.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020

Thứ Hai, 05/10/2015, 08:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Trước hết, tôi đồng tình và nhất trí cao với nội dung dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020.

* Đồng chí Nguyễn Anh Quý, Phó Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, tôi cơ bản nhất trí với các nội dung được đề cập.

Tôi xin góp ý một số nội dung liên quan đến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển 5 năm, nhiệm kỳ 2015-2020 như sau: Trang 26, mục 2 đề nghị điều chỉnh lại chỉ tiêu “Tốc độ tăng dân số 0,60-0,65%/năm” thành “Tốc độ tăng dân số dưới 0,9%/năm” cho phù hợp với tình hình hiện nay, vì hiện nay tỷ lệ sinh thô cao hơn nhiều so với tỷ lệ chết thô nên chỉ tiêu “Tốc độ tăng dân số 0,60-0,65%/năm” là quá thấp, khó thực hiện được.

Ở trang 27, chỉ tiêu định hướng xã hội đến năm 2020: Đề nghị điều chỉnh lại chỉ tiêu “100% xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập trung học cơ sở (mức độ 3)” vì mức này quá cao không thể thực hiện được. Từ trang 27 đến 33, mục I. Phát triển kinh tế, đề nghị tỉnh quan tâm đối với huyện Lệ Thủy ở 3 nhiệm vụ sau:

Ở nhiệm vụ thứ 2 về thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp từng bước CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới: Đối với Lệ Thủy là một huyện nông nghiệp, sản lượng và giá trị ngày càng tăng, tuy nhiên rất khó khăn về thị trường tiêu thụ. Đề nghị tỉnh quan tâm đưa vào Nghị quyết để lãnh đạo các sở, ngành tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tăng cường đầu tư hình thành các nhà máy chế biến nông sản, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước bằng nhiều biện pháp để hạn chế nhập khẩu hàng hóa.

Ở nhiệm vụ thứ 3 về tập trung phát triển công nghiệp trở thành ngành trọng điểm, tạo động lực phát triển của nền kinh tế. Lệ Thủy là huyện có cơ cấu ngành CN-TTCN chiếm tỷ trọng thấp (chỉ chiếm 27% trong cơ cấu kinh tế và chủ yếu là TTCN. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm tạo điều kiện để xúc tiến đầu tư xây dựng Nhà máy may tại Khu công nghiệp Cam Liên. Đảng bộ và nhân dân huyện Lệ Thủy rất phấn khởi và mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo hình thành một số ngành công nghiệp phụ trợ tại Khu công nghiệp Cam Liên, Khu công nghiệp Bang.

Ở nhiệm vụ thứ 4 về phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đề nghị tỉnh quan tâm quy hoạch để khai thác tour du lịch phía nam tỉnh. Bởi Lệ Thủy có thế mạnh về du lịch tâm linh (có Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Chùa Hoằng Phúc, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Đặc biệt có suối nước nóng Bang rất phù hợp với việc xây dựng khu vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng.

Trang 33, dòng thứ 7 trên xuống, đề nghị bổ sung từ "bền vững" sau cụm từ "phát triển nguồn thu” và viết lại thành “phát triển nguồn thu bền vững”; trang 36, dòng thứ 5 trên xuống đề nghị điều chỉnh cụm từ "Phấn đấu tốc độ tăng dân số ổn định ở mức 0,6-0,65%/năm" thành cụm từ "Phấn đấu tốc độ tăng dân số ổn định ở mức <0,9%/năm" cho phù hợp với tình hình hiện nay; trang 47, mục C (Các nhóm giải pháp chủ yếu) đề nghị bổ sung thêm nhóm giải pháp nhằm xây dựng thiết chế văn hóa, cụ thể là: Xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao các thôn, bản, tổ dân phố có tính đồng bộ và xây dựng các điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi.

* Đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy

Trước hết, tôi đồng tình và nhất trí cao với nội dung dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020.

Tôi xin góp ý một số nội dung liên quan đến việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới như sau: Trong phát triển nông nghiệp, tỉnh cần nghiên cứu để sớm xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển cụ thể cho các vùng sản xuất chuyên canh, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn đối với cây lúa và các loại cây thực phẩm có giá trị kinh tế cao nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền nói chung và vùng cát, vùng ven biển nói riêng.

Đồng thời có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ về đất đai, con giống, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật... nhằm giúp người dân có điều kiện đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn theo hình thức công nghiệp, trang trại và những vật nuôi đặc sản. Bên cạnh đó, tỉnh cần tạo điều kiện trong học tập, trao đổi kinh nghiệm liên quan đến việc ứng dụng các mô hình sản xuất rau sạch, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap nhằm xây dựng thương hiệu, uy tín đối với người tiêu dùng, từng bước xây dựng nền sản xuất nông nghiệp sạch.

Ngoài ra, tỉnh cần có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện phát triển hợp tác xã ngành nghề, để hợp tác xã phải thực sự là trung tâm gắn kết “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nước), qua đó đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản do người dân làm ra. Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách khuyến khích đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thực tế có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nếu có, cũng chỉ là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, tầm ảnh hưởng hạn chế. Vì vậy, việc khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ góp phần quan trọng tạo sự yên tâm cho nông dân trong các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Nguyễn Hoàng (thực hiện)