.

Hiệu quả dân vận khéo ở Xuân Hóa

Thứ Sáu, 30/10/2015, 10:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Xuân Hóa (Minh Hóa) luôn tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua dân vận khéo ở địa phương với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực. Từ hiệu quả của phong trào đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của xã phát triển, làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tinh thần, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn.

Từ vận động nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình...

Xuân Hóa là một trong những xã khó khăn của huyện miền núi Minh Hóa. Những năm qua, đời sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều bấp bênh, thiếu thốn. Xuất phát từ mong muốn đem lại cho bà con một cuộc sống no đủ hơn, góp phần làm thay đổi diện mạo địa phương, Đảng bộ xã đã tích cực triển khai thực hiện dân vận khéo trên lĩnh vực kinh tế, vận động nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình.

Khi triển khai xây dựng mô hình dân vận khéo, ngoài việc quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đến cơ sở, Ban Dân vận xã phân công từng đồng chí lãnh đạo, cán bộ phụ trách trực tiếp xuống từng thôn hướng dẫn cơ sở lựa chọn, xây dựng mô hình dân vận khéo phù hợp với đặc điểm địa bàn. Đồng thời, thực hiện tốt việc kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả hoạt động của các mô hình, từ đó có cơ sở để rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình trên địa bàn xã.

Riêng đối với lĩnh vực kinh tế, khối Dân vận xã tham mưu cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hai đề án trọng tâm của huyện là trồng rừng kinh tế và chăn nuôi. Do vậy, toàn Đảng bộ quan tâm lãnh đạo công tác vận động nhân dân chuyển đổi kịp thời các loại cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà, tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT, thâm canh tăng năng suất.

Nhờ đó, đã khơi dậy được ý thức nhân dân trong xã thi đua sản xuất phát triển kinh tế. Đặc biệt, nhận thấy hiệu quả của các mô hình kinh tế hộ gia đình, Đảng bộ xã Xuân Hóa đã tích cực vận động nhân dân mạnh dạn đổi mới nếp nghĩ, cách làm, quan tâm xây dựng, nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả.

Chúng tôi cùng lãnh đạo xã Xuân Hóa đến thăm một số hộ đang ăn nên làm ra nhờ áp dụng thành công các mô hình kinh tế hộ gia đình ở địa phương, trong đó có mô hình nuôi ong lấy mật của ông Đinh Xuân Khách ở thôn Minh Xuân.

Ông Khách kể, trước đây gia đình ông thuộc diện khó khăn của xã. Vợ chồng ông chật vật làm đủ nghề để sinh sống nhưng vẫn “thiếu trước hụt sau”. Thế rồi nhờ sự động viên của chính quyền địa phương, ông Khách quyết tâm vay vốn, bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật. Ban đầu, ông cũng gặp không ít khó khăn nhưng nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm và được tập huấn kỹ thuật nên dần dà, ông đã vượt qua được những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu rồi sau đó ngày càng mở rộng quy mô.

Ảnh 8 : Mô hình nuôi ong lấy mật của ông Đinh Xuân Khách ở thôn Minh Xuân.
Mô hình nuôi ong lấy mật của ông Đinh Xuân Khách ở thôn Minh Xuân.

Hiện tại với hơn 70 đàn ong, gia đình ông Khách thu được gần 100 triệu đồng/năm. Nhờ đó, từ chỗ là hộ nghèo, gia đình ông chẳng những vươn lên thoát nghèo một cách bền vững mà còn tạo được “của ăn của để”, trở thành một trong những hộ khá giả ở địa phương.

Bên cạnh việc vận động nhân dân xây dựng các mô hình làm ăn hiệu quả, các cán bộ xã Xuân Hóa còn tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nhân dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, chăn nuôi... Nhờ đó, nhiều hộ nông dân từ nghèo khó đã vươn lên khá giả.  Một trong số đó là hộ ông Đinh Minh Chính thôn Cây Dầu.

Trước đây, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn lại chẳng biết xoay sở vốn ở đâu để phát triển sản xuất nên nhiều năm liền gia đình ông Chính phải sống trong cảnh chật vật, thiếu thốn. Xác định con đường duy nhất để thoát nghèo là mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất nên ông Chính đã không ngần ngại vay mượn, thế chấp tài sản để lấy vốn làm ăn.

