.
Kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 - 6-1-2016):

Người đại biểu của nhân dân

Thứ Hai, 04/01/2016, 07:49 [GMT+7]
(QBĐT) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là đại biểu Quốc hội suốt từ khóa I đến khóa VII và có những đóng góp to lớn cho sự hình thành và lớn mạnh của Quốc hội nước nhà.
Ảnh 3 : Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ĐBQH tỉnh Quảng Bình báo cáo về công tác Quân sự tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa III.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ĐBQH tỉnh Quảng Bình báo cáo về công tác Quân sự tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa III.
Sau khi giành được chính quyền, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, ngày 3-9-1945, Chính phủ lâm thời đã họp phiên đầu tiên, thảo luận và tán thành 6 vấn đề cấp bách do Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra, trong đó có vấn đề “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo Hiến pháp dân chủ”. 
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách là Bộ trưởng Nội vụ của Chính phủ lâm thời đã thay mặt Chính phủ ký sắc lệnh tổ chức Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội: “Tất cả công dân Việt Nam cả trai và gái từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường...”.
 
Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức thành công với 89% cử tri đi bỏ phiếu và 333 đại biểu được bầu. Sự ra đời của cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đánh dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ ở Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới - thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất. Tại Quốc hội khóa I này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là ĐBQH của tỉnh Nghệ An.
 
Được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phụ trách việc lập Ban dự thảo Hiến pháp, chỉ một thời gian ngắn sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp và Ban soạn thảo đã trình Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1946 - đạo luật cơ bản đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 20-1-1948, sau khi được Hội đồng Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội nhất trí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 110/SL thụ cấp Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp - người con ưu tú của quê hương Quảng Bình. Đến tháng 7-1948, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam.
 
Đến tháng 5-1960, cuộc bầu cử Quốc hội khóa II được diễn ra trên cả nước. Quốc hội khóa II có 453 đại biểu trúng cử, tại địa bàn Quảng Bình có 7 đại biểu. Một niềm vinh dự và tự hào của nhân dân Quảng Bình khi đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là 1 trong 7 đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh nhà.
 
Trong nhiệm kỳ hoạt động của mình, trên cương vị là người đại diện cho ý chí và quyền lực của nhân dân, tham gia cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam DCCH, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khóa II đã tham gia đầy đủ 8 kỳ họp, đại diện cho cử tri và nhân dân quyết định nhiều vấn đề trọng yếu của đất nước.
 
Những năm chống Mỹ ác liệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Tổng tư lệnh của QĐND Việt Nam, vừa lãnh đạo nhân dân đánh Mỹ, vừa tham gia các kỳ họp Quốc hội, đóng góp ý kiến nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
 
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa IV, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã báo cáo về tình hình và nhiệm vụ quân sự , phân tích rõ tương quan lực lượng giữa ta và địch, sự thay đổi thuận lợi của cục diện chiến trường. Giữa Quốc hội, bằng lời lẽ sắc sảo, vị Tổng tư lệnh của QĐND Việt Nam đã truyền một khí thế mạnh mẽ cùng lòng quyết tâm đánh Mỹ cho cả khán phòng lúc bấy giờ.
 
Đại tướng khẳng định: “Cục diện của đất nước Việt Nam đã hoàn toàn đổi mới, khác hẳn 30 năm về trước. Cục diện miền Nam cũng đã có bước biến chuyển mới khác với lúc mới ký kết Hiệp định Pari. Chúng ta đã có điều kiện thuận lợi mới để tiến lên hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ”.
 
Lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường miền Nam đã thay đổi nhanh chóng, tạo nên một thời cơ mới để giải phóng miền Nam. Từ cuối tháng 9-1974 đến tháng 1-1975, Bộ Chính trị đã liên tiếp họp bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm, trong đó có kế hoạch nếu “thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.
 
Giữa lúc tiếng súng chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975, UBTVQH đã họp phiên đặc biệt để nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo về cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân Việt Nam nhằm đánh đổ chế độ thực dân mới của Mỹ ở miền Nam.
 
Trước báo cáo chi tiết và sắc sảo của Đại tướng, Quốc hội đã vui mừng về những thắng lợi cực kỳ to lớn của quân và dân ta ở miền Nam. Những thắng lợi ấy đang làm thay đổi hẳn lực lượng so sánh, tạo nên thời cơ mới để tiếp tục tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn, đưa cách mạng miền Nam đến thắng lợi hoàn toàn.
 
Cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 đã hoàn toàn thắng lợi, non sông liền một dải, mở ra nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ mới của cả nhân dân Việt Nam là “xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.” Ngày 24-6-1976, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI được khai mạc tại Thủ đô Hà Nội, đây là kỳ họp Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất.
 
Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ là ĐBQH tỉnh Bình-Trị-Thiên đã phát biểu về vấn đề: “Kết hợp nghĩa vụ lao động với nghĩa vụ quân sự, toàn dân và toàn quân làm nghĩa vụ xây dựng nước nhà, toàn quân và toàn dân làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc”, góp phần làm rõ nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta sau ngày đất nước vừa thống nhất.
 
Theo Lịch sử Quốc hội, tại các kỳ họp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những bài phát biểu sâu sắc trước Quốc hội, phân tích rõ hơn đường lối quân sự, đối ngoại của nước ta, từ đó tạo nên sự đồng thuận về các chính sách quân sự, đặc biệt là trong những năm chống Mỹ ác liệt. Trong suốt những năm tháng đó, Đại tướng đã đề xuất và chỉ đạo soạn thảo các đạo luật quan trọng như Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1960; Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1962 và sửa đổi, bổ sung năm 1965; Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1982 và Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1982...
 
Trong 70 năm Quốc hội đồng hành cùng những thăng trầm của đất nước, với tư cách là đại biểu đại diện cho tiếng nói của nhân dân từ khóa I đến khóa VII, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ đóng góp ý kiến mang tính chuyên môn sâu sắc ở những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng mà đã đóng góp công sức, trí tuệ cùng Quốc hội thực hiện tốt các chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, được cử tri cùng nhân dân đánh giá cao, xứng đáng là người đại biểu của nhân dân.
 
Đại tướng cũng là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng và góp công trong sự lớn mạnh của Quốc hội Việt Nam. Và cuộc đời của ông là tấm gương phản chiếu gần trọn thế kỷ XX - thế kỷ nhiều biến cố nhưng cũng vẻ vang nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam.
 
Diệu Hương