.

Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh: Nhiều chuyển biến trong hoạt động giám sát

Thứ Sáu, 06/05/2016, 10:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong nhiệm kỳ 2011-2016, hoạt động giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách của HĐND tỉnh khóa XVI đã có nhiều chuyển biến tích cực, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả. Thông qua các báo cáo giám sát, Ban đã cung cấp nhiều thông tin, cứ liệu quan trọng có tính phản biện để HĐND tỉnh xem xét, quyết định và đã góp phần giải quyết được nhiều vấn đề cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm.

Mặc dù đối tượng, phạm vi hoạt động thuộc lĩnh vực kinh tế và ngân sách rộng, liên quan tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đơn vị, địa phương nhưng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh đã tích cực, chủ động tổ chức được nhiều cuộc giám sát, khảo sát thực tế với nhiều chuyên đề và đạt được nhiều kết quả. Trong điều hành thực hiện chương trình giám sát, Ban luôn chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan, tạo lập mối quan hệ công tác chặt chẽ, hiệu quả.

Về giám sát thường xuyên, Ban thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động của UBND tỉnh và các cơ quan thuộc UBND tỉnh, các đơn vị, tổ chức và các địa phương trong việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND tỉnh.

Trong đó, tập trung giám sát việc tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm, các nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến lĩnh vực kinh tế, ngân sách, khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường...

Một buổi giao ban định kỳ của Ban Kinh tế và Ngân sách.
Một buổi giao ban định kỳ của Ban Kinh tế và Ngân sách.

Thông thường trước các kỳ họp thường lệ giữa năm và cuối năm, Ban tổ chức giám sát tại các đơn vị như: Cục Thuế, Cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Thống kê, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Ngân hàng Nhà nước... để nắm bắt tình hình cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực. Đây là cơ sở quan trọng giúp Ban có những ý kiến sát đúng trong quá trình thẩm tra các dự thảo nghị quyết trình tại các kỳ họp của HĐND tỉnh.

Về giám sát chuyên đề, trong nhiệm kỳ, Ban đã thực hiện được 7 cuộc giám sát chuyên đề. Trong đó có các chuyên đề nổi bật như: Tình hình chấp hành quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh từ năm 2006 - 6-2012; tình hình phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh từ năm 2007 đến tháng 6-2013; tình hình thực hiện chính sách và pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp do tỉnh quản lý từ năm 2011 đến năm 2013; tình hình thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Bình từ năm 2011 đến 2014...

Các báo cáo giám sát chuyên đề đều được trình bày tại các kỳ họp HĐND tỉnh, trong đó đã đi sâu phân tích, đánh giá rõ những kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước ở các cấp, các ngành. Đồng thời, kiến nghị tới các cấp, các ngành nhằm tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Kinh tế và Ngân sách đã thẩm tra 28 báo cáo, 61 dự thảo nghị quyết (chiếm hơn 50% tổng số báo cáo và dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh). Ngoài ra, Ban đã phối hợp với Ban Pháp chế, Ban Văn hoá - Xã hội của HĐND tỉnh thẩm tra nhiều báo cáo, đề án trình HĐND tỉnh.

Quá trình thẩm tra, Ban luôn chủ động, tham gia ngay từ đầu với các ngành được UBND tỉnh giao tham mưu xây dựng, giúp các cơ quan này kịp thời điều chỉnh, nhằm bảo đảm sự thống nhất và nâng cao chất lượng văn bản dự thảo. Đối với những nghị quyết trung và dài hạn, phạm vi rộng, chuyên môn sâu, Ban đã tổ chức khảo sát trực tiếp, mời các chuyên gia có kinh nghiệm tham gia. Nhờ vậy, các ý kiến trong báo cáo thẩm tra của Ban đã cung cấp cho đại biểu HĐND tỉnh nhiều thông tin có tính khoa học và thực tiễn.

Phần lớn các kiến nghị của Ban qua các cuộc giám sát đã được UBND tỉnh, các ngành, địa phương tiếp thu, có giải pháp khắc phục, như: khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả trong nông nghiệp; bảo đảm đúng quy trình, tiến độ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thu hồi nhiều dự án sử dụng đất kém hiệu quả; bổ sung chính sách khuyến khích phát triển du lịch và ban hành kế hoạch phát triển du lịch từng giai đoạn; chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, truy thu nộp vào ngân sách nhiều khoản thuế, phí...

Cũng thông qua hoạt động giám sát, Ban đã kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung quan trọng với Trung ương như: Đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh; đề nghị Chính phủ sửa đổi các văn bản quy định chưa phù hợp với thực tế, như: Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11-5-2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 8-1-2010 của Chính phủ về khuyến nông...; có chính sách khoanh nợ đối với các khoản vay của các doanh nghiệp bị thiệt hại do bão lụt gây ra, đồng thời tiếp tục có chính sách cho vay tín dụng ưu đãi để giúp doanh nghiệp khắc phục hậu quả bão lụt nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh...

Nhìn chung, hoạt động giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh trong suốt nhiệm kỳ đã được nâng cao về chất lượng, hiệu quả, đi vào chiều sâu, bao quát được các nội dung thuộc lĩnh vực kinh tế và ngân sách; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; bám sát chương trình công tác theo Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành. Các cuộc giám sát, khảo sát của Ban đã tập trung vào các vấn đề cấp bách, được nhiều người quan tâm. Nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị sau giám sát của Ban được UBND tỉnh, các ngành chức năng có biện pháp tổ chức thực hiện, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Mai Xuân Hạp
(Phó trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh)