.

Nhịp cầu ơn Đảng

Thứ Ba, 09/02/2016, 14:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Mùa xuân này, nếu ngược lên với xã biên giới Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), bạn sẽ được nghe người Vân Kiều nơi đầu nguồn sông Long Đại kể cho nghe chuyện những chiếc cầu đã nối nhịp. Đồng bào tự hào rằng “Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm… mới có cuộc sống đổi thay hôm nay”.

Chút chấm phá về Trường Sơn

Xã Trường Sơn có 20 thôn bản, 1.026 hộ, 4.303 khẩu. Ngoài 5 thôn phân bổ gần trung tâm xã phần lớn người Kinh sinh sống, 15 bản còn lại là địa bàn đồng bào dân tộc Vân Kiều định cư nằm rải rác dọc núi rừng, ven sông, suối đầu nguồn dòng Long Đại.

Cầu treo Trung Sơn nối với xóm Mới.
Cầu treo Trung Sơn nối với xóm Mới.

Kể về câu chuyện định canh, định cư của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Xuân Thọ cho biết: “Trước đây, Trường Sơn có đến 27 thôn bản, nhiều bản nằm heo hút, cách biệt giữa núi rừng, sát biên giới Việt- Lào đi bộ mất cả ngày đường. Nhiều bản trắng đảng viên, không có chi bộ Đảng. Bây giờ, Trường Sơn thay đổi rất nhiều, nếu ai từng gắn bó với xã, dễ dàng cảm nhận được điều đó. Không còn bản trắng đảng viên.

Đồng bào Vân Kiều theo lời Đảng, Bác Hồ xuôi dần xuống núi, sống định canh, định cư. Các bản như Sắt, Trung Sơn, Bến Đường, Đá Chát, Cây Sú... bà con trồng và quen dần với cây lúa nước. Chính sách giao đất, giao rừng về từng hộ và cộng đồng bản làng quản lý đã từng bước phát huy quyền làm chủ của người dân. Đồng bào chăm trồng sắn, trồng rừng, chăn nuôi trâu bò, đời sống vì thế khá dần lên, thoát được cảnh đói, giảm được cảnh nghèo”.

Trên một địa bàn rộng chiếm hai phần ba diện tích huyện Quảng Ninh, xã Trường Sơn bị chia cắt bởi một địa hình phức tạp, núi non độ dốc lớn xen lẫn hệ thống sông suối. Ở đó, nhiều bản đồng bào Vân Kiều bị chia cắt, cô lập, nhất là vào mùa mưa lũ như Dốc Mây, Floang, Rìn Rìn, Trung Sơn, Cây Sú...

Những bản làng dọc hai bên đầu nguồn sông Long Đại, những lúc con nước ôn hòa, đồng bào, học sinh hồn nhiên lội sông, suối sang phía trung tâm xã giao lưu, học tập. Khi con nước dâng lên, phương tiện qua lại chủ yếu bằng đò ngang, đò dọc. Nhưng cứ mỗi mùa mưa lũ đến, dân cư hai bờ chỉ biết đứng ngóng nhìn nhau...

Những chuyến lên công tác xã Trường Sơn, tiếp xúc với đồng bào, bà con bao đời luôn mơ ước về những nhịp cầu nối đôi bờ để thôi cảnh cách sông trở đò... Và rồi một ngày cuối đông, tin vui từ Trường Sơn báo về: Mùa xuân này, lên với Trường Sơn, thăm đồng bào Vân Kiều ở các bản làng xa xôi như Cây Sú, Trung Sơn... không còn cảnh đò giang cách trở, đôi bờ đã nối những nhịp cầu treo...

Cầu Cây Sú rộng 2 mét, dài 160 mét, tổng đầu tư trên 6 tỷ đồng và cầu Trung Sơn rộng 1,5 mét, dài 60 mét, tổng đầu tư 3 tỷ đồng; được khởi công xây dựng vào tháng 7-2015.

Cùng với 2 cầu treo ở Trường Sơn (Quảng Ninh), toàn tỉnh được đầu tư 9 cầu treo ở địa bàn các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và Bố Trạch.

Những nhịp cầu... ơn Đảng

Xã Trường Sơn cùng lúc được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng hai chiếc cầu treo ở bản Trung Sơn và Cây Sú. Trong sắc nắng ngày cuối đông, cầu treo như chiếc võng khổng lồ sáng lên giữa núi rừng trùng điệp..., bản làng xa xôi giờ đây đã được nối gần.

