.

Quốc hội nhất trí thông qua dự thảo Luật khí tượng, thủy văn

Thứ Ba, 24/11/2015, 07:48 [GMT+7]
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật khí tượng, thủy văn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật khí tượng, thủy văn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, chiều 23-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua dự thảo Luật khí tượng, thủy văn và thảo luận về dự thảo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).

Biểu quyết thông qua dự thảo Luật khí tượng, thủy văn

Với 83% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật khí tượng, thủy văn. Dự thảo luật có 10 chương, 57 điều.

Luật quy định về hoạt động khí tượng thủy văn gồm: quản lý, khai thác mạng lưới trạm; dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu; tác động vào thời tiết; và quản lý nhà nước; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài; tổ chức quốc tế tham gia hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nguyên tắc hoạt động khí tượng thủy văn gồm phục vụ chung cho phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia và phòng, chống thiên tai do ngân sách nhà nước bảo đảm; được quản lý tập trung, thống nhất trong phạm vi cả nước.

Quan trắc khí tượng thủy văn phải bảo đảm chính xác, liên tục, thống nhất, kết quả quan trắc liên kết được trong phạm vi quốc gia và với quốc tế. Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải bảo đảm đủ độ tin cậy; thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải được truyền, phát kịp thời, chính xác, đầy đủ. Hệ thống thu nhận, truyền phát thông tin khí tượng thủy văn phải được bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục, có tốc độ cao, diện bao phủ rộng.

Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho việc xây dựng, quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu phục vụ chung cho phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia và phòng, chống thiên tai.

Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động khí tượng thủy văn; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.

Ưu tiên đầu tư xây dựng mạng viễn thông dùng riêng phù hợp với quy định của pháp luật về viễn thông và sử dụng các mạng viễn thông quốc gia cho hoạt động thu nhận, truyền phát thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, phòng, chống thiên tai...

Luật đã quy định rõ 14 hành vi bị cấm, bao gồm lợi dụng hoạt động khí tượng thủy văn gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; lấn, chiếm khoảng không, diện tích mặt đất, dưới đất, mặt nước, dưới nước của công trình khí tượng thủy văn; vi phạm quy định hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn.

Luật cũng quy định cấm các hành vi làm ảnh hưởng đến công trình, phương tiện đo khí tượng thủy văn. Xâm hại công trình, phương tiện đo khí tượng thủy văn, thiết bị thông tin, các thiết bị kỹ thuật khác của công trình khí tượng thủy văn; va đập vào công trình; đập phá, dịch chuyển các mốc độ cao. Cản trở việc quản lý, khai thác công trình khí tượng thủy văn.

Đồng thời cấm các hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không có giấy phép hoặc trái với giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trái quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; cố ý vi phạm quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn trong hoạt động khí tượng thủy văn.

Cấm các hành vi tác động vào thời tiết khi không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tác động vào thời tiết hoặc trái với kế hoạch được phê duyệt; che giấu, không cung cấp hoặc cố ý cung cấp sai lệch, không đầy đủ, không kịp thời thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; làm trái quy định về truyền, phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc vượt quá quyền hạn của người có thẩm quyền để làm trái quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn; lợi dụng hoạt động hợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật...

Cần thiết sửa đổi Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế

Thời gian còn lại phiên làm việc chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận dự thảo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) (gọi tắt là Luật điều ước quốc tế).

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật đã được trình bày cụ thể tại Tờ trình của Chính phủ. Luật điều ước quốc tế năm 2005 là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nội luật hóa nhiều quy định của Công ước Viên về Luật các điều ước năm 1969 - một trong những luật quốc tế quan trọng nhất điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia.

Luật điều ước quốc tế là cơ sở pháp lý quan trọng hàng đầu phục vụ triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần mở rộng quan hệ quốc tế, nhất là sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, số lượng các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết ngày càng gia tăng, Luật hiện hành bộc lộ những bất cập không còn phù hợp với việc ký kết điều ước quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời Hiến pháp năm 2013 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến điều ước quốc tế đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật điều ước quốc tế năm 2005.

