.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 - 6-1-2016):

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thời kỳ sáp nhập tỉnh Bình Trị Thiên (1976-1989)

Thứ Năm, 03/12/2015, 08:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thống nhất Tổ quốc, thực hiện Nghị quyết 24 của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 245- NQ/TW về việc bãi bỏ các Khu tự trị, hợp nhất một số tỉnh trong cả nước, trong đó có việc hợp nhất các tỉnh Quảng Bình, khu vực Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên thành tỉnh Bình Trị Thiên nhằm xây dựng tỉnh trở thành địa phương có khả năng giải quyết đến mức cao nhất về sản xuất, phát triển kinh tế, tổ chức tốt đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân.

>> Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khóa IV và V (1971-1976)

Ảnh 7 : Đại biểu Quốc hội Bình Trị Thiên thảo luận tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VII.
Đại biểu Quốc hội Bình Trị Thiên thảo luận tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VII.

Quốc hội khóa VI (1976-1981)

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông đã thu về một mối, nhưng hai miền vẫn tồn tại hai nhà nước với hai chính phủ, đó là Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Đứng trước tình hình đó, ngày 25-4-1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức.

Trong không khí tưng bừng, trên 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ đất nước đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập thống nhất. Đây thực sự là ngày hội lớn của toàn dân Việt Nam. Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, trong đó miền Bắc 99,36%, miền Nam 98,59%, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm.

Tại Bình Trị Thiên, hơn 99% tổng số cử tri trong tỉnh đi bầu cử, trong đó có những huyện, xã đạt 100% cử tri đi bỏ phiếu. Cuộc bầu cử được tiến hành nhanh, gọn và đạt kết quả tốt, cả nước bầu ra 492 đại biểu, trong đó Bình Trị Thiên có 19 đại biểu trúng cử. Đại biểu Võ Nguyên Giáp được bầu giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Cổ Kim Thành được bầu làm Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.

Tại các diễn đàn của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực tham gia vào các hoạt động và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng luật pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như chọn tên nước, Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy, Thủ đô. Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp 1980 được thông qua, đây là Hiến pháp thứ ba được Quốc hội ban hành để nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.

Thực hiện chương trình công tác của UBTVQH và kế hoạch hoạt động của Đoàn, trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức được 6 cuộc giám sát trên các lĩnh vực, trong đó có 3 cuộc tập trung vào việc giám sát quá trình tổ chức tuyên truyền phổ biến nội dung của Hiến pháp năm 1980. Hoạt động giám sát của Đoàn đã góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật nhanh chóng đi vào thực tiễn của cuộc sống.

Quốc hội khóa VII (1981-1987)

Cuộc bầu cử ĐBQH khóa VII được tổ chức vào ngày chủ nhật 26-4-1981. Cả nước có 40 tỉnh, thành phố và đặc khu được chia thành 93 đơn vị bầu cử. Ở tất cả các địa phương trong cả nước, tỷ lệ cử tri đi bầu so với số cử tri ghi trong danh sách đạt 97,96%. Địa phương nào cũng có một số xã, phường, có nơi cả huyện đạt 100% số cử tri đi bầu.

Kết quả bầu cử có 496 đại biểu trúng cử, trong đó đại biểu công nhân 20,16%; nông dân 18,64%; quân nhân cách mạng 9,87%; cán bộ chính trị 24,39%; trí thức xã hội chủ nghĩa 22,17%; đại biểu là nữ 21,77%; đại biểu là dân tộc thiểu số 14,91%. Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Trị Thiên đã được Quốc hội khóa VII phê chuẩn 19 đại biểu, do ông Vũ Thắng - Ủy viên BCHTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn.

Trong nhiệm kỳ 5 năm, với 12 kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia và góp phần tích cực cùng với Quốc hội ban hành được 10 đạo luật và 35 nghị quyết, trong đó có các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước được ban hành mới theo quy định của Hiến pháp 1980, từng bước xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Điều đáng chú ý là lần đầu tiên Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1985).

