.

Thanh niên làm theo lời Bác - Bài 2: Thủ lĩnh tình nguyện

Thứ Năm, 21/07/2016, 08:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong chuyến tình nguyện tại xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tôi gặp một cô gái trẻ có đôi mắt nhân hậu, nở nụ cười tươi khi dắt một cụ già vào hội trường nhận quà và khám bệnh. Rồi vài lần sau nữa, tôi vẫn thường gặp chị trong màu áo xanh tình nguyện ở các bản làng vùng cao, những vùng khó khăn trên địa bàn huyện Quảng Ninh. Chị là Nguyễn Thị Như Ngọc, Bí thư Huyện đoàn Quảng Ninh, người được nhiều bạn trẻ yêu quý gọi với biệt danh “Thủ lĩnh tình nguyện”.

>> Bài 1: Chàng sinh viên "năm tốt"

Chị Nguyễn Thị Như Ngọc bắt đầu câu chuyện trở thành “Thủ lĩnh tình nguyện” rằng: Từ lớp 3 đến lớp 9, chị là Liên đội trưởng của trường. Với vai trò của mình, chị năng nổ tham gia các hoạt động tập thể, văn hóa văn nghệ, hội thi, trại hè...

Đặc biệt là qua 2 lần tham gia chào mừng Đại hội Đoàn cấp huyện, chị đã “mê” chiếc áo xanh tình nguyện và ước mình sẽ trở thành một cán bộ Đoàn. Khi trưởng thành, chị theo nghề sư phạm, về công tác tại Trường THCS Vĩnh Ninh. Qua 6 năm công tác, chị làm Tổng phụ trách Đội 2 năm, sau đó được chuyển về làm cán bộ chuyên trách ở Huyện đoàn Quảng Ninh, rồi giữ chức vụ Phó Bí thư, nay là Bí thư Huyện đoàn.

Công việc của người cán bộ Đoàn rất khó khăn, vất vả không làm chị nản lòng mà khiến chị ngày càng thêm yêu công việc. Chính môi trường này đã rèn luyện bản lĩnh để chị cống hiến và trưởng thành hơn. Công tác tình nguyện thực sự khiến chị đam mê nhất.

Chị tâm sự: “Mỗi lần đi cơ sở, mình lại chứng kiến những mảnh đời rủi ro, bất hạnh, đặc biệt là cuộc sống thiếu thốn, lam lũ của bà con, đồng bào vùng sâu, vùng xa; trẻ em dân tộc Vân Kiều, thanh thiếu niên khuyết tật, người già cả neo đơn không nơi nương tựa... Từ đó, mình ước có thật nhiều sức khỏe và thời gian để chia sẻ với họ, đó cũng là động lực để mình đến với hoạt động tình nguyện”.

Với vai trò thủ lĩnh, chị Ngọc đã tích cực nghiên cứu, tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện đoàn Quảng Ninh triển khai thực hiện 2 phong trào hành động ý nghĩa là “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”.

Chỉ riêng trong năm 2015, các cấp bộ Đoàn từ huyện đến cơ sở đã đảm nhận 23 công trình, phần việc thanh niên với trị giá trên 250 triệu đồng, 3 công trình “Thắp sáng đường quê” với kinh phí trên 115 triệu đồng; 3 công trình “Bảo vệ cánh đồng quê hương” với kinh phí 20 triệu đồng và nhiều công trình có ý nghĩa thiết thực khác. Thông qua các hoạt động đã thu hút gần 5.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia.

Chị Nguyễn Thị Như Ngọc (đứng giữa hàng thứ nhất) trong lễ tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2016.
Chị Nguyễn Thị Như Ngọc (đứng giữa hàng thứ nhất) trong lễ tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2016.

Trong năm 2016, chị và Ban Thường vụ Huyện đoàn đã chỉ đạo, vận động các tổ chức Đoàn cơ sở tiến hành đảm nhận 4 công trình thanh niên liên quan đến xây dựng nông thôn mới với kinh phí gần 100 triệu đồng. Đến nay, có 100% các Đoàn cơ sở có các công trình, phần việc thanh niên chào mừng 85 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 100% cơ sở Đội có công trình măng non chào mừng sinh nhật Đội tròn 75 tuổi.

Thực hiện các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, vì an sinh xã hội, chị Ngọc đã thường xuyên kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để tổ chức các hoạt động trong Chương trình “Tiếp sức đến trường” nhân dịp khai giảng năm học mới. Trong các ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, Huyện đoàn đã tặng cho các trường và các em học sinh trống Đội, tủ sách học đường, đàn gà khăn quàng đỏ, tặng sách vở học sinh, đồng phục, áo ấm, các suất học bổng... với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.

