.

Đề nghị khối Pháp ngữ ủng hộ giải quyết hòa bình tranh chấp biển Đông

Thứ Hai, 12/10/2015, 16:44 [GMT+7]
Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ năm 2014. Ảnh minh họa. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ năm 2014. Ảnh minh họa. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Từ ngày 10 đến 11-10, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Dương Chí Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ lần thứ 31 diễn ra tại thủ đô Yerevan (Armenia). Tham dự Hội nghị có gần 30 bộ trưởng ngoại giao các nước Pháp ngữ từ khắp các châu lục và lãnh đạo các tổ chức Pháp ngữ.

Hội nghị tập trung đánh giá tình hình thực hiện các quyết định của Hội nghị cấp cao Pháp ngữ năm 2014; thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định ở một số nước thành viên như Cộng hòa Trung Phi, Burkina Faso, Burundi, Mali...; trong đó đề cao các nỗ lực thúc đẩy đa dạng văn hóa và ngôn ngữ.

Các đại biểu nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên, hỗ trợ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Hội nghị đã đồng thuận thông qua 5 Nghị quyết về thúc đẩy hòa bình, đa dạng, hiểu biết lẫn nhau; ứng phó với biến đổi khí hậu; vai trò của thanh niên; vấn đề di cư và diệt chủng.

Phát biểu tại hội nghị, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Dương Chí Dũng đã nêu bật các thành tựu phát triển kinh tế và xã hội, đường lối đối ngoại vì hòa bình, hợp tác và phát triển, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Về vấn đề Biển Đông, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Dương Chí Dũng đề nghị Cộng đồng Pháp ngữ ủng hộ giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Bên lề hội nghị, Trợ lý Bộ trưởng Dương Chí Dũng đã gặp và trao đổi với trưởng đoàn một số nước và lãnh đạo Tổ chức quốc tế Pháp ngữ để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước và với Cộng đồng Pháp ngữ, đồng thời vận động các nước ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Kinh tế Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019 và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Theo TTXVN/Vietnam+