.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất

Thứ Bảy, 09/04/2016, 14:36 [GMT+7]
(Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
(Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Trong phiên họp sáng 9-4, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua: Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia; dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Nghị quyết về việc phê chuẩn Công hàm thỏa thuận về cấp thị thực giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch của các ngành có sử dụng đất để bảo đảm phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội

Với 86,64% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia.

Nghị quyết nêu rõ, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu về đất đai cho các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; duy trì quỹ đất trồng lúa hợp lý nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn biến nhanh hơn dự báo; tăng cường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai.

Đối với nhóm đất nông nghiệp, theo Quy hoạch đến năm 2020 theo Nghị quyết số 17/2011/QH13 là 26.731.760 ha điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 là 27.038.090 ha (tăng 306.330 ha).

Đối với nhóm đất phi nông nghiệp, theo Quy hoạch đến năm 2020 theo Nghị quyết số 17/2011/QH13 là 4.880.320 ha điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 là 4.780.240 ha (giảm 100.080 ha).

Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đã được Quốc hội quyết định, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch của các ngành có sử dụng đất để bảo đảm phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội; điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất chặt chẽ từ cấp quốc gia đến các vùng, các địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất các vùng kinh tế-xã hội nhằm khai thác thế mạnh, tiềm năng đất đai bảo đảm tính kết nối liên vùng, liên tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt; quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng lúa được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo đảm khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa được.

Điều tiết phân bổ nguồn lực bảo đảm lợi ích giữa các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương giữ nhiều đất trồng lúa; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến, tiêu thụ lúa hàng hoá tại các địa phương giữ nhiều đất trồng lúa; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất.

Điều tra, đánh giá thực trạng đất sản xuất nông nghiệp bỏ hoang; hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý đất đai, chính sách tài chính về đất đai để khuyến khích việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, tránh bỏ hoang gây lãng phí đất đai.

Thông qua Dự thảo Luật điều ước quốc tế

Dự thảo Luật điều ước quốc tế với 10 chương 84 điều đã được biểu quyết thông qua với 92,51% đại biểu Quốc hội tán thành.

Luật quy định về việc ký kết, bảo lưu, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, đăng tải, đăng ký, tổ chức thực hiện điều ước quốc tế.

Nguyên tắc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế: Không trái với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế; Đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2016. Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế số 41/2005/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật điều ước quốc tế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm rõ hơn đối với một số ý kiến cho rằng quy định về hoạt động giám sát việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế tại dự thảo Luật chưa phù hợp với Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân về chủ đề giám sát.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật chỉnh lý quy định tại Điều 7 theo hướng quy định rõ thẩm quyền giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đối với hoạt động ký kết và thực hiện điều ước quốc tế; phù hợp với các quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Về mối quan hệ giữa điều ước quốc tế với pháp luật trong nước, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung cụm từ "trừ Hiến pháp" vào khoản 1, Điều 6: "Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp."

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại Điều 53, theo đó cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền quyết định ký điều ước quốc tế thì cũng có quyền quyết định áp dụng tạm thời điều ước quốc tế đó.

Công hàm Thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia

Dự thảo Nghị quyết về việc phê chuẩn Công hàm thỏa thuận về cấp thị thực giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ gồm 4 điều đã được 92,91% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua.

Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn Công hàm thỏa thuận về cấp thị thực giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, qua thảo luận có ý kiến đại biểu còn cân nhắc về sự cần thiết phê chuẩn Công hàm thỏa thuận.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, việc phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận sẽ tạo điều kiện để cho công dân hai nước nhập, xuất cảnh trên lãnh thổ của nhau, giảm chi phí và thời gian đối với người dân cũng như cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, phù hợp với mức độ quan hệ đối tác toàn diện ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Việc phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận đã tuân thủ trình tự, thủ tục, hồ sơ theo quy định của Hiến pháp năm 2013 cũng như Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Công hàm Thỏa thuận cũng phù hợp với những nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế, phù hợp với lợi ích quốc gia và đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Do vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin đề nghị Quốc hội chấp thuận phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận.

Nghị quyết về việc phê chuẩn Công hàm thỏa thuận về cấp thị thực giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ nêu rõ, áp dụng trực tiếp các nội dung quy định tại Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Theo Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

>> Sáu trọng tâm ưu tiên chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc