.
Chào mừng Đại hội Hội LHPN huyện Quảng Ninh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2016-2021:

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh

Thứ Tư, 17/08/2016, 09:09 [GMT+7]

(QBĐT) - 5 năm qua, Hội LHPN huyện Quảng Ninh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở, đẩy mạnh phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội cả về bề rộng lẫn chiều sâu, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hội viên, phụ nữ... góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Một trong những kết quả nổi bật mà Hội LHPN huyện Quảng Ninh đạt được trong nhiệm kỳ 2011-2016 là tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội. Hội LHPN huyện đã hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, đa dạng hoá các hình thức tập hợp thu hút hội viên, xây dựng và phát triển các mô hình từ thực tiễn phong trào ở cơ sở.

Xác định việc nâng cao chất lượng tổ chức Hội và đội ngũ cán bộ Hội cơ sở là khâu đột phá, là nhiệm vụ then chốt trong công tác xây dựng Hội vững mạnh, Hội LHPN huyện luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội; tổ chức 19 lớp tập huấn cho 100% cán bộ Hội từ tổ trở lên, đạt tỷ lệ 91%.

Đến nay, cán bộ Hội cấp huyện 100% đồng chí có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên (tăng 20%), cấp cơ sở 93% đồng chí có trình độ chuyên môn đại học (tăng 13,3%). Để thu hút phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội, nhất là các đối tượng nữ thanh niên, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp Hội đã xây dựng được 25 mô hình tập hợp hội viên, phát triển mới 1.641 hội viên, đưa tỷ lệ thu hút hội viên đạt 86,3% hội viên (nghị quyết 86%). Hiện nay, toàn huyện có 129 chi hội, 399 tổ phụ nữ, bảo đảm không có thôn, bản trắng chi hội, tổ phụ nữ...

Đại diện lãnh đạo Hội LHPN huyện Quảng Ninh tặng giấy khen biểu dương các phụ nữ điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua giai đoạn 2010-2015.
Đại diện lãnh đạo Hội LHPN huyện Quảng Ninh tặng giấy khen biểu dương các phụ nữ điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua giai đoạn 2010-2015.

Thực hiện Chỉ thị 03- CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hội LHPN huyện đã hướng dẫn 100% đơn vị triển khai các chuyên đề học tập hàng năm thu hút 39.764 lượt hội viên phụ nữ; 100% Hội cơ sở triển khai việc xây dựng điển hình tập thể và cá nhân tiên tiến trên các lĩnh vực, đồng thời phát động phong trào làm theo gương Bác với nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, nhất là mô hình tiết kiệm qua hình thức “Hũ gạo tình thương”, “Ống tiền tiết kiệm” giúp cho phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Kết quả đã vận động 257,27 triệu đồng và 12,5 tấn gạo giúp 1.928 phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, các cấp Hội chú trọng công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường. Kết quả có trên 80% phụ nữ nghèo và 100% phụ nữ nghèo làm chủ hộ được Hội giúp đỡ với nhiều hình thức và có 30% phụ nữ nghèo được giúp thoát nghèo.

Ngoài ra, các cấp Hội đã vận động phụ nữ hưởng ứng phong trào “Giúp nhau phát triển kinh tế” về vốn, giống cây, giống con, vật tư phân bón, ngày công lao động trị giá hàng chục tỷ đồng cho 4.579 lượt phụ nữ. Hoạt động của các nhóm tiết kiệm - tín dụng tiếp tục được duy trì, phát huy có hiệu quả và thực sự trở thành “bà đỡ” cho nhiều hội viên phụ nữ trong huyện vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.

Đến nay, toàn huyện có 795 nhóm tiết kiệm - tín dụng các loại với 24.073 lượt thành viên/100% chi hội, 85% hội viên tham gia. Hoạt động khai thác và quản lý các nguồn vốn được mở rộng về quy mô, chuyên nghiệp và chất lượng, với tổng nguồn vốn Hội quản lý 173 tỷ đồng, cho 18.431 lượt phụ nữ vay.

