.

Ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành bên lề Kỳ họp thứ 2 - HĐND tỉnh khóa XVII

Thứ Sáu, 22/07/2016, 08:02 [GMT+7]

(QBĐT) - L.T.S: Bên lề Kỳ họp thứ 2-HĐND tỉnh khóa XVII, phóng viên Báo Quảng Bình đã có các cuộc trao đổi nhanh với lãnh đạo một số sở, ngành về các vấn đề nổi lên, có tác động lớn đến tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân tỉnh ta. Đây cũng là những vấn đề đang được cử tri trong tỉnh đặc biệt quan tâm.

>> Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVII thành công tốt đẹp

>> Chung sức, chung lòng vì sự phát triển của tỉnh Quảng Bình

Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ ngư dân phục hồi sản xuất

* Ông Phan Văn Khoa, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Ngay sau khi sự cố môi trường biển làm cá chết hàng loạt xảy ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đã nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT và đặc biệt sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về các giải pháp hỗ trợ sản xuất, đời sống cho ngư dân. Các đơn vị trong ngành Nông nghiệp thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, để kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý tình hình.

Có thể nói tỉnh ta là tỉnh sớm triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ kịp thời cho ngư dân trong 4 tỉnh bị sự cố môi trường biển.

Nổi bật là, UBND tỉnh đã kịp thời cấp 500 tấn gạo cho ngư dân đánh bắt hải sản, hỗ trợ 1 triệu đồng cho một tàu dưới 20CV,  hỗ trợ 20% giá trị thu mua cho các đại lý thu mua cá xa bờ...

Sở đã cử cán bộ về các địa phương ven biển, phối hợp hướng dẫn các hộ nuôi thủy sản thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết bảo đảm an toàn cho các vùng nuôi; thực hiện thu gom, tiêu hủy hải sản chết; phối hợp với ngành Công thương, Bộ đội Biên phòng, chính quyền các xã thực hiện xác nhận nguồn gốc sản phẩm hải sản khai thác xa bờ; lấy mẫu cá, nước gửi phân tích,... kịp thời thông báo rộng rãi để các địa phương định hướng chỉ đạo sản xuất khai thác, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ thủy sản và muối cũng như tiêu dùng sản phẩm thủy sản an toàn, cụ thể:

Sau khi có Quyết định 772/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ NN và PTNT, Sở đã có văn bản hướng dẫn các địa phương rà soát, đánh giá, kê khai thiệt hại và kịp thời tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí hỗ trợ của Chính phủ cho tàu cá khai thác hải sản ven bờ và vùng lộng bị ảnh hưởng do phải tạm ngừng khai thác. Cụ thể đã hỗ trợ thực hiện 3 đợt, số tiền 22,971 tỷ đồng, hỗ trợ cho 4.888 tàu khai thác ven bờ và vùng lộng không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90CV (với định mức 5 triệu đồng/tàu cho tàu cá có lắp máy và 3.500.000đ/tàu, thuyền không lắp máy). Đến nay các địa phương đã giải ngân 100% kinh phí hỗ trợ cho ngư dân.

Sở đã chỉ đạo các địa phương thống kê diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại từ 30% trở lên, tham mưu phân bổ kinh phí hỗ trợ cho các hộ nuôi (với kinh phí 9,7 tỷ đồng). Đối với tiêu thụ sản phẩm hải sản khai thác xa bờ, Sở phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng, các địa phương thực hiện xác nhận, thẩm định hồ sơ đủ điều kiện, trình UBND tỉnh phê duyệt (với kinh phí 25,8 tỷ đồng/1.852 tấn hải sản thu mua, giá trị 133,646 tỷ đồng) cho 41 doanh nghiệp, cơ sở thu mua hải sản (theo chính sách hỗ trợ 20% giá trị thu mua của tỉnh).

Về chỉ đạo khôi phục sản xuất, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, Sở đã hướng dẫn ngư dân đẩy mạnh khai thác hải sản vùng biển xa bờ, sản phẩm khai thác trên các vùng biển cách bờ 20 hải lý trở ra được cấp giấy xác nhận hải sản khai thác tại vùng biển an toàn để tiêu thụ. Đối với hải sản khai thác trong vùng biển 20 hải lý trở vào Sở chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện giám sát, thường xuyên lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, khuyến cáo ngư dân hạn chế khai thác thủy sản trong vùng này.