“Nhờ số tiền mà chính quyền địa phương xét đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay cộng thêm số vốn xoay xở thêm, gia đình tôi mới có điều kiện đầu tư mua con giống, lập mở trang trại chăn nuôi lợn, phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống”, ông Chính bộc bạch. Hiện tại, mỗi năm đàn lợn của ông Chính cho xuất chuồng 3 lứa, thu nhập 150 triệu đồng/năm. Không những vậy trang trại của ông còn cung cấp con giống cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã và các xã lân cận trong huyện...

Nhờ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nên đến nay, trên địa bàn Xuân Hóa đã xây dựng và phát triển được 87 mô hình về phát triển kinh tế, trong đó có 39 mô hình nuôi ong, 16 mô hình nuôi lợn theo hướng trang trại, 32 mô hình trồng rừng kinh tế. Ngoài ra còn có nhiều mô hình nuôi nhím, nuôi hươu, dê, gà, nuôi cá ao, làm vườn, trồng tiêu, dịch vụ tạp hoá... Hiệu quả của các mô hình kinh tế hộ gia đình đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 65% (năm 2010) xuống còn 12,8% (năm 2014).

...đến dân vận khéo trong bảo đảm an ninh trật tự

Về Xuân Hóa, ngoài những đổi thay trong bộ mặt kinh tế, những tiến bộ về an ninh trật tự trên địa bàn thời gian qua cũng khiến nhiều người phấn khởi. Trước đây, địa phương là một trong những “điểm nóng” có nhiều điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội. Tệ nạn như trộm cắp, cờ bạc khá phổ biến. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên hiện nay, những hiện tượng này đã giảm rõ rệt.

Để bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn, hàng loạt các nhiệm vụ, giải pháp được triển khai, trong đó, tập trung tham mưu cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội vận động các tầng lớp nhân dân trong xã chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức về pháp luật cho tất cả các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia tố giác, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn xã hội; phát huy vai trò của người có uy tín trong việc giữ gìn ANTT.

Duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với các ngành, đoàn thể ở địa phương để đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nâng cao hiệu quả các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa từng bước làm giảm tội phạm và tệ nạn xã hội. Nhiều vụ việc xảy ra được phát hiện kịp thời và điều tra, xử lý ngay tại cơ sở, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Phối hợp với Mặt trận xã tổ chức ký cam kết 84 dòng họ tự quản về an ninh trật tự, vận động nhân dân cảm hóa giáo dục người lầm lỗi tại địa bàn khu dân cư. Phát huy vai trò các dòng họ, các tổ liên gia, liên hộ trong công tác tự quản nên tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trong các thôn xóm, khu dân cư luôn được bảo đảm.

Một trong những giải pháp bảo đảm ANTT ở Xuân Hóa là xây dựng thế trận lòng dân qua việc thành lập, củng cố các tổ an ninh nhân dân, an ninh tự quản. Theo đó, tùy đặc điểm từng thôn sẽ xây dựng các mô hình phù hợp.

Trên cơ sở đề xuất của công an xã, Ban chấp hành Đảng bộ xã ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng mô hình; đồng thời UBND xã xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo và giao trách nhiệm cho từng ngành, đoàn thể. Đảng ủy xã chỉ đạo chi bộ các thôn tổ chức họp triển khai và phát động nhân dân tham gia; Ủy ban MTTQVN xã và các đoàn thể, các thôn, các tổ tự quản cùng Công an xã ký cam kết thực hiện.

Tính đến thời điểm này trên địa bàn xã đã thành lập được 52 nhóm gia đình tự quản, 7 mô hình về bảo đảm ANTT, 9/9 ban an ninh, 9/9 tổ hòa giải, 4 nhóm nòng cốt, 9/9 thôn có quy ước, hương ước. Qua thực tiễn hoạt động có thể thấy các mô hình đã thực sự khơi dậy sức mạnh nhân dân, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn.

“Với những kết quả đã đạt được, đặc biệt là trong công tác dân vận, Xuân Hóa nhiều năm liền được công nhận là đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Bộ mặt nông thôn xã nhà nhờ đó ngày càng “thay da đổi thịt”, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt. Đây sẽ là nguồn động lực để địa phương tiếp tục phấn đấu gặt hái được nhiều thành quả trong giai đoạn tiếp theo”, đồng chí Đinh Xuân Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hóa khẳng định.

P.V