.

Vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam

Thứ Năm, 28/07/2016, 09:38 [GMT+7]

(QBĐT) - 87 năm qua, kể từ ngày thành lập đến nay, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Công đoàn Việt Nam đều phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng của mình; luôn trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân và dân tộc; luôn tổ chức, vận động giai cấp công nhân đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

>> Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn mới

Với vai trò đặc biệt quan trọng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, ngay từ bản Hiến pháp năm 1959, khi chưa có bất cứ tổ chức chính trị - xã hội nào được quy định trong Hiến pháp thì đã có quy định về Công đoàn Việt Nam tại Ðiều 10. Mặc dù chưa được quy định thành một điều riêng, nhưng đã thể hiện rất rõ vai trò và vị trí của tổ chức Công đoàn trong xã hội.

Đến Hiến pháp năm 1980 đã dành riêng một điều (Ðiều 10) quy định về Công đoàn Việt Nam và từ đó đến nay, qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, tổ chức Công đoàn luôn có một điều quy định riêng và ngày càng được hoàn thiện, đã tạo cho Công đoàn Việt Nam có một vị trí pháp lý đặc biệt so với các tổ chức chính trị - xã hội khác.

Tuy nhiên, mỗi bản Hiến pháp đều gắn với những bước ngoặt lịch sử quan trọng của đất nước, thể hiện tầm nhìn, chọn lựa mang tính chiến lược về con đường phát triển của dân tộc ứng với từng thời kỳ. Vì vậy, để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, nội dung Điều 10 quy định về Công đoàn trong các bản Hiến pháp cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Hiến pháp năm 2013 là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Theo đó, nội dung Điều 10 quy định về Công đoàn của Hiến pháp năm 2013, ngoài tiếp tục kế thừa nội dung Hiến pháp năm 1992, đã có sửa đổi, bổ sung vai trò, trách nhiệm của Công đoàn phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước như sau: "Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

So với các bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp năm 2013 đã có sự sửa đổi, bổ sung vai trò, chức năng của Công đoàn Việt Nam trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khẳng định Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đây là nguyên tắc rất quan trọng của tổ chức Công đoàn, lần đầu tiên được khẳng định và thể hiện trong Hiến pháp.

Nếu tại Điều 10 Hiến pháp 1992 chỉ quy định Công đoàn tham gia kiểm tra, giám sát, thì Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung thêm quy định "tham gia thanh tra" hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động cho tổ chức Công đoàn. Quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với người lao động được phân định rõ hơn.

Trách nhiệm của Công đoàn trong việc tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật được quy định đầy đủ, cụ thể hơn. Đây là những quy định mới, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta, phù hợp với Cương lĩnh của Đảng về phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 khẳng định vị trí, vai trò và trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam cùng với các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khoản 2, khoản 3 Điều 9); quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương (Điều 101, 116).

Là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện của giai cấp công nhân và người lao động, mà giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Ðảng Cộng sản Việt Nam, vì vậy Công đoàn Việt Nam có nhiều đặc điểm khác biệt với các tổ chức chính trị - xã hội khác.

Đặc biệt, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam còn được tiếp tục nâng cao; ngày càng phát triển, mở rộng và không thể thiếu trong quan hệ lao động; bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội hài hòa, ổn định, tiến bộ trong quan hệ lao động. Việc Hiến pháp năm 2013 tiếp tục dành riêng một điều quy định về Công đoàn là khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong lịch sử cũng như trong thời kỳ mới.

H.H