Từ năm 2013 đến nay, chị Ngọc đã chỉ đạo tổ chức thành công ngày hội “Tết ấm cho em” cho học sinh dân tộc Vân Kiều với tổng trị giá trên 100 triệu đồng; tổ chức cho đoàn viên thanh niên, nhân dân hưởng ứng Tết vì người nghèo, tặng quà, khám cấp phát thuốc miễn phí cho hàng trăm hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc, miền núi, gia đình có công với cách mạng. Mỗi năm, Huyện đoàn còn tặng hàng trăm sổ tiết kiệm, phần quà cho gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng...

Từ khi về công tác tại Huyện đoàn Quảng Ninh, chị Nguyễn Thị Như Ngọc đã kết nối, kêu gọi và trực tiếp tham gia thực hiện hàng trăm chuyến tình nguyện giúp đỡ những người gặp khó khăn, học sinh và đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi chuyến đi đều cho chị thêm trải nghiệm, lòng yêu thương con người. “Mình nhớ nhất là đợt tình nguyện tại xã Trường Sơn.

Hôm đó, trời mưa, mất điện, nhưng nhờ tinh thần vượt khó, đoàn viên thanh niên và các tình nguyện viên vẫn vận chuyển đưa được hàng đến bà con, câu lạc bộ thầy thuốc trẻ vẫn hăng say khám bệnh, cấp phát thuốc. Khi làm xong chương trình, các tình nguyện viên phải lặn lội chèo đò vượt suối trong đêm mưa lũ đến 1 giờ sáng ngày hôm sau mới về tới điểm dừng chân, giờ nghĩ lại chuyến đi đó vẫn còn thấy hú hồn”, chị Ngọc nhớ lại.

Theo chị Ngọc, để tập hợp thanh niên làm công tác tình nguyện, trước hết phải tạo cho họ môi trường trải nghiệm, qua đó họ sẽ tha thiết rồi tự nguyện tham gia. Ví dụ, trong các lễ phát động hay ra quân tình nguyện, chị tạo điều kiện cho tất cả các bạn đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên cùng tham gia chứ không gói gọn trong đội ngũ cán bộ Đoàn. Sau đó, kết hợp tổ chức các hoạt động tình nguyện như: vệ sinh môi trường, tặng quà, xây nhà tình nghĩa, khám bệnh cấp phát thuốc, kéo điện sinh hoạt...

Khi thấy được ý nghĩa các hoạt động đó, nhiều bạn thanh niên đã tự nguyện liên hệ để tham gia. Nhờ cách làm đó, đến nay đội ngũ tình nguyện viên của Huyện đoàn Quảng Ninh đã lên đến hàng trăm người, trong đó có nhiều người ngoài huyện, tỉnh, kể cả có nhiều người đang ở nước ngoài, nhiều câu lạc bộ tình nguyện đã được thành lập và hoạt động có hiệu quả.

Để có nguồn kinh phí cho các hoạt động tình nguyện, Ban Thường vụ Huyện đoàn Quảng Ninh cùng các tình nguyện viên đặt ra phương châm: tích cực tìm kiếm các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm, các Đoàn trường đại học trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, phải thường xuyên chủ động phối hợp với các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể để huy động sức mạnh tổng hợp như: Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận các cấp, Ban bảo vệ chăm sóc gia đình và trẻ em...

Phương châm này đã giúp cho các hoạt động tình nguyện trên địa bàn huyện Quảng Ninh những năm gần đây càng đi vào nền nếp và có bước phát triển vượt bậc. Từ đó, hàng chục km tuyến điện thắp sáng đường quê, hàng chục sân nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà tình nghĩa mang dấu ấn tình nguyện đã được hoàn thành, rất nhiều suất quà, học bổng, sổ tiết kiệm đã đến được đúng địa chỉ...

Chị Ngọc chia sẻ: “Mỗi lần tổ chức thành công các chuyến tình nguyện, mình luôn nhận được tình cảm yêu thương và sự biết ơn của bà con, trẻ em, những mảnh đời bất hạnh, hay của già làng, trưởng thôn bản. Đó chính là động lực lớn nhất để mình tiếp tục công tác tình nguyện”.

Với thành tích nổi bật trong công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu niên của huyện Quảng Ninh, nhất là trong phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, chị Nguyễn Thị Như Ngọc đã được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong năm 2014. Năm 2015, tập thể Huyện đoàn Quảng Ninh được tặng cờ thi đua xuất sắc cấp tỉnh. Năm 2016, chị vinh dự được chọn là một trong những thanh niên của tỉnh được Tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác cụm thi đua Bắc Trung Bộ và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Xuân Vương

Bài cuối: Ông chủ trẻ của trang trại giữa lòng thành phố