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Sở chỉ đạo thường xuyên theo dõi, kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi; tăng cường vệ sinh, sử dụng chế phẩm sinh học, định kỳ bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi bảo đảm sinh trưởng phát triển và phòng chống dịch bệnh; khuyến cáo người nuôi tuyệt đối không sử dụng hải sản đã chết để sử dụng dưới bất cứ hình thức nào.

Đối với những ao chưa nuôi hoặc đang nuôi trong trường hợp bắt buộc phải lấy nước biển vào ao thì lấy nước tầng mặt, lúc đỉnh triều; không cấp trực tiếp nước biển vào ao và phải thực hiện quy trình xử lý nước trước khi cấp vào ao, bể nuôi; khẩn trương thu hoạch đối với các đối tượng nuôi đạt kích thước thương phẩm để hạn chế thiệt hại.

Đối với sản xuất muối, Sở chỉ đạo diêm dân tạm dừng sản xuất cho đến khi có thông báo của cơ quan chức năng về chất lượng nước biển; khuyến cáo hộ làm muối không sản xuất muối từ nguồn nước bị ô nhiễm; thường xuyên theo dõi thông báo từ cơ quan chức năng về chất lượng nước biển để kịp thời hướng dẫn người dân tái sản xuất.

Đối với hải sản, Sở chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản thường xuyên lấy mấu phân tích các chỉ tiêu về kim loại nặng, công bố rộng rãi kết quả cho người dân, doanh nghiệp được biết để yên tâm sản xuất, thu mua, tiêu thụ hải sản.

Với sự nỗ lực của toàn ngành trong tham mưu thực hiện khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất cho người dân trong thời gian vừa qua đã góp phần ổn định tình hình, hỗ trợ các địa phương định hướng chỉ đạo sản xuất cũng như tiêu dùng sản phẩm thủy sản an toàn.

Ngày 12-7-2016 tại hội nghị của Chính phủ bàn về bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo nêu rõ hiện nay vẫn còn tồn tại lớp huyền phù, màng bám keo tụ tại các khu vực san hô, nền đá cứng và một số trầm tích dưới đáy biển. Vấn đề này sẽ được Bộ TN-MT đánh giá chính xác trong tháng 8-2016 và có giải pháp khắc phục cụ thể.

Bộ Y tế cho biết, sẽ tiếp tục lấy mẫu hải sản phân tích và tiến hành thử nghiệm độc tính trên hải sản tươi sống để đánh giá mức độ độc tính của tác nhân độc hại. Công bố chất lượng hải sản cho 4 tỉnh bị ảnh hưởng; khảo sát thực trạng và đánh giá tác động đến sức khỏe người dân địa phương và đề xuất các biện pháp kiểm soát xử lý.

Tr.T (thực hiện)

Nỗ lực đổi mới để chăm lo sức khỏe nhân dân

* Ông Nguyễn Đức Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế

Những năm gần đây, ngành y tế tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị bệnh ở các tuyến. Hệ thống y tế ngày càng được củng cố, mở rộng, đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ...Từ đó đã tạo được những bước đột phá cả về chất và lượng trong công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Cán bộ y tế đang thực hiện khám, cấp thuốc, tư vấn sức khỏe tại cộng đồng cho người dân.
Cán bộ y tế đang thực hiện khám, cấp thuốc, tư vấn sức khỏe tại cộng đồng cho người dân.

Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh luôn là nhiệm vụ được ngành hết sức chú trọng. Nhờ vậy, dù các loại dịch bệnh nguy hiểm diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước song ở tỉnh ta dịch bệnh luôn được kiểm soát và khống chế kịp thời. Trong công tác khám, chữa bệnh, ngành đã tập trung vào các hoạt động áp dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong công tác điều trị.

Đặc biệt, toàn ngành đã và đang có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng ngư dân trước ảnh hưởng của hiện tượng cá chết hàng loạt, trong đó tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyên truyền, vận động người dân nói không với thực phẩm bẩn. Ngành cũng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong việc kiểm tra, xác nhận nguồn hải sản an toàn, vận động người dân mua, sử dụng các hải sản có chứng nhận của cơ quan chức năng để giúp ngư dân giảm bớt khó khăn, yên tâm bám biển.

Cùng với việc tăng cường các hoạt động giám sát, khảo sát thực địa, nắm bắt tình hình cá chết thực tế tại các địa bàn, ngành còn thường xuyên lấy mẫu hải sản để gửi Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và cập nhật kết quả xét nghiệm các mẫu nước biển, nước ở các cửa sông, nước ao hồ phục vụ nuôi tôm để nắm bắt kịp thời các diễn biến nhằm đưa ra những khuyến cáo phù hợp đối với người dân.