Nhiều ý kiến đại biểu nhất trí sửa tên Luật thành “Luật điều ước quốc tế” do tên gọi này vừa ngắn gọn, vừa đảm bảo sự bao quát đối với phạm vi điều chỉnh của Luật.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của việc sửa đổi, bổ sung Luật điều ước quốc tế năm 2005 là phải cụ thể hóa quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 về các loại điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực.

Dự thảo Luật bước đầu đã cụ thể hóa quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 tại Điều 29 dự thảo Luật. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa điều ước quốc tế liên quan đến "tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng" và "điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân" thuộc thẩm quyền Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực vẫn chưa rõ ràng, chưa khắc phục được những khó khăn, vướng mắc đã được nêu tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật điều ước quốc tế năm 2005.

Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) đã dẫn ra các trường hợp cụ thể Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội.

Tại Điều 29 của dự thảo luật quy định các loại điều ước quốc tế phải được phê chuẩn, tuy nhiên đại biểu Ngô Đức Mạnh đánh giá dự thảo chưa liệt kê được, hoặc chưa làm rõ được những tiêu chí nào là điều ước quốc tế phải được trình Quốc hội phê chuẩn. Theo đại biểu, “tại Điều 29, chúng ta mở rộng khái niệm về các điều ước quốc tế khác, ví dụ như điều ước quốc tế cần phải sửa đổi bổ sung luật. Trên thực tế, chúng ta phải liên tục sửa đổi bổ sung để cập nhật tình hình và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, cho nên nếu mở rộng thế này, vô hình dung chúng ta mở rộng khái niệm của Khoản 14, Điều 70,” đại biểu phân tích.

Thảo luận về các loại điều ước quốc tế, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), nêu rõ có hai nhóm điều ước quốc tế. Nhóm thứ nhất phải trình Quốc hội phê chuẩn; nhóm 2 không phải trình Quốc hội phê chuẩn mà trình Chủ tịch nước phê chuẩn hay Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, trong phần giải thích từ ngữ của dự thảo luật đã nêu: “Điều ước quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế.” Chính vì vậy, đại biểu cho rằng dù Quốc hội có phê chuẩn hay không phê chuẩn thì Quốc hội cũng phải được biết và đề nghị Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ Ngoại giao hàng năm phải báo cáo với Quốc hội về tình hình ký kết và tổ chức thực hiện của tất cả các điều ước quốc tế, dù là điều ước quốc tế có trình Quốc hội phê chuẩn hay không.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị nên quy định rõ hơn trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế, đặc biệt là kế hoạch nhằm triển khai hoạt động “sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế”.

Về trình tự, thủ tục rút gọn tại Chương VII, nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với đàm phán, ký kết, sửa đổi, bổ sung gia hạn điều ước quốc tế là cấn thiết. Đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) đánh giá đối với các điều ước quốc tế có nội dụng tương tự về lĩnh vực, với điều ước quốc tế mà chúng ta là thành viên, điều ước quốc tế mẫu hoặc điều ước quốc tế phục vụ nhu cầu đối ngoại theo quy định tại Khoản 1, Điều 78 của dự thảo luật, việc áp dụng trình tự thủ tục rút gọn trong đàm phán và ký kết sẽ giúp giảm bớt thời gian, tiết kiệm chi phí và nguồn lực, đồng thời đáp ứng được nhu cầu cần thiết của việc ký kết và việc thực hiện Điều ước quốc tế của nước ta trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị khi áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc đàm phán, ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn Điều ước quốc tế cần có những quy định chi tiết hơn để việc triển khai được hợp lý, tránh sơ hở, rủi ro có thể xảy ra.

Ngày mai, Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình.

Theo Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

>> Quốc hội chính thức thông qua dự án Luật Kế toán sửa đổi