, lạc quan và đóng góp hết sức mình cho quê hương, làng xóm. Biết chủ trương xây dựng nông thôn mới của xã, ông bà không chỉ hào phóng hiến đất mà còn tích cực vận động bà con trong thôn, xóm cùng chung tay góp công, góp sức, góp của để giúp địa phương sớm hoàn thành mục tiêu.

Chia tay vợ chồng cựu chiến binh Hoàng Công Xoan, Bùi Thị Lời, chúng tôi nhớ mãi lời bộc bạch chân thành của họ: “Góp chút công sức để có được những tuyến đường mới đẹp đẽ, kiên cố hơn cho mọi người và chính mình thụ hưởng thì “dại” gì mà không đóng góp. Mình nghèo hoàn cảnh, nghèo tiền bạc chứ không nghèo tấm lòng, nhất là tấm lòng với quê hương, với bà con, làng xóm”.

Chính họ, với tấm lòng đôn hậu, với phẩm chất cao quý của người lính Cụ Hồ, đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương trong giai đoạn mới.

Đ.V