Toàn ngành mà vai trò hạt nhân là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã bố trí cán bộ thường trực để trực tiếp nhận thông tin, chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng để phối hợp với các đơn vị liên quan nhanh chóng khắc phục khi có sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra. Ngoài việc chủ động kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn, ngành đã thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành (Y tế, Nông nghiệp, Công thương, công An) về an toàn thực phẩm, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó tập trung các cơ sở dịch vụ ăn uống, kinh doanh hải sản.

Qua đó, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng, nhất là ở các chợ đầu mối sử dụng hải sản an toàn, thu gom, tiêu hủy hải sản chết để bảo vệ môi trường. Để thực hiện tốt công tác y tế cho vùng biển đảo, ngành y tế còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như khám, cấp phát thuốc cho ngư dân, trang bị tủ thuốc cho các trạm y tế vùng biển; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ các gia đình nhân viên y tế có thân nhân làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo. Ngành cũng đang đề nghị hỗ trợ mua Bảo hiểm y tế cho nhân dân các xã ven biển từ nguồn bồi thường của Formosa.

Nhật Văn (thực hiện)

Thực hiện chương trình giảm giá đặc biệt áp dụng cho các dịch vụ du lịch

* Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch

Trong những năm qua, du lịch Quảng Bình đã có những bước tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011- 2015 đạt trên 37%. Năm 2015, đón gần 3 triệu lượt khách, trở thành một trong những tỉnh có lượng du khách lớn tại khu vực Bắc Trung bộ.

Tuy nhiên, sự cố môi trường biển từ ngày 10-4-2016 đã ảnh hưởng đặc biệt đến ngành Du lịch, lượng du khách đến với Quảng Bình sụt giảm nghiêm trọng ngay trong thời kỳ đầu mùa cao điểm, khiến các doanh nghiệp hết sức khó khăn phải cắt giảm lao động hoặc giảm thu nhập, làm ảnh hưởng đến đời sống của hơn 4.000 lao động trực tiếp và 7.300 lao động gián tiếp.

 Hệ thống khách sạn, nhà hàng phục vụ du lịch gặp nhiều khó khăn sau sự cố môi trường biển.
Hệ thống khách sạn, nhà hàng phục vụ du lịch gặp nhiều khó khăn sau sự cố môi trường biển.

Trước tình hình đó, ngành Du lịch đã triển khai đồng bộ các giải pháp để thu hút du khách trở lại Quảng Bình, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cụ thể:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển an toàn để người dân địa phương và du khách yên tâm tắm biển, sử dụng hải sản đánh bắt xa bờ, có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi, thể thao trên biển và sông Nhật Lệ, như: Tuần tắm biển kích cầu du lịch, Tuần lễ diễu hành và trình diễn thuyền buồm Quảng Bình 2016, Lễ hội đua bơi truyền thống Quảng Bình mở rộng Lào, Thái Lan 2016...

Thực hiện chương trình giảm giá đặc biệt áp dụng cho các dịch vụ du lịch, như: giảm 30% phí, vé tham quan tại động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường cho khách du lịch lưu trú tại Quảng Bình từ ngày 26-5-2016 đến hết ngày 31-12-2016. Các khách sạn đăng ký giảm giá từ 20%-40%, các nhà hàng chuyên phục vụ khách du lịch đăng ký giảm giá từ 10%-20% so với giá niên yết.

Bên cạnh đó, khách du lịch đi tàu hỏa từ Hà Nội đến Quảng Bình và ngược lại được giảm từ 5%-15% theo mã hiệu tàu vận chuyển. Song song với việc giảm giá các dịch vụ du lịch tiếp tục đa dạng hoá và nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn...

Để ổn định và đưa ngành Du lịch tiếp tục phát triển, UBND tỉnh đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo giải quyết triệt để sự cố môi trường biển tạo điều kiện để khôi phục các ngành kinh tế biển nói chung và du lịch nói riêng; không quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp và các ngành, lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến phát triển du lịch.

Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp về thuế, đất đai, tín dụng và cung cấp các gói hỗ trợ cho tỉnh, bù đắp các thiệt hại cho doanh nghiệp để khắc phục hậu quả của sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, giúp du lịch Quảng Bình nói riêng và các tỉnh khu vực Bắc miền Trung nói chung vượt qua khó khăn, tăng trưởng và phát triển ổn định.

Nội Hà (thực hiện)