.

Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Cần có biện pháp hữu hiệu để hạn chế tối đa thất thu

Thứ Ba, 24/11/2015, 07:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, trong các ngày 2 đến 3-11 Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã có bài phát biểu, nội dung như sau:

>> Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Đóng góp nhiều ý kiến xác đáng

Tôi cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Con số ấn tượng là lãi suất ngân hàng, nợ xấu, tỷ lệ hộ nghèo, xã nghèo, tai nạn giao thông giảm; chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong những năm gần đây.

Tăng trưởng GDP 6,5%. Kim ngạch xuất khẩu; cán cân thương mại, giá trị thặng dư; dự trữ ngoại hối tăng; xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả; cải cách tư pháp có nhiều tiến bộ; năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng lên. Hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt; Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững; đối ngoại mở rộng; đời sống nhân dân được cải thiện. Những kết quả cơ bản nói trên khẳng định rõ hơn xu hướng phục hồi của nền kinh tế.

Kết quả trên là kết quả của sự tổng hoà với nhiều giải pháp của Quốc hội, Chính phủ, hệ thống chính trị và các Bộ, ngành, hệ thống ngân hàng trong 5 năm qua, mà trước hết cần kể đến là việc quyết định điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội; kiểm soát đầu tư công; thực hiện tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng; xử lý nợ xấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ, gây mất an toàn. Tạo môi trường kinh doanh cho hệ thống ngân hàng, từng bước hạ thấp lãi suất, ổn định thị trường vàng, giữ vững ổn định tỷ giá ngoại tệ.

Quốc hội đã tập trung chú trọng phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiểm soát đầu tư công; mua sắm công; kiểm soát nợ công; kiểm soát các nguồn chi phí đầu tư xây dựng cơ bản....

Tăng cường giám sát, đổi mới nội dung và ra nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Lần đầu tiên Quốc hội đưa vào nội dung lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, yếu tố động lực luôn luôn thúc đẩy các bộ, ngành lắng nghe, suy nghĩ và hành động thực hiện lời hứa của mình.

 Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu trong phiên chất vấn tại kỳ họp.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu trong phiên chất vấn tại kỳ họp.

Những việc làm trên chính là tiền đề quan trọng, vững chắc cho tăng trưởng nền kinh trong năm 2015. Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2016 và những năm tiếp theo, ngoài các giải pháp đã nêu tôi xin kiến nghị một số vấn đề sau:

1- Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo để tận thu các nguồn thuế. Thực tế hiện nay là ngành nào, lĩnh vực nào cũng đề nghị nâng định mức chi, nâng lương nhưng không hoặc ít thấy đề nghị giải pháp thu để chi.

Thuế là nguồn thu quan trọng của quốc gia, nhưng thời gian qua chủ yếu chỉ ngành Thuế, Hải quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình, còn hệ thống chính trị và xã hội tham gia chưa nhiều so với các lĩnh vực khác, vì thế mà cho dù ngành Thuế, Hải quan đã có nhiều cố gắng nhưng tình trạng trốn thuế, vi phạm pháp luật về thuế; gian lận thương mại vẫn xẩy ra và ngày càng gia tăng; tính chất ngày càng tinh vi và phức tạp.

Ý thức tham gia nộp thuế của người dân chưa cao và chưa đúng theo nghĩa: “Nộp thuế là quyền và nghĩa vụ”. Không ít cán bộ thuế bị chửi bới, bị mạt sát và đã có những đối tượng nộp thuế chống lại người thi hành công vụ, đánh trọng thương cán bộ thuế khi đang làm nhiệm vụ. Cũng chính từ những bất cập, hạn chế đó mà có nhiều quan điểm cho rằng cần bổ sung chức năng điều tra cho ngành Thuế trong Bộ luật Hình sự.

Thực tế xảy ra nói trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản là do hệ thống chính sách, pháp luật về thuế vẫn còn những bất cập, hạn chế và công tác quản lý thu thuế trên một số lĩnh vực chưa bảo đảm. Hiện nay, chính sách hoàn thuế tạm nhập, tái xuất còn bị lợi dụng, có những doanh nghiệp làm ăn lớn, lợi nhuận cao nhưng trốn thuế, chiếm lợi nhuận.