Đi đôi hỗ trợ vốn vay, các cấp Hội đã tổ chức 186 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, kỹ năng kinh doanh cho 6.706 phụ nữ, 34 lớp đào tạo nghề cho 1.013 phụ nữ... Đồng thời chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm phát triển kinh tế hiệu quả như: mô hình trồng rau chuyên canh, rau má, mướp đắng, dưa các loại, trồng mè, trồng hoa, chăn nuôi tổng hợp, nuôi ong lấy mật... Đến nay toàn huyện có 256 mô hình,  trong đó có 72 mô hình có thu nhập từ 100 - 900 triệu đồng/năm.

Xác định rõ vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình, các cấp Hội đã triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa”, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”... Đặc biệt, phong trào “Phụ nữ Quảng Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được cụ thể hóa bằng các tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Phong trào triển khai kịp thời, với những mô hình, việc làm thiết thực, cụ thể, đã phát huy nội lực, tinh thần trách nhiệm các tầng lớp phụ nữ, đóng góp vào nhiệm vụ giảm nghèo và xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Các cấp Hội đã vận động cán bộ, hội viên đóng góp tiền, ngày công, tài sản trên đất để xây dựng các công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, trường học, san mặt bằng xây dựng nhà văn hóa, đóng góp tiền lắp điện sáng ở các trục đường,... trị giá 17,64 tỷ đồng và 12.347 ngày công lao động. 

Các cấp Hội còn phối hợp với các ban, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền giáo dục kiến thức về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản, phòng chống tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; truyền thông dinh dưỡng cho 16.058 ông bố, bà mẹ có con dưới 16 tuổi đạt tỷ lệ 82,6%;  tổ chức các hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện VSATTP vì sức khoẻ gia đình và cộng đồng”, Tháng hành động “Vì chất lượng vệ sinh ATTP”  Tuần lễ vệ sinh môi trường, triển khai lồng ghép các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em,.. góp phần nâng cao sức khỏe, bảo vệ môi trường...

Ngoài ra, để thực hiện tốt vai trò chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới, tham gia xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, các cấp Hội đã tổ chức, hướng dẫn cán bộ, hội viên phụ nữ phát huy trí tuệ, dân chủ, tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào văn kiện đại hội Đảng các cấp, các dự thảo luật, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương...

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các cấp Hội nhiệm kỳ qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế, cụ thể: Công tác tuyên truyền, giáo dục ở một số cơ sở Hội chưa được triển khai thường xuyên, hình thức còn chậm đổi mới. Phong trào thi đua và các cuộc vận động chưa đồng đều giữa các cơ sở, nhất là ở các địa bàn khó khăn. Một số cơ sở Hội chậm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chưa tạo được phong trào thi đua sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ...

Phát huy những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ mới 2016-2021,  Hội LHPN huyện Quảng Ninh tiếp tục tăng cường sự đoàn kết, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội.

Theo đó, phấn đấu có 100% cơ sở Hội tổ chức cho 90% hội viên phụ nữ được tuyên truyền nội dung, tiêu chuẩn phong trào thi đua, 83% hội viên đăng ký thực hiện phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”,  kết quả bình xét có 83% hội viên phụ nữ đạt 3 tiêu chuẩn; hàng năm, mỗi chi hội giúp ít nhất 1 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình 5 không, 3 sạch” có địa chỉ cụ thể; 80% hộ phụ nữ nghèo, 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, làm chủ kinh tế được giúp đỡ, đỡ đầu; có 85% phụ nữ trên địa bàn tham gia hoạt động hội, 80% trở lên cơ sở hội đạt vững mạnh, vững mạnh xuất sắc... Từ đó, góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đưa Quảng Ninh phát triển toàn diện và bền vững.   

Dương Thị Hồng Chuyên, Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Ninh