.

Ý kiến tâm huyết gửi đến kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVI

Thứ Sáu, 11/12/2015, 09:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Ý kiến tâm huyết gửi đến kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVI.

Cần mở rộng đối tượng thụ hưởng Chương trình 30a

- Ông Đinh Trường Sinh, Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa

Thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ, UBND xã Hóa Hợp đã hỗ trợ nhân dân mua các loại giống cây trồng, vật nuôi với số tiền trên 1 tỷ đồng; tuyên truyền tư vấn xuất khẩu lao động 24 triệu đồng. Đến nay, toàn xã có 32 đối tượng đi xuất khẩu lao động ở các nước.

Chương trình đã hỗ trợ cho người dân làm được 76 ngôi nhà, với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng; thu hút 2 cán bộ trí thức trẻ tham gia tổ công tác và 1 trí thức trẻ tăng cường làm Phó chủ tịch UBND xã. Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, Hoá Hợp đầu tư xây dựng 4 công trình gồm: chợ Hoá Hợp với tổng kinh phí trên 2,5 tỷ đồng (gộp vốn Chương trình 30a và 135 của Chính phủ); đường vào khu sản xuất thôn Tân Hoà tổng kinh phí gần 3,2 tỷ đồng (gộp vốn Chương trình 30a và 135 của Chính phủ); công trình nước sinh hoạt xã Hoá Hợp với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng; đường vào khu sản xuất thôn Tân Lợi với tổng kinh phí được cấp là 3,355 tỷ đồng.

Từ khi được hưởng lợi từ Chương trình 30a, đời sống của người Hóa Hợp từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Số hộ nghèo giảm đáng kể qua hàng năm. Nếu như năm 2009, toàn xã có 270 hộ thì đến cuối năm 2015 còn 113 hộ, chiếm tỷ lệ 12,12%.

Nhân kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVI, tôi xin mạnh dạn đề xuất một số ý kiến để thực hiện tốt hơn Chương trình 30a trên địa bàn xã Hóa Hợp: UBND tỉnh, UBND huyện Minh Hóa quan tâm đúng mức nhằm đầu tư kịp thời về các lĩnh vực, tăng mức hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo nhằm tạo điều kiện cho bà con sản xuất, tăng thu nhập; mở rộng đối tượng thụ hưởng (toàn bộ nhân dân thuộc huyện nghèo) đối với chính sách hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập và tăng mức, thời gian cho vay ưu đãi. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt cho nhân dân.

Xuân Vương (thực hiện)

“Tăng cường quản lý về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản”

- Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm giống thủy sản Quảng Bình

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều người nuôi tôm trong tỉnh đang lâm vào cảnh lao đao vì mất trắng. Điều đáng nói, không chỉ các hộ nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn mà các doanh nghiệp nuôi tôm cũng đang điêu đứng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, đó là mặt bằng vùng nuôi, cơ sở nuôi thường không theo quy hoạch hoặc trước đó có quy hoạch nhưng đã bị phá vỡ; vùng nuôi không còn ao lắng, ao xử lý bùn, không phân biệt kênh cấp và thoát nước; nhiều nơi nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm hữu cơ và mầm bệnh rất nặng; kỹ thuật nuôi của người dân còn lạc hậu và tự phát; các loại thuốc thú y, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường bị buông lỏng khiến thật giả lẫn lộn gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nuôi...

Ngư dân xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) đóng mới tàu thuyền có công suất lớn để đánh bắt cá xa bờ. Ảnh: P.V
Ngư dân xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) đóng mới tàu thuyền có công suất lớn để đánh bắt cá xa bờ. Ảnh: P.V

Đặc biệt, vấn đề con giống thủy sản hiện nay đang bị buông lỏng, rất đáng báo động. Nói như vậy bởi, nhiều loại giống kém chất lượng, mang sẵn mầm bệnh được bán khắp nơi và nhiều hộ dân ham rẻ đã mua về và thả nuôi góp phần phát tán mầm bệnh trên tôm. Trong khi đó, công tác kiểm soát giống thủy sản còn nhiều hạn chế.

Mặc dù Sở NN và PTNT đã có công văn gửi các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thả nuôi theo đúng lịch thời vụ, hạn chế mua giống tôm trôi nổi, không rõ nguồn gốc cũng như xử lý kịp thời những ổ dịch, tuy nhiên, các hộ nuôi vẫn chưa thay đổi được cách nuôi nên nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Để hạn chế rủi ro và đưa nghề nuôi tôm đạt hiệu quả kinh tế cao, nhất là nuôi tôm trên cát trước hết cần phải khắc phục thực trạng đã nêu trên, trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện giải pháp về con giống. Người nuôi cần phải xác định chất lượng con giống là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công trong nghề tôm nuôi hiện nay. Phải chú ý khi chọn mua con giống, nên mua giống ở những cơ sở có uy tín, giống phải qua kiểm dịch, kích thước đồng đều, chất lượng tốt, sạch bệnh.