Công tác TXCT đã được Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện nghiêm túc, nhất là vào thời điểm trước và sau mỗi kỳ họp của Quốc hội. Trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức trên 60 cuộc TXCT trên địa bàn của tỉnh với hàng vạn lượt cử tri tham gia. Trong hoạt động tiếp xúc với cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động tăng cường đối thoại trực tiếp với cử tri, giải trình rõ những vấn đề mà cử tri quan tâm, đồng thời làm rõ thẩm quyền trách nhiệm của từng cấp trong việc giải quyết những kiến nghị, đề xuất của cử tri, nhờ vậy đã được đông đảo cử tri đồng tình ủng hộ.

Cùng với kết quả hoạt động chung Quốc hội khóa VII, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Trị Thiên tập trung góp phần vào công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân, thực hiện giai đoạn “tiền đổi mới", trước những thành tựu và tiến bộ của cách mạng xã hội chủ nghĩa và không ít khó khăn.

Quốc hội khóa VIII (1987-1989)

Ngày 19-4-1987, cuộc bầu cử ĐBQH khóa VIII diễn ra trên phạm vi toàn quốc. Cử tri cả nước tích cực tham gia bầu cử, lựa chọn những đại biểu ưu tú để bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Các khu vực bầu cử được tổ chức trang nghiêm. Tại tỉnh Bình Trị Thiên, công tác bầu cử cũng được triển khai chặt chẽ từ tỉnh đến các địa điểm bầu cử.

Ở tất cả các đơn vị bầu cử, số cử tri đi bầu đều đạt tỷ lệ cao. Tổng số đại biểu trúng cử lần này là 496 người, trong đó công nhân 20%, nông dân tập thể 21%, quân nhân cách mạng 9,9%, trí thức xã hội chủ nghĩa 24,9%, cán bộ chính trị 20,2%, dân tộc thiểu số 14%, đại biểu là nữ 18%, đại biểu trẻ tuổi 11,2%, đảng viên 93%. Tỉnh Bình Trị Thiên có 19 người trúng cử đại biểu Quốc hội do ông Nguyễn Văn Lương, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn.

Điểm nổi bật nhất trong hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa VIII là bắt đầu thể chế hóa và thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, từng bước phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là giai đoạn đầu của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia cùng Quốc hội ban hành 2 bộ luật, 29 luật. Điều đáng chú ý là nhiều đạo luật quan trọng thể chế hóa chính sách kinh tế mới lần đầu tiên được ban hành, đó là: Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1987), mở đường cho việc đẩy mạnh chính sách hợp tác kinh tế với nước ngoài và đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam.

Trong giai đoạn này, đồng thời với hoạt động TXCT, Đoàn ĐBQH tỉnh đã xây dựng kế hoạch tiếp dân tại trụ sở làm việc của Đoàn. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp trên 350 lượt công dân đến kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và nhận trên 300 đơn thư các loại. Đoàn đã phân loại và xử lý theo đúng quy định của pháp luật và gửi đến các cơ quan thẩm quyền nghiên cứu, xử lý và giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết chia tỉnh Bình Trị Thiên thành ba tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Chấp hành quyết định của Quốc hội, Đoàn ĐBQH Bình Trị Thiên đuợc chia làm 3 đoàn theo nguyên tắc ĐBQH ứng cử, bầu cử trúng cử ở tỉnh nào được tách theo tỉnh đó. Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình trở về với địa giới cũ.

Bài học lịch sử quan trọng trong thời kỳ sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên (1976-1989) là: Phát huy tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, tích cực tham gia thảo luận và sáng suốt cùng Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng về chủ trương, đường lối, chính sách chung trong phát triển kinh tế- xã hội.

Quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy, thông qua các nghị quyết về tên nước, Quốc kỳ, Quốc ca, đổi tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tham gia đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính quyền mới ở miền Nam, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất trong cả nước, trong đó có Hiến pháp 1980, mở đầu cho bước phát triển mới trong tiến trình đi lên của đất nước.

P.V (lược trích)