Cầu Cây Sú nối đường Hồ Chí Minh nhánh tây với bản Cây Sú, nơi định cư của 36 hộ, 174 khẩu đồng bào Vân Kiều. Trưởng bản Cây Sú Hồ Văn Ô nhẩm tính: “Đồng bào từ Làng Ho, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy ra đây năm 1971, đã gần 45 năm. Như hết một đời người sống cuộc sống cách trở, biệt lập. Cây cầu làm nên, đồng bào mừng vui khôn tả...”.

Hôm tiến hành khảo sát, mố cầu phía bản Cây Sú nhằm ngay đất nghĩa trang. Đồng bào bảo “Đây là đất cha ông nằm. Nếu dời đi, dân bản sẽ bị quở phạt, sẽ không sống yên ổn được”. Trưởng bản Hồ Văn Ô, già làng uy tín Hồ Thị Bông họp dân rồi bắt đầu chiến dịch “mưa dầm thấm lâu”, bà con ai nấy cùng nhau di dời nghĩa trang đến vị trí mới, nhường đất xây cầu.

Nhắc đến Hồ Thị Bông, người Vân Kiều khắp xã Trường Sơn ai ai cũng kính phục. Bà Bông nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã, là phụ nữ nhưng bản tính cứng cỏi, quyết đoán, nói là làm được, luôn gương mẫu, đầu tàu trong mọi phong trào. Ngày lên thăm bản Cây Sú, gặp bà Bông ngay giữa chiếc cầu treo còn tươi màu sơn mới, từ xa bà đã cười rổn rảng: “Già không dám tin là bản Cây Sú có cái cầu để qua lại.

Ngày khởi công, già chẳng tin. Ngày cầu nối nhịp, già vẫn bán tín bán nghi. Bây chừ đặt chân lên cầu... Niềm vui lớn quá. Là đảng viên, một đời theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng, già với đồng bào chỉ biết nói lời cảm ơn Đảng và đời đời biết ơn Bác Hồ kính yêu thôi!”.

Trù phú bản làng ở Trường Sơn.
Trù phú bản làng ở Trường Sơn.

Trưởng bản Hồ Văn Ô trải lòng: “Niềm vui nói mấy chẳng vừa. Mừng cho dân bản nhiều, mừng nhiều hơn cho 16 học sinh bản Cây Sú thoát khỏi cảnh lội sông, ngồi đò đi học chữ”. Ông tự hào: “Cầu của bản Cây Sú là cây cầu treo vượt lũ một nhịp dài nhất Việt Nam đó!”.

Ngược về quá khứ năm 1972, tại bản Trung Sơn, có 20 hộ gia đình đồng bào dân tộc Vân Kiều theo Đảng về định canh. Bây giờ toàn bản được 75 hộ, tại khu vực xóm Mới có 27 nóc nhà chuyển đến từ các bản Địu Đo, L.A, Triềng... Xóm Mới ngăn cách với Trung Sơn bởi một nhánh sông đầu nguồn Long Đại.

Mế Hồ Thị Hoa, sinh năm 1946, người già uy tín trong bản Trung Sơn, một trong 20 hộ gia đình khai sinh ra bản nhớ lại: “Buổi đầu cả bản hoang sơ lắm. Trâu bò trong bản cứ mỗi ngày lại cúng cho “ông ba mươi” một con. Thậm chí có lần hổ còn bắt mất một cháu bé 12 tuổi. Dân bản sợ, nhiều nhà dời đi nơi khác”.

Theo cảm nhận của mế Hoa, sống gần trọn đời người, mế thấy cuộc sống đổi thay nhiều lắm! Điện, đường, trường, trạm đều được Nhà nước đầu tư. Đập thủy lợi Trung Sơn hình thành cho đồng bào trồng lúa nước, dù còn gian khổ nhưng cái đói, cái nghèo không còn đeo đẳng nơi chân cầu thang nhà sàn. Bây giờ có cả cầu treo nối xóm Mới với Trung Sơn, đồng bào ai ai cũng vui mừng, phấn khởi. Dân bản thuận lợi đi lại. Thầy cô, học sinh đến trường giảng dạy, học tập chuyên cần hơn, không còn cảm giác ám ảnh lo sợ lũ tràn, lũ chia cắt, cô lập dài ngày như trước nữa...

Xuân này, đồng bào Vân Kiều các bản Cây Sú, Trung Sơn, xóm Mới... xã Trường Sơn đã không còn sợ cách sông trở đò. Đồng bào tự tin, hồ hởi đến với nhau, say cùng niềm vui bên chén rượu nồng ấm mến khách, hẹn nhau sang năm mới chăm lo vun đắp cuộc sống đủ đầy hơn.

Hương Trà