Trong thực hiện thuế VAT, nhiều quan hệ giao dịch, người mua không lấy hoá đơn, người bán tìm cách không xuất hoá đơn hoặc xuất hoá đơn thấp hơn giá bán, nếu tính sơ bộ thì hằng năm Nhà nước thất thu thuế hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp buôn bán lớn, liên tiếp mở rộng kinh doanh, nhiều cửa hàng, nhưng họ cũng rất tinh vi trong việc lách luật trốn thuế; nên lợi nhuận lớn, thuế nộp thấp.

Chính sách cho doanh nghiệp tự in hoá đơn vẫn còn nhiều kẻ hở, số hoá đơn in thêm chưa kiểm soát được, nên có hiện tượng doanh nghiệp buôn bán hoá đơn. Đặc biệt có doanh nghiệp đã giải thể, biến mất nhưng vẫn có thể buôn bán hoá đơn. Nợ đọng thuế lớn, có nhiều trường hợp không thể thu hồi, trong đó có nguyên nhân cho phép thành lập doanh nghiệp quá dễ dãi, nên doanh nghiệp nợ thuế, bị thu hồi hoá đơn, công bố phá sản nhưng rồi lại mở doanh nghiệp mới (bỏ doanh nghiệp cha, lập doanh nghiệp con) để chây ỳ, nợ đọng thuế.

Ngoài ra, việc quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản và một số nguồn thu khác còn lỏng lẻo cũng là nguyên nhân dẫn đến thất thoát một nguồn thu rất lớn chưa kiểm soát được.

Từ những vấn đề trên, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt và cần có những biện pháp hữu hiệu hơn nữa để tận thu các nguồn, hạn chế tối đa sự thất thu.

2- Đề nghị tập trung chỉ đạo tăng cường nuôi dưỡng nguồn thu: Muốn có thu thì phải nuôi dưỡng nguồn thu. Thực tế hệ thống chính sách đã có nhiều thay đổi tạo điều kiện cho doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu, nhưng cũng không ít chính sách thay đổi, làm cho doanh nghiệp lâm vào khó khăn, phá sản và làm giảm nguồn thu.

Ví dụ: Giá thuê đất không ổn định, có lúc đột ngột tăng cao, đẩy doanh nghiệp vào thế “tiến thoái, lưỡng nan”, phá vỡ đề án, kế hoạch kinh doanh do tăng chi phí đầu tư, gây thua lỗ, phá sản. Nhà nước nợ doanh nghiệp thì không phải trả lãi nhưng doanh nghiệp nợ ngân hàng phải trả lãi suất; nợ thuế hay chậm nộp thuế thì bị phạt và cũng không cho khấu trừ vào khoản Nhà nước nợ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Mặt trận và các đoàn thể cũng như các cơ quan chức năng trong phổ biến tuyên truyền, giáo dục chính sách thuế; cũng như trong thực hiện cưỡng chế, xử lý nợ đọng thuế chưa thật sự chặt chẽ.

Do đó, cần thay đổi những chính sách thuế không phù hợp; đồng thời không đưa chính sách người có công vào thuế mà đưa vào chính sách an sinh xã hội, để vừa thuận lợi cho việc thu thuế vừa bảo đảm công bằng trong chính sách.

Mặt khác, cần cố gắng ổn định chính sách pháp luật về thuế, thời gian qua các văn bản Luật và nghị định, thông tư liên quan đến lĩnh vực thuế thay đổi quá nhiều, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện. Ví dụ: Gần đây nhất thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về cho vay đóng mới tàu thuyền, trước 2015 được miễn thuế VAT nhưng vay từ năm 2015 thì phải chịu 10% thuế đầu vào làm tăng giá thành, phá vỡ kế hoạch.

3- Cần cân đối giữa đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng và từng tỉnh để huy động nguồn nhân lực sẵn có, không để xẩy ra tình trạng di cư dân số vào các thành phố lớn, các khu công nghiệp, vừa khó khăn cho người lao động, vừa khó khăn cho Doanh nghiệp, cũng như một số chính quyền địa phương hiện nay trong quản lý.

4- Để tổng kết nhiệm kỳ 5 năm, tổng kết 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, Quốc hội cần có một Nghị quyết về tổng rà soát tổng thể từng ngành, từng lĩnh vực chuyên sâu từ Bộ đến tỉnh về tồn đọng, hạn chế để có giải pháp khắc phục, xem đây là một đợt “kiểm tra sức khỏe” toàn diện nền kinh tế - xã hội, thay cho tình trạng sập cầu rà soát cầu, sập nhà rà soát nhà, sự cố xẩy ra mới rà soát, xử lý việc đã rồi như hiện nay.