Mặt khác, tỉnh triển khai quy hoạch vùng sản xuất giống tập trung, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất giống. Cơ quan chức năng tăng cường quản lý về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản và yêu cầu khắc phục hoặc xử lý đối với các cơ sở chưa đủ điều kiện; kiểm soát chặt chẽ bệnh dịch trên tôm; tăng cường kiểm tra các loại thuốc, chế phẩm sinh học nhằm giúp người nuôi mua được sản phẩm chất lượng...

Hy vọng mùa nuôi tôm năm 2016 sẽ có nhiều khởi sắc hơn gỡ khó cho các hộ dân và doanh nghiệp nuôi tôm trong tỉnh.

N.L (thực hiện)

"Quan tâm hơn nữa các vấn đề liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh"

- Ngư dân Nguyễn Thanh Long, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch

Thời gian qua, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 48 /NĐ-CP về hỗ trợ giá dầu cho ngư dân và Nghị định số 67/ NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản đã cổ vũ rất lớn cho ngư dân bám biển vươn khơi. Đặc biệt khi triển khai các sở, ngành chức năng trong tỉnh rất quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất để ngư dân yên tâm sản xuất, đánh bắt trên các vùng biển xa gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.

Tuy nhiên trên thực tế còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi vậy, tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVI, mong rằng các đại biểu sẽ dành nhiều thời gian thảo luận, bàn bạc quan tâm hơn nữa các vấn đề liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh.

Trong đó tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện các Nghị định số 48 /NĐ-CP về hỗ trợ giá dầu cho ngư dân và Nghị định số 67/ NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Nghiên cứu đề xuất Chính phủ tăng thời gian trả nợ vay vốn với tàu vỏ gỗ cũng như vỏ thép. Tỉnh ta cần tổ chức thường xuyên các lớp đào tạo nghề cho ngư dân nhằm giúp ngư dân nâng cao tay nghề khai thác thủy hải sản và có ý thức bảo vệ môi trường biển.

Có những chính sách cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành thủy sản trong tỉnh mở rộng quy mô, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng được thương hiệu, có sức cạnh tranh với các doanh nghiệp tỉnh bạn và trong cả nước. Đối với Cảnh Dương, hiện cả xã có hơn 400 tàu cá, tuy nhiên vào mùa mưa bão những tàu có công suất lớn không thể vào âu tàu tránh trú do cửa lạch Roòn bị bồi lấp nghiêm trọng. Đề nghị tỉnh quan tâm, có hướng giải quyết để tàu cá bà con ngư dân vùng Roòn ra vào thuận lợi, yên tâm đánh bắt thủy hải sản.

X.Phú (thực hiện)

Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi và bàn giao đất rừng cho nông dân

- Ông Lê Văn Lam, thôn Kim Lịch, xã Kim Hoá, huyện Tuyên Hóa

Nhiều năm qua, tôi rất quan tâm tới những hoạt động của HĐND tỉnh. Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, được biết, kỳ họp lần thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVI sẽ đưa ra nhiều vấn đề để các đại biểu nghiên cứu, xem xét và thảo luận.

Đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng nhằm nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được trong năm 2015, năm cuối của nhiệm kỳ; cũng là cơ sở để đánh giá một cách toàn diện trên tất cả các mặt trong thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra...

Là một cử tri huyện Tuyên Hoá, tôi xin đề xuất HĐND tỉnh cần đốc thúc các ngành chức năng sớm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi và bàn giao đất rừng cho nông dân xã Kim Hoá nói riêng và người dân trong tỉnh nói chung. Các ngành chức năng nên quan tâm đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng; tăng cường hỗ trợ người dân về giống cây lâm nghiệp; đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng... để nâng cao giá trị kinh tế rừng, nâng cao đời sống, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân.

Văn Minh (thực hiện)

“Mong sớm có nghị quyết chuyên đề về hoạt động du lịch...”

- Ông Nguyễn Tự Đồng, tổ dân phố 10, phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới

Quảng Bình đã được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh nổi tiếng, đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng với hệ thống hang động kỳ vĩ, trong đó có Sơn Đoòng là hang động lớn nhất và đẹp nhất thế giới. Thời gian qua hoạt động du lịch tỉnh ta đã có rất nhiều tiến bộ. Sự phát triển của du lịch đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động và tạo điều kiện cho nhiều loại dịch vụ phát triển.

Tuy nhiên, sự phát triển của ngành du lịch Quảng Bình chưa tương xứng với tiềm năng. Số lượng khách du lịch đến ngày càng đông nhưng chỉ số ngày lưu trú của khách còn thấp.

Để du lịch phát triển ngang tầm với tiềm năng, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của HĐND tỉnh. Chúng tôi mong muốn các kỳ họp HĐND tỉnh cần quan tâm hơn nữa tới việc đề ra các giải pháp để phát triển du lịch và sớm có nghị quyết chuyên đề về hoạt động du lịch để du lịch, xứng đáng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Mong các đại biểu HĐND tăng cường hơn nữa  hoạt động giám sát các dự án đầu tư trọng điểm về du lịch để góp phần tăng hiệu quả trên lĩnh vực quan trọng này, hạn chế lãng phí, khắc phục dần những dự án treo về du lịch.

Phan Hòa (thực hiện)

>> Ý kiến tâm huyết gửi đến kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVI