.
Chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Thống kê Việt Nam (6-5-1946 - 6-5-2016):

Ngành Thống kê Quảng Bình không ngừng đổi mới và phát triển

Thứ Ba, 19/04/2016, 22:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách đây 70 năm, ngày 6-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 61/SL thành lập Nha Thống kê Việt Nam thuộc Bộ Quốc dân kinh tế, đây là tổ chức tiền thân của ngành Thống kê nước ta. Để ghi nhận sự đóng góp của ngành Thống kê, ngày 13-2-2001, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lấy ngày 6-5-1946 là ngày truyền thống của ngành Thống kê Việt Nam.

Đối với Quảng Bình, ngành Thống kê được thành lập vào ngày 20-2-1956. Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Thống kê Quảng Bình luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin phục vụ sự lãnh đạo, quản lý của cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp.

Ban Thống kê tỉnh khi mới thành lập chỉ có 4 người, Thống kê huyện chỉ 1 đến 2 người, hầu hết từ cán bộ chính trị và quân đội chuyển sang. Thời kỳ 1958 - 1960, trước yêu cầu mới của công tác thống kê, tỉnh đã quyết định tăng cường thêm cán bộ cho ngành. Năm 1960, Ban Thống kê được tách khỏi Văn phòng Ủy ban Hành chính tỉnh, thành cơ quan độc lập với tên gọi Chi cục Thống kê. Số lượng cán bộ Chi cục lúc này đã lên 23 người, được tổ chức và phân công nhiệm vụ theo từng bộ phận chuyên môn. Cán bộ thống kê huyện cũng được tăng cường, mỗi huyện có 3 đến 4 người.

Nhiệm vụ thống kê giai đoạn này là cung cấp thông tin phục vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh mà trọng tâm là cải cách ruộng đất, hình thành quan hệ sản xuất mới ở nông thôn. Thời kỳ 1961-1964 tập trung cung cấp thông tin phục vụ việc xây dựng kế hoạch và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961 - 1965.

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại, ngành Thống kê tỉnh tiếp tục mở rộng và phát triển. Thời kỳ cao điểm, số lượng cán bộ Chi cục Thống kê lên đến 82 người, vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa tham gia phục vụ sản xuất và chiến đấu. Công tác thống kê đã chuyển hướng hoạt động cho phù hợp tình hình thời chiến, vừa thu thập số liệu kinh tế - xã hội, vừa thống kê số liệu phục vụ chiến đấu và thiệt hại chiến tranh gây ra. Thông tin thống kê đã phục vụ đắc lực cho lãnh đạo các cấp trên cả hai mặt trận, chỉ đạo xây dựng phát triển kinh tế - xã hội và chỉ đạo chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Sau ngày đất nước thống nhất, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên, Chi cục Thống kê tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập trên cơ sở Chi cục Thống kê tỉnh Quảng Bình. Ngay từ ngày đầu hợp nhất, những cán bộ Thống kê Quảng Bình chuyển vào đã phát huy tốt truyền thống quê hương “Hai giỏi”, năng động, sáng tạo, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Cục Thống kê tỉnh Bình Trị Thiên.

Nhiệm vụ công tác thông tin thống kê thời kỳ này tập trung phục vụ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh vùng mới giải phóng, khôi phục phát triển kinh tế sau chiến tranh cũng như phục vụ xây dựng, đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm 1976 - 1980; 1981 - 1985; 1986 - 1990.

Đặc biệt, Ngành đã triển khai một số cuộc điều tra và tổng kiểm kê để thu thập thông tin tình hình cơ bản phục vụ kiến thiết xây dựng quê hương, đất nước như: Tổng điều tra dân số năm 1979, điều tra và thống kê đất năm 1977 - 1978, điều tra kê khai nhà ở năm 1977 - 1978,...

Lãnh đạo Cục Thống kê tặng giấy khen cho các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc.
Lãnh đạo Cục Thống kê tặng giấy khen cho các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc.

Tháng 7-1989, Quảng Bình trở lại địa giới cũ, Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình lúc này nằm trong Ủy ban Kế hoạch nhà nước tỉnh, đến tháng 9-1989 thì tách ra để trực thuộc UBND tỉnh. Tháng 4-1994, Tổng cục Thống kê kiện toàn bộ máy thống kê, thống nhất quản lý theo ngành dọc từ Trung ương đến tỉnh, huyện.

Có thể nói, từ năm 1986 đến nay, sau 30 năm kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới của Đảng, ngành Thống kê cả nước nói chung, ngành Thống kê tỉnh Quảng Bình nói riêng đã có sự phát triển quan trọng.

Về tổ chức, từ khi thành lập, hệ thống Thống kê cấp tỉnh có nhiều thay đổi, có thời gian được chuyển giao cho địa phương quản lý, có thời gian được tổ chức theo mô hình quản lý ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, đến ngày 4-1-2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/NĐ-CP chuyển Tổng cục Thống kê vào Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với Tổng cục Thống kê.

Ngày 24-8-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trên cơ sở quyết định này, các phòng Thống kê huyện, thị xã, thành phố được chuyển thành Chi cục Thống kê huyện, thị xã, thành phố.

Ngày 2-4-2014 Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã ký Quyết định số 189/QĐ-TCTK quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình, theo đó Cục Thống kê tỉnh có cơ cấu tổ chức gồm 6 phòng ở cơ quan Cục (Thống kê Tổng hợp, Thống kê Nông nghiệp, Thống kê Công - Thương, Thống kê Dân số - Văn xã, Thanh Tra Thống kê, Tổ chức - Hành chính) và 8 Chi cục Thống kê các huyện, thị xã, thành phố.

Về chuyên môn, nghiệp vụ, việc chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi ngành Thống kê phải tập trung vào việc chuyển đổi phương pháp luận cho phù hợp với yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế. Trong thời kỳ này, một trong những kết quả quan trọng nhất là ngành Thống kê đã chuyển đổi bảng cân đối vật chất (MPS) sang hệ thống tài khoản quốc gia (SNA). Việc áp dụng Hệ thống Tài khoản quốc gia đã ghi nhận một bước hội nhập quốc tế quan trọng của ngành Thống kê Việt Nam.

Trong những năm gần đây, nhiều chuyên ngành thống kê đã được nghiên cứu, chuyển đổi theo hướng vận dụng các phương pháp luận chuẩn quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Một trong những thay đổi cơ bản cho phù hợp với hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) và thông lệ quốc tế là: Áp dụng giá cơ bản thay cho giá sản xuất trong tính toán các chỉ tiêu về giá trị sản xuất và từ ngày 1-6-2012 quy định năm 2010 làm năm gốc thay cho năm gốc 1994 để tính các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh.

Nhằm nâng cao chất lượng số liệu GRDP, ngày 22-5-2015 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố. Theo quyết định này, từ năm 2017 Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) sẽ biên soạn và công bố số liệu GRDP, các Cục Thống kê chỉ chịu trách nhiệm thu thập thông tin đầu vào trên địa bàn báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

Về xử lý, tổng hợp và phân tích của ngành Thống kê cũng đã được đổi mới theo hướng tin học hoá. Việc ứng dụng và phát triển các phần mềm chuyên dùng cho thống kê đã góp phần đẩy nhanh tốc độ xử lý thông tin, tăng độ chính xác của thông tin tổng hợp và giảm cường độ lao động cho cán bộ thống kê các cấp. Đặc biệt là việc áp dụng thành công công nghệ nhận dạng ký tự thông minh vào xử lý các cuộc Tổng điều tra đã rút ngắn đáng kể thời hạn công bố thông tin.

Nhờ nâng cao chất lượng thông tin và đẩy mạnh hoạt động phổ biến thông tin nên nhiều sản phẩm thông tin thống kê như báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng, niên giám thống kê, kết quả các cuộc điều tra và các dãy số liệu thống kê nhiều năm do ngành Thống kê biên soạn và công bố đã trở thành nguồn thông tin không thể thiếu đối với hầu hết các đối tượng sử dụng thông tin thống kê.

Trải qua chặng đường 60 năm, ngành Thống kê Quảng Bình đã đạt được những thành quả quan trọng, vinh dự được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương Lao động cho tập thể và cá nhân; 10 năm liền từ năm 1996 đến năm 2005 và hai năm 2012, 2015 được UBND tỉnh tặng cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc”; từ năm 2009 đến năm 2015 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, năm 2012 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen...

Tuy nhiên, ngành Thống kê vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Nhu cầu sử dụng thông tin thống kê ngày càng cao, không chỉ từ các cơ quan Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành mà còn từ nhiều đối tượng dùng tin khác, nhưng mức độ đáp ứng của ngành Thống kê chưa được đầy đủ, kịp thời. Nhiều người sử dụng còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, khai thác số liệu thống kê. Phạm vi thống kê chưa bắt kịp sự phát triển nhanh của một số lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội.

Phương pháp thống kê một số chuyên ngành còn chậm cải tiến dẫn đến việc thiếu chỉ tiêu hoặc số liệu thống kê một số lĩnh vực, chưa phản ánh sát kết quả hoạt động kinh tế. Hoạt động phân tích, dự báo thống kê, tuy đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tổ chức, đội ngũ cán bộ thống kê đã được củng cố, đào tạo, bổ sung nhưng vẫn còn thiếu và yếu so với yêu cầu đề ra. Từ thực trạng này, phương hướng phát triển trong những năm tới của ngành được xác định:

Một là, bảo đảm tốt nhất thông tin kinh tế - xã hội định kỳ và đột xuất phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thống kê của các đối tượng sử dụng.

Hai là, tiếp tục triển khai toàn diện các nội dung trong Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê theo kế hoạch của Tổng cục Thống kê, trước mắt là triển khai Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu GRDP trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng số liệu GRDP, đáp ứng nhu cầu thông tin của các cơ quan Đảng và Nhà nước ở địa phương trong việc đánh giá và dự báo tình hình kinh tế - xã hội, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đồng thời đáp ứng nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân khác.

Ba là, triển khai kế hoạch tuyên truyền Luật Thống kê năm 2015 có hiệu lực thi hành từ 1-7-2016, nhằm nhanh chóng đưa Luật Thống kê năm 2015 vào cuộc sống; tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tổ chức thành công các cuộc điều tra thống kê hàng năm, trước mắt là cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016.

Bốn là, tiếp tục củng cố, hoàn thiện và tăng cường năng lực công tác thống kê cơ sở, nhất là thống kê xã, phường, thị trấn nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động thống kê cơ sở.

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê, cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tham nhũng; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng cơ quan ổn định, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh và phát triển; đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phối hợp tốt giữa các tổ chức đoàn thể; tuân thủ các quy chế làm việc, tạo môi trường công tác lành mạnh, khơi dậy lòng tự hào, yêu ngành, yêu nghề trong toàn ngành.

Trần Quốc Lợi, Cục trưởng Cục Thống kê